Đưa công nhân Đảo Ngọc vươn ra... biển lớn

Nếu ai đó nói, tiếng Anh là ngôn ngữ mang tính toàn cầu và người biết tiếng Anh là người có thể bước từ ao làng vươn ra biển lớn, thì Huỳnh Thanh Minh - Chủ tịch LĐLĐ huyện Phú Quốc (Kiên Giang) - chính là người đã đặt nền móng cho công nhân Đảo Ngọc vươn ra biển lớn... để hội nhập và phát triển.

Anh nông dân sáng chế ra 200 loại máy nông nghiệp, thu 3,5 tỷ đ/năm
Anh nông dân chế robot: Israel thán phục, Nhật, Mỹ xếp hàng xin mua
Huỳnh Thanh Minh trong lần thăm công nhân Nghiệp đoàn Bốc xếp xã Hàm Ninh. Ảnh: P.V

Đưa tiếng “Tây” đến công nhân “Ta”

Hôm tháp tùng Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN dự Hội nghị lần thứ 25 ăn cơm tại một nhà hàng ở huyện Phú Quốc, tôi ngạc nhiên khi thấy nữ nhân viên tên Xuân xưng hô thầy-trò với Huỳnh Thanh Minh - Chủ tịch LĐLĐ huyện Phú Quốc - rất trân trọng. Vì sao “thủ lĩnh Công đoàn” trên Đảo Ngọc lại có đặc ân đến vậy?

“Do cô này từng dự khóa dạy Anh văn chuyên ngành nhà hàng, khách sạn do mình giảng dạy” - Minh giải thích. Máu nghề nghiệp “nóng” lên khi được biết, Minh dạy tiếng Anh chuyên chất lượng cao với giá rẻ, thậm chí còn miễn phí... Thế là sau buổi cơm, tôi “bắt cóc” Minh.

Chuyện bắt đầu cách đây hơn 5 năm. Du lịch Phú Quốc tăng tốc, người nước ngoài đến nhiều... nhưng đội ngũ làm du lịch ở đây lại kém về ngoại ngữ. Đặc biệt là giới chạy xe ôm, gặp khách Tây là nói “mỏi cả tay” vì họ chỉ có mỗi khả năng vung tay ra hiệu mà thôi. Thế rồi như phép lạ, chỉ một năm sau, thầy giáo Huỳnh Văn Minh đã “hô biến” hàng chục bác tài xe ôm nói tiếng Anh lưu loát với giọng khá chuẩn.

Không chỉ có khả năng giao tiếp với những câu đơn giản như “Where would you like to go, Sir? Please, Can I help you? (Quý ngài muốn đi đâu? Tôi có thể giúp gì cho ông?)... tôi đã từng bất ngờ thú vị khi tận mắt chứng kiến nhiều bác tài xem ôm ở đây còn có thể làm người hướng dẫn du lịch cho khách Tây với khả năng giới thiệu cảnh đẹp, di tích... thậm chí là ngắm nhìn đặc sản trên Đảo Ngọc với những từ đặc trưng, như: Phú Quốc Fish sauce (Nước mắm Phú Quốc), Phú Quốc Pepper (Hồ tiêu Phú Quốc), Phú Quốc Pearl (Ngọc trai Phú Quốc)...

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người nhớ đến “dấu ấn” tiếng Anh của Minh hơn chính là tìm cách đưa tiếng Anh vào nhà hàng, khách sạn với tư cách là “người bản địa đi đầu”. Tuy phần lớn nhân viên làm việc ở lĩnh vực này có trình độ văn hóa phổ thông trở lên, nhưng hầu hết có điểm chung là vốn tiếng Anh chỉ “bập bẹ” với vốn từ vựng từ trường phổ thông, nên cũng gần như “câm và điếc” mỗi khi gặp khách Tây.

Bức xúc trước thực trạng này, Minh “vào cuộc”. Nhờ đó mà Xuân và nhiều nam thanh, nữ tú trên Đảo Ngọc làm việc ở nhà hàng, khách sạn có thể giao tiếp đầy tự tin với khách nước ngoài sử dụng tiếng Anh. Không chỉ có vậy, tôi đã thật sự bất ngờ khi tận mắt chứng kiến, không chỉ có nhân viên tiếp tân, những người lao động trực tiếp làm việc với khách, mà nhiều nhân viên khu vực bếp, tạp vụ tại nhiều nhà hàng, khách ở Phú Quốc cũng có thể nói tiếng Anh nhờ có Minh. Anh Phan Thanh Tùng - nhân viên bếp của Cty TNHH Thiên Thanh (Thiên Thanh) - xác nhận: “Từ khi có thầy Minh, người làm bếp như chúng tôi mới được học và biết tiếng Anh”.

“Miễn phí” chất lượng cao

“Chỉ sau vài tháng học, chúng tôi có vốn từ và tự tin khi gặp khách Tây” - anh Tùng xác nhận về chất lượng đào tạo từ lớp tiếng Anh của thầy Minh - “Chúng tôi không chỉ diễn đạt giúp khách hiểu được món ăn mà còn giúp họ hình dung được sự độc đáo bên trong sự đặc sắc của nó”. Nhưng đằng sau câu nói ấy là cả hành trình của tấm lòng.

“Nếu không có tấm lòng, thầy Minh sẽ không làm được, và những người lao động chân tay, lao động giản đơn như chúng tôi cũng không biết đến khi nào mới có được khả năng tiếng Tây như ngày nay” - ông Đào Mẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm khu vực sân bay Phú Quốc - chia sẻ. “Đa phần người chạy xe ôm học hành không nhiều, nên lần đầu nghe thầy Minh đặt vấn đề học tiếng Anh, ai cũng cảm giác sợ. Thậm chí, có người vừa thấy bóng dáng của Minh từ xa đã kiếm cớ bỏ đi để khỏi bị vận động đi học”.

Biết, nhưng Minh vẫn không bỏ cuộc. Không vận động trực tiếp được, anh chuyển sang vận động gián tiếp. Tận dụng thời gian giữa các buổi hội, họp, gặp mặt, sinh hoạt nghiệp vụ Công đoàn... anh lồng ghép thuyết phục từng thành viên học thử tiếng Anh với nhiều chương trình “khuyến mãi” hấp dẫn: Lấy ngay nhà riêng mở điểm dạy và lấy ngay ngày nghỉ trong tuần, giờ tối để tổ chức, và... miễn phí hoàn toàn.

Mới đầu chỉ có vài ba người như Nguyễn Thanh Tâm, Trương Huy Hoàng, Nguyễn Thành Nhân... đi học chủ yếu vì là chỗ quen biết với Minh, nhưng chỉ thời gian sau, thấy Tâm, Hoàng, Nhân vừa có thể chở khách Việt, vừa có thể “xí xô xí xào” để chở thêm khách Tây..., nhiều thành viên trong nghiệp đoàn xe ôm tự nguyện tìm đến nhà thầy Minh. Thế là lần lượt cả nghiệp đoàn đều có thể mời chào khách Tây, thậm chí có thể làm hướng dẫn viên du lịch cho khách Tây... balô.

“Ngoài việc soạn chương trình riêng” - anh Minh lý giải cho thành công vượt khỏi tưởng tượng của chính học viên - “Soạn vốn từ sát nhu cầu thực tế, rồi dạy theo kiểu “thực dụng”, cái gì cần dạy ngay, không cần lớp lang, bài bản. Nhưng quan trọng là dạy thật thoải mái, không quá gò bó để anh em không cảm thấy ngán nản, rồi bỏ cuộc giữa chừng”.

Nhưng câu chuyện đưa tiếng Anh vào nhà hàng, khách sạn trên Đảo Ngọc mới thực sự là thử thách đối với Minh. Do Đảo Ngọc có nhiều món ăn đặc sản mà các miền vùng khác không có, hoặc không giống nên Minh phải soạn ra để học trò làm vốn liếng...

“Khó nhất là việc tìm ra từ để chuyển tải hết nghĩa nội hàm của các món ăn đặc sản, vừa đảm bảo cho khách dễ cảm nhận nhất” - Minh nhớ lại: Một trong những hải sản nổi tiếng ở Phú Quốc là ghẹ, nhưng đầu bếp ở đây lại rất sáng tạo trong chế biến, trong đó có món “Ghẹ hấp gừng sả tỏi”, vì vậy tôi phải soạn ra cụm từ “Steamed king crab with garlic and citronella” để nhân viên giới thiệu cho khách Tây hiểu và cảm nhận bên trong món hải sản này có cả hương và vị thơm lừng của tỏi, ấm của gừng”...

Bây giờ có thể nhiều người thấy điều này rất đơn giản, chẳng có gì ấn tượng, hay công sức gì cho lắm, nhưng nếu đặt trong bối cảnh Phú Quốc đang còn rất “hoang sơ” về tiếng Anh thì mới thấy đó là kỳ tích của tấm lòng.

“Trước đó chưa ai dịch sang tiếng Anh, vì vậy một mặt mình vừa tự khám phá, một mặt phải tranh thủ thêm sự hỗ trợ từ tài liệu, từ bạn bè để soạn thảo... Nhiều từ, mình gần như phải “đánh vật” mới xong” - Minh nhớ lại hành trình không kém phần gian nan của ngày đầu khai phá. “Nhờ đó mà một số món ăn “tủ” do chính tôi sáng chế dễ dàng được khách Tây biết” - anh Tùng xác nhận: Đó là điều mà trước đó, có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ ra”.

Nỗi niềm dang dở

“Vì sao Chủ tịch LĐLĐ lại có thể...” - Minh nói ngay: “Vào thời điểm đó, mình vừa tốt nghiệp ThS Sư phạm tiếng Anh”. Theo lời Minh, anh yêu thích bộ môn này ngay từ thời học sinh. Nhưng do điều kiện đi lại cũng như đời sống của đa số người dân Phú Quốc lúc đó còn nhiều khó khăn, vì vậy cũng như phần lớn bạn bè, chàng trai xứ làng chài Hàm Ninh (Hàm Ninh, Phú Quốc) chỉ có thể thi vào khoa Tiếng Anh của Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang (1996-1999).

Ra trường, Minh về Đảo Ngọc dạy học, nhưng lửa đam mê tiếng Anh vẫn cứ ngùn ngụt trong lòng. Thế là anh học tiếp, năm 2000 tốt nghiệp cử nhân sau đó là thạc sĩ chuyên ngành Tiếng Anh. Rồi như duyên tiền định, Minh được điều động công tác và nhanh chóng trở thành hiện tượng của huyện Phú Quốc khi là thủ lĩnh Công đoàn Đảo Ngọc ở tuổi 30.

Lửa đam mê vẫn cháy, thế là anh chuyển sang tìm cách dạy cho đoàn viên, NLĐ vừa để thỏa mãn đam mê cũ, vừa để hoàn thành tâm nguyện với đam mê mới. Và tôi khẳng định “như đinh đóng cột” động lực thôi thúc Minh dạy tiếng Anh cho NLĐ là vì đam mê. Bởi anh không chỉ biết có dạy mà anh còn tìm cách mở rộng đối tượng học trong từng khóa dạy của mình. Thậm chí, để thuyết phục các chủ nhà hàng, khách sạn cho phép phụ bếp, nhân viên vệ sinh dự học, anh đã phải chấp nhận giảm giá học phí dù trên thực tế đã tính giá rất bình dân.

“Lúc đầu, không nhiều chủ đồng ý, vì cho rằng phụ việc thì không cần phải học, nhưng khi tôi giải thích về nhu cầu “đồng bộ” trong dây chuyền phục vụ, kèm theo khuyến mãi, họ mới chấp nhận” - Minh nhớ lại - “Tôi phải đánh đổi bằng cách chấp nhận giảm giá 30-50% học phí”.

“Với người làm việc trong bếp như chúng tôi đây chính là cú đột phá đổi đời” - anh Tùng cho biết thêm - “Trước đây cứ nghĩ chỉ có tiếp tân mới cần giao tiếp, còn bộ phận bếp thì không, nhưng khổ nỗi là tiếp tân thì không biết chuyện bếp núc nên có nói cũng không lột tả được cái hồn của món ăn”.

Khi sự việc đang “thuận buồm” thì “giông bão” nổi lên. Mẹ ruột rồi vợ lần lượt lâm bệnh hiểm nghèo. Phải tất tả nuôi 2 người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời cho đến ngày nhắm mắt, Minh đành dang dở ước mơ...

“Không được đi trọn ước mơ, nhưng mình không buồn, vì ít ra việc dạy tiếng Anh của mình đã nhóm lên ngọn lửa cho phong trào học tiếng Anh trên Đảo Ngọc ngày nay” - Minh vội vã chia sẻ rồi vào chuẩn bị lễ cúng người vợ mới qua đời.

Chiều muộn, mặt trời dần chìm xuống vùng biển Tây, ngày đã tắt, nhưng Phú Quốc vẫn rực sáng với ánh đèn từ điện lưới. Và tôi nghĩ với người dám đeo đuổi ước mơ Minh cũng thế, tắt chỗ này rồi sẽ sáng ở nơi khác.

https://laodong.vn/phong-su/dua-cong-nhan-dao-ngoc-vuon-ra-bien-lon-568101.ldo

/ Lục Tùng/Báo Lao động