Mùa đông kéo dài với nhiệt độ ngày càng lạnh hơn khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp châu Âu tiêu thụ khí đốt nhanh hơn dự kiến.
Tính đến 17/2, các cơ sở lưu trữ khí đốt (UGS) của Pháp chỉ đầy 24,87%, tương đương 3,2 tỷ mét khối khí đốt, theo dữ liệu của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE). Pháp thuộc top 5 quốc gia châu Âu có công suất lưu trữ khí đốt lớn nhất.
Không chỉ Pháp, các quốc gia châu Âu khác cũng đang chứng kiến kho lưu trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng. Các cơ sở UGS của Hà Lan hiện chỉ đầy 29,79%, Đức 40,65%, Áo 54,27% và Ý 55,03%.
Vương quốc Anh và Ukraine, cả hai đều không thuộc EU, ghi nhận mức lưu trữ cực thấp, lần lượt 25,73% và 9,33%.
Trên khắp EU, lượng lưu trữ khí đốt đã giảm xuống mức trung bình 48%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ đầu mùa sưởi ấm, EU đã rút khoảng 61 tỷ mét khối khí đốt từ các cơ sở UGS, vượt quá lượng khí đốt được bơm vào kho lưu trữ cho giai đoạn thu đông.
Tích trữ khí đốt đang đắt đỏ hơn
Thông thường, các nhà kinh doanh khí đốt tự nhiên sẽ bắt đầu nạp lại kho lưu trữ vào những tháng mùa xuân và mùa hè khi nhu cầu thấp hơn và giá phải chăng hơn. Nhưng năm nay, thị trường đang khiến chiến lược đó ngày càng tốn kém.
Samantha Dart, nhà phân tích hàng hóa tại Goldman Sachs, cho biết: “Thị trường khí đốt của châu Âu siết chặt hơn so với dự kiến”.

Goldman Sachs ước tính rằng lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cần phải cao hơn 8% so với dự kiến nếu châu Âu muốn nâng mức lưu trữ lên ít nhất 85% vào tháng 10. Cho đến nay, dữ liệu nhập khẩu LNG của tháng 2 cho thấy điều này là khả thi, nếu giá giữ ở mức gần 50 euro/MWh.
Nhưng giá khí đốt có rủi ro tăng. Nếu nhu cầu khí đốt để phát điện vẫn cao bất thường hoặc nếu khách hàng châu Á tăng cường nhập khẩu LNG, giá khí đốt châu Âu có thể tăng lên 84 euro/ MWh, cao hơn 68% so với dự báo.
Một lá bài lớn có thể định hình lại thị trường là khí đốt của Nga. Nếu một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine đạt được, điều này có thể thúc đẩy các lô khí đốt Nga vào châu lục, dẫn đến giá giảm.
Goldman Sachs ước tính rằng nếu khí đốt đường ống của Nga sang châu Âu trở lại mức trước xung đột, giá khí đốt châu Âu cho mùa hè năm 2025 có thể giảm từ 36-56% so với dự báo hiện tại là 50 euro/ MWh. Tuy nhiên, nếu nguồn cung vẫn bị hạn chế như năm 2023-2024, giá có thể chỉ giảm 17%.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Hiện tại, mọi con mắt đều đổ dồn vào thời tiết, nhập khẩu LNG và các quyết định chính sách tại Brussels và Berlin. Mùa xuân lạnh hơn dự kiến có thể khiến kho dự trữ cạn kiệt thêm. Trong khi đó, nhu cầu LNG tăng mạnh ở châu Á có thể khiến việc bổ sung kho dự trữ trở nên đắt đỏ hơn. Mặt khác, nếu nhiệt độ ổn định và sản lượng năng lượng tái tạo tăng, giá có thể giảm.
Một điều rõ ràng là an ninh năng lượng của châu Âu vẫn là một bài toán nan giải. Khi các nhà giao dịch và nhà hoạch định chính sách chật vật vượt qua một năm đầy biến động nữa, cuộc chiến nạp lại các kho dự trữ khí đốt chỉ mới bắt đầu.