Sống trong sự kỳ thị ở Mỹ, bố mẹ ở nhà lo tới mất ăn mất ngủ, Lê Thị Kỳ Duyên, 22 tuổi, quê Hưng Yên, hai lần đặt vé về Việt Nam nhưng bất thành.
Kỳ Duyên là sinh viên của Angelo State University, chuẩn bị học tiếp bậc đại học tại University of Texas at San Antonio (bang Texas, Mỹ). Cô chia sẻ hành trình trở về Việt Nam, nhưng bất thành.
Đáng lẽ tối nay tôi có mặt ở Việt Nam sau chuyến bay dài từ Mỹ với hai lần transit. Thế nhưng, tôi lại đang một mình ở nhà trọ, đọc tin nhắn an ủi từ gia đình, bạn bè. Tôi đã cố gắng để không khóc nhưng nước mắt cứ rơi khi nhận được tin nhắn từ mẹ. Có lẽ, bố mẹ ở nhà còn lo lắng, hoang mang hơn tôi.
Tôi sống ở thành phố San Angelo của Texas - bang lớn thứ hai tại Mỹ với số ca nhiễm Covid-19 đến sáng 23/3 là gần 600, trong đó 6 người chết. Ở đây, từ đầu mọi người không quá quan tâm đến corona virus. Khi dịch bùng nổ ở Trung Quốc và các nước châu Á, người Mỹ vẫn vô tư tụ tập đông người và không có biện pháp phòng tránh. Ai cũng chỉ nghĩ nó như bệnh cảm cúm thông thường.
Khi Covid-19 lan sang châu Âu, người Mỹ bắt đầu sợ nhưng chỉ dừng lại ở lời nói chứ không có bất kỳ hành động nào. Chỉ khi Mỹ vào top 10 nước có nhiều ca nhiễm nhất, mọi người mới hoảng loạn, chạy ra siêu thị, tạp hóa để mua gạo, nước, giấy vệ sinh. Những du học sinh như tôi, do không có phương tiện cá nhân, phải trắng tay đi về vì không thể mua được bất kỳ nhu yếu phẩm nào.
Các kệ hàng ở siêu thị Mỹ trống trơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Người Mỹ dù có lo sợ vẫn không đeo khẩu trang - biện pháp bình thường mà người châu Á hay thực hiện ngay cả khi không có dịch. Đã hơn một lần, tôi vấp phải ánh mắt kỳ thị của mọi người khi đeo khẩu trang đến nơi công cộng. Có người đến nói trực tiếp "Mày không bị bệnh thì việc gì phải đeo. Mày đeo khiến bọn tao sợ".
Không riêng chuyện khẩu trang, việc tôi và nhiều du học sinh khác là người châu Á cũng bị coi như có tội trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Những người dân vốn cởi mở, dễ dàng bắt chuyện bỗng trở nên đáng sợ. Chỉ trong một ngày (hôm 17/3), tôi không dưới ba lần bị kỳ thị.
Hôm đó, tôi đi từ Chicago về Dallas, khi lên tàu chúng tôi ngồi xuống thì những người ngồi cùng khoang đứng dậy đi luôn. Chúng tôi hiểu mình đang bị coi là "mầm bệnh".
Đến sân bay ở thành phố Dallas, tôi đặt taxi của Uber cùng hai người bạn khác. Tài xế đến, nhìn thấy ba đứa châu Á đeo khẩu trang thì lắc đầu nói "Chúng mày không phải khách của tao. Tao đang đợi người khác". Một lúc sau, người này xác nhận nhưng không cho chúng tôi lên xe, ngược lại còn yêu cầu tự hủy chuyến.
Tự hủy chuyến đồng nghĩa tôi mất 5 USD. Số tiền không lớn nhưng tôi không chấp nhận mất để bị đối xử phân biệt. Tôi gọi lên tổng đài để "report" (báo cáo) trường hợp này. Trong lúc loay hoay tìm số tổng đài, chính tài xế đã hủy. Trong đầu tôi lúc đó chỉ có câu hỏi "Ngay cả Uber cũng kỳ thị mình sao"?
Một lúc sau đến được bến xe bus, chúng tôi tiếp tục bị một phụ nữ Mỹ phân biệt khi hỏi hướng dẫn. Lúc đó không đeo khẩu trang nhưng thấy chúng tôi là người châu Á, cô ấy đã nhanh chóng tránh xa.
Đến khi về phòng, mở máy tính lên, tôi lại đọc rất nhiều bài trên Facebook chỉ trích du học sinh Việt về nước là mang mầm bệnh về. Mọi người thực sự không hiểu những du học sinh như tôi về nước là quyết định đánh đổi cả tương lai.
Quyết định về, tôi phải chấp nhận rủi ro bị lây nhiễm trên máy bay, chuyến bay bị hoãn. Thậm chí, nếu ra khỏi nước Mỹ, transit ở Nhật và bị kẹt ở Nhật, tôi còn không thể về Việt Nam và cũng chẳng thể quay trở lại Mỹ. Ngay cả khi về được Việt Nam, trong bối cảnh các đại sứ quán đóng cửa, không thể gia hạn visa, sự nghiệp học hành của tôi những năm qua ở Mỹ coi như "tan thành mây khói".
Thế nhưng nhiều người trong chúng tôi vẫn quyết định về, không đơn giản vì để tránh dịch, cũng không phải đơn thuần do bị kỳ thị. Chúng tôi đang khỏe mạnh, nếu ở Mỹ chỉ cần nhận trợ cấp và ở trong nhà để tránh dịch. Nhưng chúng tôi vẫn muốn về vì gia đình. Có những ngày mở mắt ra nhận được tin nhắn từ bố "Con ở bên đó cẩn thận", "Lớp học chuyển online hết rồi thì con về đi. Bố ở nhà lo cho con mà không ngủ được", tôi đã khóc.
Biết rằng sang Mỹ học là chấp nhận sống xa nhà, nhưng chỉ đến khi đại dịch bất ngờ xảy đến, tôi mới hiểu hết nỗi đau khi không được ở cạnh người thân. Hãy tưởng tượng bố mẹ đang ở nhà lo đến ốm người, bên này thì bị kỳ thị, chẳng may nhiễm bệnh cũng sợ không dám nói ra vì không chỉ người Mỹ mà cả đồng bào mình cũng xa lánh, bạn sẽ khao khát về Việt Nam đến thế nào.
Góc sân bay quốc tế ở Dallas không bóng người. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Tôi hiểu sâu sắc cảm giác đó và quyết định đặt vé về. Ban đầu, tôi đặt chuyến bay vào ngày 20/3. Tôi sẽ bay từ San Angelo tới thành phố Dallas (bang Texas). Sau khi nghỉ 16 tiếng ở Dallas, tôi sẽ bay tới Narita (Nhật Bản) rồi nối chuyến về Việt Nam. Thế nhưng, trước giờ đi hãng hàng không thông báo chuyến bay bị hủy với lý do chung chung là "corona pandemic" (đại dịch do corona gây ra).
Rất thất vọng nhưng một lần nữa tôi đặt vé với hành trình tương tự, khởi hành vào ngày 22/3, dự kiến có mặt ở Việt Nam vào tối 23/3. Khi đến sân bay ở San Angelo, tôi đã hỏi rất kỹ nhân viên check-in liệu chuyến bay có bị hủy, họ bảo vẫn đúng lịch trình. Tôi tạm yên tâm lên máy bay.
Sau một tiếng, tôi có mặt ở Dallas. Tôi có 16 tiếng ở sân bay trước khi lên máy bay đi Nhật. Để tránh nguy cơ lây nhiễm, tôi bỏ ra 300 USD thuê phòng khách sạn của sân bay để nghỉ. Sau một đêm ngủ lại, ra đến khu vực check-in, tôi đờ người khi họ nói "chuyến bay bị hủy".
Không hề có thông báo từ hãng hàng không như lần trước, tôi phải nhờ nhân viên xem kỹ. Họ đáp lại tôi bằng cái lắc đầu. Các chuyến bay từ Nhật Bản về Việt Nam đều bị hủy, tôi không thể lên máy bay.
Ngồi giữa sân bay với 20 du học sinh Việt Nam như những người vô gia cư, tôi thẫn thờ không biết phải làm gì. Tôi nghĩ mình sẽ mạnh mẽ nhưng khi lấy điện thoại ra nhắn cho mẹ "Con không về Việt Nam được nữa rồi", tôi bắt đầu khóc. Những bạn xung quanh tôi cũng khóc. Nhiều bạn bất chấp rủi ro, tìm chuyến bay tới Los Angeles để transit ở Hong Kong rồi về Việt Nam.
Ở Việt Nam, bố mẹ đã gọi cho tất cả họ hàng thông báo tôi sẽ về. Bố cũng chuẩn bị mọi thứ để tôi đi cách ly 14 ngày. Bạn bè tìm hiểu thông tin trong khu cách ly để giúp tôi chuẩn bị. Còn tôi, sau hai lần bay bất thành, tôi không thể đánh liều thêm một lần nữa. Tôi cảm thấy rất tệ, có lỗi với mọi người vì mang hy vọng rồi lại đem đến sự thất vọng.
Lê Thị Kỳ Duyên. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Hơn 10 tiếng từ lúc bị thông báo hủy chuyến bay đến giờ, tôi vẫn còn cảm giác hụt hẫng, bất lực. Dù sao tôi vẫn biết ơn vì không bị mắc kẹt ở một đất nước khác giữa Mỹ và Việt Nam. Giờ đây, tôi chỉ biết nhốt mình trong nhà trọ, học online, làm bài tập, gọi điện cho gia đình hàng ngày để cả nhà yên tâm hơn.
Với những bạn may mắn về Việt Nam an toàn, tôi hy vọng các bạn sẽ tuân thủ mọi biện pháp cách ly và được sống trong tình yêu thương. Chúng tôi ở Mỹ luôn tự hào vì Việt Nam chống dịch rất tốt, chia sẻ câu chuyện chống dịch của người Việt. Tôi hy vọng người dân khi nghe tin có du học sinh mắc bệnh không dị nghị. Nhà là nơi để về, chẳng lẽ đại dịch toàn cầu mà chúng tôi không được về nhà?
Dương Tâm (ghi)