Du học sinh Trung Quốc đổ về nước tránh dịch

Chen chúc trên máy bay từ Mỹ về Trung Quốc, Roger Zhang, 20 tuổi, sinh viên Đại học Harvard cảm thấy khó chịu vì phải đeo kính bảo hộ và khẩu trang. 

Zhang nằm trong số hàng chục nghìn du học sinh trở về Trung Quốc khi các trường phổ thông, đại học tại châu Âu và Mỹ đóng cửa vì sự bùng phát của Covid-19. "Tôi không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra ở nước ngoài nhưng tình hình ở Trung Quốc dường như đang được kiểm soát tốt", nam sinh nói, cảm thấy yên tâm hơn khi được ở bên bạn bè, người thân trong giai đoạn khó khăn này.

Vivian Yuan, sống tại Trung Quốc, đã giúp đỡ một bạn du học sinh ở Anh, đặt vé máy bay về Hong Kong với mức giá tăng từ 7.000 lên 70.000 nhân dân tệ (từ 22 triệu đồng lên 230 triệu đồng). Sau khi biết tin giá vé tăng mạnh, Yuan lập tức tạo nhóm du học sinh Trung Quốc trên mạng xã hội WeChat để mọi người có thể trao đổi thông tin giá vé, vấn đề xuất, nhập cảnh.

Đến sáng 18/3, nhóm WeChat của Yuan đã có hơn 400.000 thành viên. Mọi người chia sẻ kinh nghiệm đặt vé máy bay, hãng hàng không chưa nâng giá vé. Nhiều chuyến bay thẳng từ châu Âu về Trung Quốc giá tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường. "Giờ đây mua một tấm vé máy bay rất khó, đặc biệt là vé bay thẳng và thông tin thì không chắc chắn. Mọi người đang hoảng loạn", Yuan nói.

du hoc sinh trung quoc do ve nuoc tranh dich
Du học sinh Trung Quốc đeo khẩu trang trong phòng khách sạn được dùng làm khu vực cách ly tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây ngày 17/3. Ảnh: Reuters.

Vừa tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý kỹ thuật tại Trung Quốc, Jack Jiang chuyển đến Mỹ làm việc khi Covid-19 bắt đầu bùng phát. Tuy nhiên, thay vì ở lại thành phố Dallas, bang Texas, Jiang quyết định trở về quê hương, chịu cách ly 14 ngày tại đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Ban đầu, Jiang không muốn về nước vì sự nghiệp mới bắt đầu nhưng khi dịch bệnh lây lan tại Mỹ, anh đặt ba vé máy bay phòng trường hợp bị hủy chuyến. "Người Mỹ không coi Covid-19 là vấn đề nghiêm trọng nên về nước là quyết định an toàn nhất đối với tôi. Không gì quan trọng bằng mạng sống", anh nói.

Ngày 19/3, Trung Quốc lần đầu tiên không ghi nhận ca nhiễm nCoV mới trong nước kể từ khi dịch bùng phát, nhưng có tới 34 ca "ngoại nhập". Nhiều thành phố lớn đã cắt giảm chuyến bay quốc tế, mở rộng yêu cầu cách ly đối với hành khách nước ngoài. Du học sinh Trung Quốc đang tìm cách trở về nước trước khi số lượng chuyến bay quốc tế trở nên khan hiếm.

Thống kê cho thấy từ ngày 11/3, hành khách đến từ cảng hàng không và đường bộ Trung Quốc đã giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ngày 15/3 hơn 2.000 người Trung Quốc đi từ trung tâm trung chuyển hàng không Hong Kong đến thành phố Thâm Quyến, tăng gấp 2 lần so với một tuần trước đó.

Một số hành khách nhận xét việc nhập cảnh rất hỗn loạn, nhân viên phải làm việc liên tục không ngơi nghỉ. Họ phải xếp hàng tám tiếng để được đưa tới khu vực cách ly.

Tuy nhiên, nhiều du học sinh Trung Quốc vẫn quyết định ở lại nước ngoài. Elaine Liu, sinh viên trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, bang Pennsylvania, Mỹ, cho rằng đây là lựa chọn an toàn hơn.

Trường của Liu đã cho sinh viên nghỉ học, chuyển sang học trực tuyến nhưng Liu không muốn về nước vì sợ nguy cơ bị lây nhiễm trên máy bay. "Tôi không ra ngoài đường, không đi chơi với bạn bè. Nếu có việc cần ra ngoài tôi sẽ đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe", Liu nói.

Yu Ding, sinh viên năm cuối tại Đại học George Washington, cũng quyết định ở lại Mỹ vì tin tưởng người trẻ tuổi ít có nguy cơ nhiễm Covid-19 và giá vé máy bay rất đắt. "Tôi sẽ tốt nghiệp đại học trong hai tháng tới rồi sẽ tìm việc làm nên không thể lãng phí thời gian cho các chuyến bay và việc cách ly", nữ sinh nói.

Đến ngày 19/3, Covid-19 đã xuất hiện ở 173 quốc gia và vùng lãnh thổ khiến hơn 218.000 nhiễm, gần 9.000 người chết. Trung Quốc, nơi đầu tiên bùng phát dịch, ghi nhận 80.928 ca nhiễm, trong đó 3.245 người chết.

Tú Anh (Theo Reuters)

du hoc sinh trung quoc do ve nuoc tranh dich Trung Quốc nỗ lực xóa hình ảnh "lò ấp nCoV"

Vài tuần trước, Trung Quốc chật vật đối phó Covid-19. Nhưng giờ đây, họ tung tiền giúp phần còn lại của thế giới đang oằn ...

du hoc sinh trung quoc do ve nuoc tranh dich Tổng thống Trump: Gọi "virus Trung Quốc" không hề có ý phân biệt chủng tộc

Bất chấp chỉ trích từ Bắc Kinh, Tổng thống Trump liên tục sử dụng cụm từ "virus Trung Quốc" và khẳng định không có ý ...

du hoc sinh trung quoc do ve nuoc tranh dich Từ biệt Vũ Hán

Các y bác sĩ chi viện Vũ Hán chống Covid-19 bắt đầu rời thành phố, hoàn thành sứ mệnh.

/ vnexpress.net