- Dự án Nhổn - ga Hà Nội đã chốt ngày khai thác thương mại
- Thủ tướng phê duyệt dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giai đoạn 1 gần 20.000 tỷ
Dự án cải tạo, mở rộng tỉnh lộ 414C qua địa bàn huyện Ba Vì đã kéo dài từ năm 2022 đến nay nhưng quá trình triển khai bị chậm trễ do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, nhà thầu thi công cẩu thả, tắc trách không đảm bảo phương án an toàn cho người và phương tiện qua lại.
Nhà thầu nhiều lần bị nhắc nhở nhưng không xử lý
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường tỉnh 414C đi xã Thuần Mỹ (Ba Vì, Hà Nội) nối khu du lịch Suối Hai với khu du lịch suối khoáng nóng Thuần Mỹ, chủ đầu tư là Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Ba Vì.
Dự án dài hơn 8km, tổng mức đầu tư gần 277 tỷ đồng, thời gian triển khai từ tháng 10/2022 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.
Dù vậy, đến nay đã là đầu tháng 8/2024 nhưng dự án vẫn ngổn ngang và khó có thể hoàn thành đúng tiến độ đưa ra.
Đáng nói, phản ánh với phóng viên, nhiều người dân sinh sống trên địa bàn huyện Ba Vì bức xúc cho biết, dự án nâng cấp đường tỉnh 414C qua địa bàn xã Ba Trại và xã Thuần Mỹ thi công ì ạch, thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường khiến cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ghi nhận thực tế của phóng viên trên công trường vào những ngày cuối tháng 7 vừa qua cho thấy, dự án thi công tuyến đường tỉnh 414C, một số đoạn đường đã được mở rộng, trước cửa nhiều nhà dân đất bị đào thành những hố sâu hun hút ngập đầy nước mưa nhưng không hề được rào chắn, cảnh báo hay che đậy gì rất nguy hiểm.
Chưa kể, rãnh thoát nước cũng đã thi công dang dở nhưng khiến người dân không có lối đi vào nhà, phải bắc thang hoặc đi nhờ nhà người khác.
Tỉnh lộ 414C thi công chậm trễ, kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân |
Nhiều miệng cống không nắp đậy như muốn "bẫy" người dân; máy móc, vật liệu, phế liệu xây dựng được tập kết ngổn ngang dưới lòng đường. Những ngày qua, mưa nhiều, mặt đường trở nên lầy lội, trơn trượt, nhiều vị trí bùn lầy ngập quá mắt cá chân khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Đây là tuyến đường vừa thi công vừa khai thác nhưng nhiều đoạn không có biển cảnh báo công trình đang thi công; không rào chắn, dây phản quang, cọc tiêu tại vị trí thi công dang dở…
"Đơn vị thi công quá ẩu và tắc trách, dự án vừa thi công mở rộng đường vừa đảm bảo giao thông đi lại nhưng chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ các giải pháp an toàn, chưa kể việc thi công đào hố dở dang còn gây nguy hiểm cho người dân. Với tình trạng thi công cẩu thả, tắc trách như thế này ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho sự an toàn của chúng tôi"- ông Nguyễn Khắc Hùng ở xã Ba Trại, Ba Vì, Hà Nội bức xúc.
Cảnh báo, che chắn tạm bợ, sơ sài |
Trao đổi với phóng viên về việc này, ông Nguyễn Duy Thảo, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Ba Vì thừa nhận, có tình trạng thi công không đảm bảo an toàn tại dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 414C trên địa bàn huyện. Thậm chí, ông Thảo cho biết, đã từng nhiều lần nhắc nhở nhà thầu thi công là Công ty CP Quảng Tây về tình trạng thi công thiếu giải pháp an toàn.
Song, ông Thảo cho hay, chủ đầu tư cũng chỉ nhắc nhở nhà thầu trên hiện trường, không có văn bản chấn chỉnh. "Mỗi lần chúng tôi nhắc nhở tại hiện trường, Công ty CP Quảng Tây đều chấn chỉnh ngay nên chúng tôi không có văn bản cũng như không có chế tài xử phạt"- ông Thảo cho biết.
Khi phóng viên đề cập về việc chủ đầu tư có xem xét xử lý nhà thầu là Công ty CP Quảng Tây vì thường xuyên thi công thiếu biện pháp đảm bảo an toàn, gây bức xúc cho nhân dân thì ông Thảo cho hay, huyện không xem xét đến việc này vì về cơ bản Công ty CP Quảng Tây thực hiện tốt!?
Đào mương, rãnh trước cửa nhà dân rồi bỏ đấy không có cảnh báo hay rào an toàn |
Một nhà thầu thi công liên tục thi công không đảm bảo an toàn giao thông, không áp dụng đầy đủ các biện pháp thi công an toàn như phương án đưa ra, liên tục bị nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Ba Vì vẫn đánh giá là tốt, không cần phải xử lý bằng văn bản hoặc báo cáo huyện Ba Vì xem xét xử lý.
Còn ông Lê Anh Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Quảng Tây cho biết, trong quá trình thi công dự án cải tạo tỉnh lộ 414C, nhà thầu có tuân thủ các giải pháp đảm bảo ATGT như căng dây phản quang, biển cảnh báo, đèn quay cảnh báo về ban đêm… nhưng đều bị mất cắp hết!?
"Chúng tôi cứ mua mới thay thiết bị được vài hôm lại bị mất chứ không phải chúng tôi không có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông khi thi công dự án"- ông Hùng cho hay.
Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng, do công tác giải phóng mặt bằng chậm, bàn giao kiểu "xôi đỗ" nên việc thi công của nhà thầu gặp khó khăn. Việc này là do UBND huyện Ba Vì chậm trễ bàn giao mặt bằng.
Đoạn thi công xong rồi thì cột điện nằm chình ình giữa đường |
Nhà thầu “quen mặt” tại huyện Ba Vì
Được biết, Công ty CP Quảng Tây là một nhà thầu "quen mặt" đối với các dự án hạ tầng xây dựng trên địa bàn huyện Ba Vì. Tại dự án mở rộng tỉnh lộ 414C, Công ty CP Quảng Tây trúng gói thầu số 15- toàn bộ phần xây dựng dự án với giá trị hơn 132 tỷ đồng.
Gần đây nhất vào ngày 14/6/2024, Công ty CP Quảng Tây được phê duyệt lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 5 thi công, xây dựng công trình và đảm bảo ATGT, thuộc dự án Cứng hoá đường giao thông nông thôn xã Yên Bài, giá trúng thầu 12,9 tỷ đồng.
Năm 2023, Công ty CP Quảng Tây cũng được phê duyệt lựa chọn nhà thầu tại 5 gói thầu, tổng giá trị trên 178 tỷ đồng.
Dự án khó có thể cán đích vào cuối năm 2024 như tiến độ đưa ra |
Trong đó, bao gồm gói số 08 toàn bộ phần xây dựng, thuộc dự án Cải tạo cảnh quan hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hệ thống thoát nước thải khu vực hồ điều hòa và đường vào khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đình Tây Đằng, giá trị 92,7 tỷ đồng; Gói thầu số 03 toàn bộ xây dựng + đảm bảo ATGT, thuộc dự án sửa chữa mặt đường và hệ thống tiêu thoát nước đường Phú Mỹ (nối đường QL32 với đường tránh QL32), giá trúng thầu 9,2 tỷ đồng; Gói thầu số 07 toàn bộ phần xây dựng trường mầm non Thụy An (Giai đoạn 2), giá trị 15,6 tỷ đồng.
Ngày 20/3, Công ty CP Quảng Tây liên danh cùng Công ty CP Tư vấn và vận tải Phúc Gia là nhà thầu được phê duyệt gói thầu số 04 toàn bộ phần xây dựng + đảm bảo ATGT dự án cải tạo hệ thống tiêu thoát nước cho các khu dân cư xã Phong Vân, giá trị 12,3 tỷ đồng;
Ngày 9/3, Công ty CP Quảng Tây liên danh cùng Công ty TNHH xây lắp và dịch vụ Thịnh Phát và Công ty TNHH Xây dựng Tư vấn Trường Thịnh được phê duyệt trúng thầu gói thầu số 05 cung cấp, lắp đặt thiết bị hạng mục cấp điện, chiếu sáng và hạng mục trạm xử lý nước thải thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất tại khu Châu Hùm, thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, giá trị 5 tỷ đồng…
Là nhà thầu "quen mặt" trên địa bàn huyện Ba Vì, ông Hùng cho biết, tình trạng mất cắp các thiết bị cảnh báo an toàn thường xuyên xảy ra tại tất cả các dự án mà doanh nghiệp thi công.
Tất cả các dự án thi công đều có kinh phí dành cho công tác đảm bảo an toàn giao thông, vậy Công ty CP Quảng Tây thi công dự án lên đến 132 tỷ đồng nhưng thường xuyên thiếu các biện pháp cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông, vậy phần kinh phí này của dự án đã được dùng hết chưa?