Dự án cải cách chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền: khó đồng tình, không khả thi

Đến nay, đã có nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia về ngôn ngữ, văn hóa, các nhà văn, nhà giáo… lên tiếng về “dự án” cải cách chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền và cơ bản thống nhất ở quan điểm không đồng tình, phủ nhận khả năng đi vào thực tế của nó.

du an cai cach chu viet cua pgsts bui hien kho dong tinh khong kha thi
Mô hình cải cách chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền. Ảnh: LDO

Bên cạnh những khiếm khuyết về mặt khoa học, ví dụ xóa nhòa ranh giới giữa các âm “ch/tr, x/s, r/d” một cách thiếu căn cứ, làm nghèo tiếng Việt, sự “đánh đồng” 3 âm c/k/qu, trong khi thực tế phát âm không hoàn toàn giống nhau…; điểm yếu “chết người” trong “dự án” của PGS.TS Bùi Hiền là quan niệm chữ viết tiếng Việt thuần túy chỉ là phương tiện ghi âm.

Trong khi đó, theo các chuyên gia ngôn ngữ, chữ viết tiếng Việt được cảm nhận bằng thị giác và hình thức biểu đạt tương ứng với nội dung đã ăn sâu vào tình cảm, nhận thức của cộng đồng, trở thành quan niệm thẩm mỹ.

du an cai cach chu viet cua pgsts bui hien kho dong tinh khong kha thi
Bài đạt giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp cấp quốc gia năm học 2005-2006 của em Đặng Thủy Anh, Trường Tiểu học Đống Đa (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Ảnh: Zing

Chẳng hạn, “tình yêu” là cách viết bình thường, hoặc tôn trọng, nhưng nếu viết “tình iêu”, thì trở thành đùa cợt, chế giễu, mặc dù về phương diện ngữ âm, không có gì khác biệt, thậm chí “tiết kiệm” hơn, như quan niệm của PGS.TS Bùi Hiền.

Nói cách khác, qua hàng trăm năm gắn bó vào đời sống, chữ viết tiếng Việt đã trở thành một loại “mã văn hóa” của cộng đồng. Mỗi con chữ, đều có vẻ đẹp, ý nghĩa biểu đạt riêng.

Cha ông ta từ xưa đã quan niệm “nét chữ, nết người”, đến nay vẫn nguyên giá trị. Có những người viết chữ cẩu thả, bất định, viết như “gà bới” và có những người viết chữ nghiêm ngắn, cẩn thận, như “phượng múa rồng bay”.

Nét chữ đẹp, luôn khiến cho mọi người thán phục, ấn tượng, thậm chí được xem như những bức tranh đẹp, ngắm mãi không chán. Đằng sau nét chữ là tâm hồn, tài hoa, khí chất, tâm huyết của người viết.

Một khi đã đi vào chiều sâu văn hóa, trở thành tình cảm, quan niệm thẩm mỹ của cộng đồng thì chữ viết tiếng Việt sẽ mãi đồng hành, trường tồn cùng dân tộc.

Đây là nguyên lý mà giới ngôn ngữ học đã “thuộc nằm lòng” nên đã từ lâu, không có ai trong giới chuyên môn mất công đưa ra các ý tưởng, “đề án” hay “dự án” cải cách chữ viết tiếng Việt.

Về phương diện pháp lý, tiếng Việt (gồm tiếng nói và chữ viết) đã được Hiến pháp nước ta công nhận là ngôn ngữ quốc gia. Pháp luật hiện hành không có quy định điều chỉnh, sửa đổi chữ viết tiếng Việt.

Do đó, “dự án” của PSG.TS Bùi Hiền, dù đã được ấp ủ 20 năm hay bao nhiêu năm chăng nữa, cũng chỉ là sản phẩm nằm trên giấy!

du an cai cach chu viet cua pgsts bui hien kho dong tinh khong kha thi Nếu cải tiến tiếng Việt, hàng triệu người dân phải đi học từ đầu

"Thử tưởng tượng nếu việc cải cách chữ Việt của PGS.TS Bùi Hiền được thực thi, hàng triệu người dân sẽ phải học lại từ ...

du an cai cach chu viet cua pgsts bui hien kho dong tinh khong kha thi Có cần thay đổi cách viết tiếng Việt?

Những tranh luận nảy lửa xung quanh đề xuất về việc cải cách chữ viết tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền mấy ngày qua đặt ...

https://laodong.vn/dien-dan/du-an-cai-cach-chu-viet-cua-pgsts-bui-hien-kho-dong-tinh-khong-kha-thi-578709.ldo

/ Quang Đại/Báo Lao động