Đừng để méo mó hoạt động đầu tư BOT trên đường hiện hữu

Dự án BOT chưa làm xong đã được thu phí hoàn vốn?

Sau nhiều năm chấm dứt thực hiện đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) trên các tuyến đường hiện hữu, thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội, đầu năm nay TP Hồ Chí Minh tiếp tục quyết định đầu tư 5 dự án BOT với tổng vốn lên đến hơn 40 nghìn tỷ đồng trên các tuyến đường đang khai thác.

Việc Quốc hội cho phép TP Hồ Chí Minh tiếp tục được đầu tư BOT trên các tuyến đường hiện hữu đã một lần nữa khẳng định BOT là kênh thu hút nguồn lực xã hội quan trọng để nhanh chóng phát triển hạ tầng giao thông cho TP Hồ Chí Minh. Song, trước khi triển khai các dự án mới, thành phố cần kiểm tra, rút kinh nghiệm những hạn chế, thiếu sót từ việc triển khai các dự án BOT trên đường hiện hữu trước đây để các dự án sau này thực sự đạt hiệu quả như kỳ vọng…

bot2.jpg -1
Mật độ ôtô dày đặc trên tuyến xa lộ Hà Nội.

Trước đây, khi TP Hồ Chí Minh cho phép nhà đầu tư đặt Trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội, trên đoạn gần khu vực ngã ba Cát Lái về hướng cầu Sài Gòn và trạm phụ trên đường Trần Não để thu phí hoàn vốn cho Dự án nâng cấp, mở rộng đường Điện Biên Phủ đã gây phản ứng mạnh từ những tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng. Khi đó, dư luận cho rằng việc đặt trạm thu phí ngoài phạm vi dự án là nhằm hỗ trợ nhà đầu tư tận thu. Sau đó, trạm thu phí này tiếp tục được dời qua phía bên kia cầu Rạch Chiếc để thu phí hoàn vốn đầu tư cho cây cầu này.

Hoàn đủ vốn cho cầu Rạch Chiếc, Trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội ngưng thu phí phải bỏ không trong nhiều năm. Ngày 18/3/2021, UBND TP Hồ Chí Minh đã tiếp tục có quyết định về ban hành mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư Dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1A, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn. Điều này một lần nữa khiến nhiều người dân bức xúc, nhất là với người dân phường Phước Long A, TP Thủ Đức. Sau nhiều lần chính quyền địa phương, Sở GTVT tiếp xúc, làm việc với người dân, đến nay khúc mắc quyền lợi giữa trạm thu phí này với người dân bị ảnh hưởng đã tạm lắng nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT về đối tượng được miễn tiền sử dụng dịch vụ đường bộ, phương tiện của người dân sống xung quanh trạm thu phí không thuộc đối tượng được miễn giảm. Còn theo quyết định ngày 18/3/2021 của UBND TP Hồ Chí Minh, chỉ những người dân có xe ôtô dưới 12 chỗ không kinh doanh vận tải và đã có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng trước ngày trạm thu phí hoạt động, sinh sống tại mặt tiền 2 tuyến đường song hành với xa lộ Hà Nội mới được miễn giảm. Do đó, ngay khi Trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội hoạt động trở lại, cuối năm 2022 nhiều người dân ở các chung cư, các khu phố, khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, phường Phước Long A, TP Thủ Đức đã đồng loạt khiếu nại, kiến nghị.

Nhận thấy đây là vấn đề bất cập, ngày 9/1/2023 Sở GTVT thành phố đã kiến nghị với Bộ GTVT trình cấp thẩm quyền xem xét, bổ sung quy định giảm mức thu cho người dân sống quanh trạm thu phí, nhưng việc giải quyết hiện vẫn còn phải chờ. Trong khi đó, số người bị ảnh hưởng là không hề nhỏ khi chỉ với chung cư Him Lam Phú An gần đó đã có 204 hộ có xe ôtô. 

Tham mưu với UBND thành phố vào tháng 7 năm ngoái về những vấn đề bức xúc, những nội dung kiến nghị của người dân, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT khẳng định về phạm vi của dự án, hợp đồng BOT Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội được ký giữa thành phố và nhà đầu tư năm 2009, có điểm đầu kết nối với cầu Sài Gòn 2, điểm cuối kết nối với cầu Đồng Nai mới với tổng chiều dài tuyến là 15,7km. Phụ lục hợp đồng ký vào tháng 7/2018 chỉ bổ sung một số hạng mục cũng như thay đổi tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành dự án, các điều khoản khác được giữ nguyên.

Về vị trí đặt trạm thu phí, ông Bằng cho biết, căn cứ vào nghị quyết của HĐND thành phố ngày 12/7/2001, văn bản ngày 9/7/2007 của UBND thành phố, quyết định ngày 18/9/2021 của UBND thành phố về mức giá dịch vụ và ý kiến của Kiểm toán Nhà nước. Đối với việc thu phí hoàn vốn cho dự án, ông Bằng viện dẫn thời gian thu phí trong hợp đồng BOT và điều khoản trong phụ lục hợp đồng. Trong đó, thành phố cho phép thời điểm bắt đầu thu phí là khi nhà đầu tư hoàn thành đoạn từ cầu Sài Gòn đến cổng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tức chỉ phân đạt nửa dự án đã được thu phí.

Ngược lại, nhiều người dân ở khu dân cư Bắc Rạch Chiếc đặt vấn đề: tuyến xa lộ Hà Nội mở rộng hiện nay còn rất nhiều đoạn chưa hoàn thành, chưa thông toàn tuyến, vì sao UBND TP Hồ Chí Minh đã cho phép doanh nghiệp làm dự án được thu phí?

bot1.jpg -0
Trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên Giấy chứng nhận đầu tư cấp lần đầu ngày 11/1/2010 và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay đổi lần thứ nhất do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp cho nhà đầu tư ngày 24/5/2018 cũng đã ghi rõ: Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn theo hình thức BOT. Trong đó lý trình của dự án này gồm đoạn từ cầu Sài Gòn đến nút giao thông ngã ba Trạm 2 cũ và đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến cầu Đồng Nai. Tổng vốn đầu tư cho dự án này sau khi được điều chỉnh là hơn 4.905 tỷ đồng, vốn của nhà đầu tư chiếm 20%, phần còn lại là vốn huy động và thời gian hoàn thành từ năm 2008-2018. Nhưng đến nay khi dự án vẫn đang dở dang, nhà đầu tư đã được thu phí để hoàn vốn.

Trao đổi về những vấn đề liên quan vào ngày 23/2 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Giám đốc Công ty CP ĐT và XD xa lộ Hà Nội - doanh nghiệp làm dự án, khẳng định: phạm vi dự án trước nay đều xác định kéo dài từ chân cầu Sài Gòn đến ngã ba Tân Vạn. Lý giải về vấn đề dự án đã hết thời gian trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ông Nam cho biết, dự án kéo dài nên nhà đầu tư đã báo cáo để xin gia hạn và đã trình UBND thành phố, nhà đầu tư đã trình nhiều lần và cũng trình lâu rồi nhưng vẫn chưa được chấp thuận do đang vướng việc giải phóng mặt bằng đối với đoạn thuộc địa bàn Bình Dương.

Lý do tỉnh Bình Dương chưa chốt được thời gian hoàn thành việc giải phóng mặt bằng với đoạn chạy qua địa bàn. Dự án vẫn còn đang ngổn ngang như vậy, nhưng ông Nam cho biết, lẽ ra việc thu phí tại Trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội để hoàn vốn cho dự án này đã được thực hiện sớm hơn, ngay sau khi việc thu phí hoàn vốn cho cầu Rạch Chiếc kết thúc. Nhưng do khi đó dự án phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nên đã phải lùi lại mấy năm.

Trả lời về cơ sở đặt trạm thu phí ở vị trí hiện tại, ông Nam cũng cho rằng căn cứ theo văn bản của UBND thành phố vào tháng 11/2007. Trong đó văn bản này cho phép dời trạm thu phí từ vị trí cũ đến vị trí mới nằm ở khoảng giữa đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Bình Thái. Nhưng với thực tế trên, bức xúc của người dân bị ảnh hưởng về tình trạng dự án chưa làm xong đã được phép thu phí hoàn vốn không phải không có cơ sở.

https://cand.com.vn/Giao-thong/du-an-bot-chua-lam-xong-da-duoc-thu-phi-hoan-von-bai-1--i724189/

Bảo Sơn / CAND