- Đồng yên, won dự kiến tiếp tục giảm mạnh nếu không có động thái tích cực từ phía bên kia bán cầu
- Đồng yên Nhật tiếp tục giảm giá kỷ lục
- Nhật Bản sẽ có hành động thích hợp khi đồng yên giảm giá
Ngày 19-2, dữ liệu của chính phủ cho thấy, lượng nhập khẩu hàng điện tử tăng trong khi giá cả cũng tăng do đồng yên yếu khiến Nhật Bản thâm hụt thương mại 2,76 nghìn tỷ yên (tương đương 18,2 tỷ USD) trong tháng 1 vừa qua.
Cán cân thương mại của Nhật Bản lần đầu tiên trở lại mức thâm hụt sau 2 tháng. So với 1 năm trước đó, thâm hụt đã tăng 56,2% nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục 3,54 nghìn tỷ yên từng được ghi nhận hồi tháng 1-2023.
Báo cáo sơ bộ của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy, xuất khẩu trong tháng 1 đã tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 7,86 nghìn tỷ yên. Số liệu này đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp nhờ sự gia tăng trong hoạt động xuất khẩu ô tô, tàu biển và dược phẩm.

Kim ngạch nhập khẩu cũng ghi nhận tháng tăng thứ hai liên tiếp, lên mức 10,62 nghìn tỷ yên, khi Nhật Bản mua thêm lượng lớn điện thoại thông minh cùng máy tính cá nhân từ Trung Quốc…
Nhìn chung, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của Nhật Bản đều đạt mức cao kỷ lục trong tháng 1 nhưng việc đồng yên suy yếu đã tác động đến giá cả. Cùng tháng, tỷ giá hối đoái trung bình của đồng nội tệ quốc gia này là 157,20 yên đổi 1 USD, thấp hơn 9,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo hãng thông tấn Kyodo, thặng dư thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ ở mức 476,97 tỷ yên khi xuất khẩu sang xứ Cờ hoa tăng 8,1% (tương đương 1,54 nghìn tỷ yên) nhờ lượng ô tô xuất khẩu lớn. Về việc Tổng thống Donald Trump dự kiến tăng thuế đối với mặt hàng này, Bộ Tài chính Nhật Bản tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ mọi tác động tiềm tàng.
Đối với Trung Quốc, Nhật Bản cũng ghi nhận thâm hụt thương mại lên đến 1,44 nghìn tỷ yên, đánh dấu tháng thâm hụt thứ 46 liên tiếp. Nguyên nhân do hoạt động xuất khẩu chip và thiết bị sản xuất liên quan sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy giảm.
Cán cân thương mại trong tháng 1 thường bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc, gây gián đoạn hoạt động hậu cần và nhà máy, dẫn đến lượng xuất khẩu từ Nhật Bản giảm. Đồng thời, lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có xu hướng tăng khi các doanh nghiệp tích trữ hàng trước kỳ nghỉ lễ, góp phần làm tăng thâm hụt thương mại.
https://hanoimoi.vn/dong-yen-yeu-nhat-ban-lai-tham-hut-thuong-mai-693632.html