Lúc anh Hoàn sang Nga, con trai đầu lòng mới ẵm ngửa. Nay cậu bé biết chạy khắp nhà cũng là hơn một năm hai bố con xa cách vì Covid-19.
Nhiều năm liền du học ở Nga, chuyện đón Tết xa nhà không phải là điều gì quá mới mẻ với anh Xuân Hoàn, nghiên cứu sinh người Việt tại thủ đô Moskva. Tuy nhiên Tết năm nay, nỗi buồn nhân đôi nhân ba bởi có thêm người vợ trẻ và cậu con trai 1 tuổi rưỡi mong ngóng ở Bắc Ninh.
"Lúc tôi quay lại Nga, con trai mới ẵm ngửa. Nay thằng bé đã biết chạy long nhong khắp nhà. Hơn một năm qua nhiều lần tôi dự định về nước rồi không thành vì Covid-19 bùng phát mạnh, việc đi lại trở nên khó khăn", anh Hoàn chia sẻ với VnExpress.
Nga là một trong những vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 4 triệu ca nhiễm nCoV. Thời gian đầu dịch mới bùng phát, anh Hoàn luôn sống trong sợ hãi, mấy lần không may trở thành F1, phải cách ly, uống thuốc dự phòng.
"Bây giờ tôi vẫn lo lắng nhưng không còn sợ nhiều nữa, chỉ luôn giữ ý thức phòng ngừa, luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn đầy đủ. Vaccine ra đời cũng làm người Việt ở đây cảm thấy an tâm hơn", anh nói.
Sát Tết, các khu chợ người Việt ở Moskva vẫn đầy đủ bánh chưng, lá dong, xôi đỗ, nấm hương mộc nhĩ, giò chả để phục vụ bà con nhưng không khí ảm đạm vì dịch bệnh vẫn bao trùm. Anh Hoàn cũng sắm một ít thực phẩm để tổ chức liên hoan tiễn năm cũ, đón năm mới với những anh em sống chung trong ký túc xá, riêng người ngoài vẫn bị cấm tụ tập.
"Năm nay đành đón Tết xa gia đình. Nhớ bố mẹ, vợ con lắm nhưng mọi người cũng đành động viên nhau chấp nhận hoàn cảnh và gìn giữ sức khoẻ là quan trọng nhất", anh nói.
Một phụ nữ gốc Việt tham dự sự kiện chào mừng Tết Nguyên đán ở Công viên Clinton, thành phố Oakland, bang California, Mỹ, hôm 7/2. Ảnh: Bay Area News Group. |
Cùng chung nỗi canh cánh hướng về gia đình ở Việt Nam lúc này là anh Ngọc Nghĩa ở Mỹ, vùng dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Trên Facebook, anh chia sẻ nhiều hình ảnh của người bố đã 90 tuổi vào những dịp Tết trước và bày tỏ nỗi lòng "không biết bao giờ mới lại được về Việt Nam".
"Tôi xa nhà du học và định cư ở Mỹ đến nay là 21 năm nhưng năm nào cũng tranh thủ về nước dịp Tết cùng vợ chăm bố", anh Nghĩa, một chuyên gia nghiên cứu hoá sinh ở hạt Henrico, bang Virginia, cho hay. "Mẹ mất từ 2014, bố sống một mình nên mỗi năm tôi chỉ mong đến Tết để được về với bố, vậy mà năm nay vì Covid-19 phải ở lại".
Cách nửa vòng Trái đất gọi điện về, anh vui mừng vì bố vẫn khoẻ và được các anh chị em lo cho đầy đủ. "Bố bảo 'con yên tâm, dịch bùng lên đừng về, cứ giữ gìn sức khỏe'. Bên này chúng tôi rất nhớ bố và chỉ mong sớm hết Covid-19 để được về quây quần bên bố và đại gia đình", anh nói thêm.
Ở Virginia không đông người Việt như California nên Tết hầu như cũng giống ngày thường. Anh Nghĩa vẫn đến phòng thí nghiệm làm việc tới tối. Tuy nhiên, gia đình anh luôn cố gắng gìn giữ nhưng phong tục truyền thống như dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm ngũ quả, cúng tất niên, lì xì cho trẻ con và không quét rác 3 ngày đầu năm.
Mọi năm, anh Nghĩa thường mua bánh chưng, giò chả làm sẵn ở khu chợ người Hoa nhưng năm nay vì Covid-19, không thể về Việt Nam, vợ anh quyết định tự gói bánh chưng, "dù bánh không đẹp nhưng vẫn vui và ngon".
Gia đình anh Ngọc Nghĩa gói bánh chưng, chuẩn bị mâm ngũ quả, bánh kẹo, chả giò cho Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tháng trước cho biết có rất nhiều người Việt Nam đăng ký về nước đón Tết Nguyên đán. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, trong năm 2002, Việt Nam tổ chức 299 chuyến bay, đưa hơn 80.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước.
Tuy nhiên, do chủng mới của nCoV xuất hiện và lây lan nhanh ở nhiều nước trên thế giới, từ ngày 5/1, Thủ tướng chính phủ đã có văn bản ban hành yêu cầu hạn chế các chuyến bay đưa người nhập cảnh vào Việt Nam trước Tết.
Tết vốn là dịp lễ lớn và quan trọng nhất trong năm với người Việt, là cơ hội để nhiều người đoàn tụ với gia đình, người thân sau 365 ngày xa cách. Tuy nhiên, bên cạnh lý do này, người Việt ở các quốc gia cũng mong trở về để tránh dịch, do visa đã hết hạn hay gặp khó khăn về tài chính.
Từ cách đây nhiều tuần, trên mạng xã hội, người Việt ở khắp nơi đã hỏi nhau cách hồi hương. Tại một group chia sẻ cách trở về Việt Nam qua đường Campuchia, rất nhiều người cho hay họ muốn hoặc có kế hoạch về nước trước Tết vào đầu tháng 2. Họ chi tiền mua vé của chuyến bay thương mại từ Mỹ, Canada, New Zealand, Nhật Bản... đến Campuchia, sau đó đi đường bộ nhập cảnh Việt Nam qua các cửa khẩu, sẵn sàng xét nghiệm Covid-19 và trả phí cách ly.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hay có điều kiện để đi theo con đường này. Anh Hải Minh, một lao động Việt ở Nhật Bản, đã tốn hàng chục triệu đặt mua vé máy bay từ năm ngoái nhưng đến nay vẫn mắc kẹt vì 5 lần 7 lượt bị huỷ chuyến.
Sang Nhật Bản theo diện thực tập sinh, sau đó bỏ ra ngoài tìm công việc khác tốt hơn, anh Minh trở thành lao động bất hợp pháp. Sau khi mất việc làm vì dịch, lại hết hạn visa, anh quyết định ra đầu thú ở cục xuất nhập cảnh với mong muốn trở về Việt Nam.
"Nhiều lần nộp đơn xin lên sứ quán Việt Nam tại Nhật để bày tỏ nguyện vọng về nước nhưng tôi chỉ nhận được câu trả lời rằng phải kiên trì chờ đợi", anh nói. "Thực sự không biết bao giờ mới có thể hồi hương".
Tại cuộc họp tháng trước, giới chức Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đều nhất trí khuyến khích người Việt ở nước ngoài tuân thủ các quy định phòng dịch ở nước sở tại và "không trở về nước vào thời điểm này cũng là đóng góp cho công tác phòng chống dịch ở Việt Nam". Chính phủ chỉ đạo sau dịp Tết Nguyên đán, Bộ Giao thông Vận tải mới nghiên cứu nối lại các chuyến bay quốc tế.
Chị Anh Đào, một cô dâu Việt ở thành phố Incheon, hiểu tình hình Covid-19 lúc này ở Hàn Quốc lẫn Việt Nam không cho phép mình trở về đón Tết cùng gia đình.
"Ở lại Hàn Quốc tôi không có Tết. Chính quyền đã có lệnh cấm tụ tập quá 5 người, chồng tôi là người bản địa lại đi làm xa nên không quan tâm tới ngày lễ này. Chúng tôi cũng ít trò chuyện vì rào cản ngôn ngữ", chị cho hay. "Tuy nhiên, về Việt Nam bây giờ là rất khó và nếu được cũng phải cách ly 14 ngày. Chẳng còn cách nào khác phải chấp nhận xem Tết cũng chỉ là một ngày thông thường được nghỉ ngơi".
Cành đào và bánh chưng của nhà chị Sharon Vũ. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Nhà chị Sharon Vũ, ở London, Anh, đã sắm đủ cành đào, bánh chưng, nhưng không khí Tết vẫn không thể trọn vẹn. London vẫn đang được đặt trong tình trạng phong toả kể từ đầu tháng trước với hơn 14.000 ca lây nhiễm nCoV mới mỗi ngày.
"Tết năm nay nhìn chung buồn bởi chỉ có hai vợ chồng tôi và hai con, không còn được về Việt Nam, quây quần cùng người thân, bạn bè để gói bánh chưng, thức đêm trông bánh", chị nói, cho hay đã làm mứt và bánh mời hàng xóm người bản địa. "Chuyện bình thường ngày trước mà giờ trở nên thật xa xỉ".
Nghĩ về năm mới, chị Sharon chỉ mong gia đình khoẻ mạnh, đại dịch bị đẩy lùi để quay lại cuộc sống bình thường.
"Tôi mong nhất là ra Tết đường bay được mở lại để về Việt Nam", anh Hoàn chia sẻ.
"Tôi cũng mong năm mới sẽ hết dịch bệnh để được về Việt Nam thăm gia đình và nếu có điều kiện ở lại lâu, tôi muốn được đi một vòng tham quan các danh lam thắng cảnh của đất nước mình", anh Nghĩa nói.
Không còn COVID-19, dân Vũ Hán đón Tết Nguyên đán tưng bừng
Người dân ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đón một cái Tết tưng bừng nhờ dịch bệnh COVID-19 được khống chế. |
Tết, niềm vui và nỗi nhớ
Vào nghề từ năm 1985, tôi được vinh dự là một trong những người tham gia trực tiếp khai thác những tấn dầu đầu tiên ... |