Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa đưa ra lời cảnh bảo về nguy cơ khủng hoảng lương thực trong bối cảnh lụt lội, đại dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại với chính quyền ông Donald Trump kéo dài.
Động thái bất ngờ
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã vừa dẫn lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc duy trì cảnh giác về nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực cho 1,4 tỷ dân, đặc biệt do tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại với Mỹ kéo dài.
Theo đó, ông Tập Cận Bình kêu gọi người dân ngừng lãng phí lương thực trong bối cảnh lũ lụt và dịch bệnh làm gián đoạn nguồn cung. Ông Tập Cận Bình cho rằng, vấn đề lãng phí lương thực ở nước này “gây sốc và lo ngại”, cho dù mùa màng ở Trung Quốc bội thu nhiều năm qua. Do đó, cần tăng cường giám sát và thiết lập một cơ chế lâu dài nhằm chấm dứt tình trạng này.
Ông kêu gọi người dân Trung Quốc nâng cao cảnh giác, thúc đẩy một xã hội mà ở đó “lãng phí là điều hổ thẹn và tiết kiệm là điều đáng biểu dương”.
Tại Trung Quốc, mưa lớn từ đầu tháng 6/2020 gây lũ lụt nghiêm trọng, nhấn chìm một diện tích lớn đất nông nghiệp ở miền nam Trung Quốc, vốn là khu vực trồng lúa chính của nước này.
Kể từ năm 2019, giới chức Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh lương thực, cung ứng đủ lương thực cho 1,4 tỷ dân. Giới chuyên gia cho rằng, việc hạn chế lãng phí lương thực có thể giúp cải thiện an ninh lương thực tại Trung Quốc.
Lời kêu gọi của ông Tập cho thấy một bước đi nữa của Bắc Kinh nhằm tăng cường “sức mạnh lương thực” trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể còn kéo dài.
Trung Quốc cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong cuộc chiến với Mỹ để có thể đạt được sự tự chủ hoàn toàn về sản xuất lương thực. Các số liệu cho thấy, nước này nhập khẩu khoảng 20% nguồn cung lương thực và con số thực tế có thể lên tới 30%.
Trên thực tế, không phải tới giờ an ninh lương thực mới được đặt ra như một vấn đề cấp bách. Từ nhiều năm trước, Trung Quốc đã chuẩn bị để đối phó với nguy cơ này. Lý do đơn giản là Trung Quốc chiếm khoảng 21% dân số thế giới nhưng chỉ sở hữu 9% diện tích đất nông nghiệp toàn cầu.
Trong năm 2017, Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc (ChinaChem) đã chi 43 tỷ USD để thâu tóm hãng sản xuất thuốc trừ sâu Syngenta của Thụy Sỹ. Đây là hãng sản xuất thuốc trừ sâu lớn nhất thế giới và sở hữu công nghệ biến đổi gen (GMO), có thể giúp Trung Quốc tăng sản lượng nông nghiệp nội địa.
Với 1,4 tỷ miệng ăn, Trung Quốc cần tăng mạnh năng suất nông nghiệp vốn bị kìm hãm bởi chất đất xấu, nguồn nước ô nhiễm và tình trạng lạm dụng phân bón hóa học.
Nguy cơ từ cuộc chiến Mỹ - Trung
Hãng tin Bloomberg nhận định, sở dĩ Trung Quốc thâu tóm Syngenta chính là do khoảng cách ngày càng lớn giữa hai con số: dân số và diện tích đất có thể canh tác của nước này.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc hiện là nước sản xuất ngô lớn thứ hai thế giới, nhưng năng suất ngô thấp hơn Mỹ tới 44%.
Mấy năm qua, Trung Quốc đã mạnh tay thâu tóm các tài sản nông nghiệp trên toàn cầu, từ các nông trại tới nhà máy sản xuất đường, nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực cho số dân ngày càng đông nhưng cũng có mức thu nhập ngày càng cao.
Theo đánh giá của Công ty Religare Capital Markets ở Singapore, an ninh lương thực trở thành một cân nhắc chính sách quan trọng đối với chính quyền Bắc Kinh và những thương vụ thâu tóm các doanh nghiệp nông nghiệp như trong vài năm vừa qua là tất yếu.
Tuy nhiên, sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây và ảnh hưởng của đại dịch Covid khiến hoạt động mua bán thâu tóm các tài sản ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ và châu Âu trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có công nghệ và nông nghiệp, bị đình trệ.
Gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc không chỉ gặp khó trong xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ do căng thẳng thương mại với chính quyền ông Donald Trump mà còn chật vật khi niêm yết, huy động vốn trên thị trường tài chính phố Wall.
Theo Reuters, các công ty Trung Quốc thậm chí có thể bị hủy niêm yết tại Mỹ từ cuối năm sau nếu không tuân thủ tiêu chuẩn kiểm toán Mỹ, một điều mà chính quyền Bắc Kinh không chấp nhận.
Căng thẳng leo thang khiến Trung Quốc bế tắc trong những kế hoạch thâu tóm các tài sản nông nghiệp trên toàn cầu để đảm bảo nguồn cung lương thực cho cả tỷ dân.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ khác, trong đó có nguy cơ khủng hoảng nợ. Tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc tăng rất mạnh trong những năm gần đây. Tính đến cuối quý I/2020, tỷ lệ này đã ở mức 317% và được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới.
Đáng chú ý, nhiều ngân hàng Trung Quốc đối mặt nguy cơ mất thanh khoản, điển hình là vụ sụp đổ của Ngân hàng Baoshang. Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến hệ thống ngân hàng Trung Quốc.
Làn sóng tẩy doanh nghiệp tháo chạy khỏi Trung Quốc và tẩy chay hàng/vốn Trung Quốc sau dịch bệnh như trường hợp các doanh nghiệp Nhật Bản... có thể sẽ cản bước Trung Quốc lên ngôi đầu thế giới.
Ngày 8/4 - một ngày sau khi gói ngân sách của Nhật Bản hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật rút ra khỏi Trung Quốc được thông qua, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc cần phải luôn giả định kịch bản tồi tệ nhất và kêu gọi người dân nước này chuẩn bị sẵn tâm thế cũng như làm việc để đối phó với “những thay đổi dài lâu ở môi trường bên ngoài”.
Không chỉ là thương mại và công nghệ, các vấn đề cơ bản như an ninh lương thực cũng là điều mà Bắc Kinh quan tâm nhiều hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay.
M. Hà