Khi mùa giải 2020 chưa thể diễn ra, các đội xe Công thức 1 (F1) đang chạy đua với thời gian để góp sức mình trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Bảy đội đua Công thức 1 lên kế hoạch nghiên cứu và sản xuất hàng loạt trang thiết bị y tế phục vụ việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Đội đương kim vô địch Mercedes mới đây vừa hé lộ bản thiết kế mẫu máy trợ thở trong một dự án có tên gọi "Pitlane".
Quy trình từ lên kế hoạch, xin cấp phép cho đến sản xuất hàng loạt loại sản phẩm này thường mất hàng năm trời. Tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt như hiện tại, Mercedes và các đội đua F1 có thể rút ngắn thời gian thực hiện các bước trên xuống còn một tuần.
Theo Mark Gillan, điều phối viên của dự án Pitlane, thế giới F1 đang chứng kiến sự đồng lòng chưa từng có. Ông đã làm việc 14 năm ở McLaren, Red Bull và Williams, chứng kiến các đội đua cạnh tranh gay gắt để vượt lên trên đối thủ kể cả bằng những chiêu trò, thủ đoạn.
Từ văn phòng ở đường Victoria Embankment, London, Gillan điều hành hai cuộc họp trực tuyến mỗi ngày.
"Không ai rành kỹ nghệ đảo ngược, thiết kế, phát triển và thử nghiệm các hệ thống phức tạp hơn các đội đua F1", Gillan nói.
"Khi kết nối các chuyên gia này lại với nhau, chúng ta có một nguồn lực rất lớn. Những gì Mercedes vừa làm là một minh chứng cho điều đó. Họ đã lo xong các thủ tục cho thiết bị của mình rất nhanh chóng. Đó là một bước tiến dài".
Mercedes đang hợp tác chặt chẽ với bệnh viện của Đại học London (UCLH) để tìm ra giải pháp nhanh hơn bất cứ ai có thể tưởng tượng. Chỉ trong một tuần, họ đã chế tạo xong hàng chục thiết bị thở áp lực dương liên tục (CPAP), thứ thay thế cho những chiếc máy trợ thở cồng kênh.
Loại thiết bị này đã được sử dụng thành công trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Trung Quốc và Italy, nhưng các bệnh viện ở Anh không có đủ. Nếu các thử nghiệm thành công, Mercedes ước tính có thể sản xuất tới 1.000 chiếc mỗi ngày.
Dự án Pitlane được chia làm ba hạng mục tương ứng với các lĩnh vực kỹ thuật mà các đội đua F1 vốn rất sành sỏi: Thiết kế, chế tạo mẫu và lắp ráp. Các công đoạn này dự kiến sẽ được hoàn tất trong vòng 15 ngày tới kịp cung cấp cho cơ quan y tế quốc gia (NHS) khi đại dịch Covid-19 lên đỉnh ở Anh.
Gillan đã liên hệ với các đội đua F1 để nêu ý tưởng từ 15/3, chỉ 48 giờ sau khi chặng đua mở màn mùa giải F1 Australian Grand Prix bị hủy.
Các kỹ sư, những người có nhiệm vụ thường ngày là xử lý chiếc xe của Lewis Hamilton, được điều chuyển nhiệm vụ và phải làm việc tăng ca.
"Sự chuyển đổi của các đội đua rất thuận lợi. Tôi đã mong đợi điều đó, vì họ là những người đi đầu về thiết kế, nâng cấp và có khả năng vận hành rất nhanh", Gillan nói.
Kỹ nghệ đảo ngược là lĩnh vực chuyên môn đặc biệt của các đội đua F1. Những trí tuệ hàng đầu của Mercedes dành tâm sức cho việc tháo dỡ các mẫu máy CPAP, sao chép và cải tiến thiết kế để hướng đến sản xuất hàng loạt.
Tính hiệu quả của việc sử dụng thiết bị CPAP được chứng minh ở Lombardy, Italy. Một nửa số bệnh nhân được điều trị bằng cách này không cần dùng đến máy trợ thở cắm vào khí quản.
Mercedes còn có sự góp sức từ các đối thủ trên đường đua là Red Bull, McLaren, Renault, Racing Point, Haas và Williams. Gillan tin rằng các đội đua F1 đủ sức đương đầu với những khó khăn khi tham gia vào một lĩnh vực mới với áp lực thời gian như vậy.
Chặng đua F1 tại Hà Nội phải hoãn lại do covid-19 |
Hoãn chặng đua F1 tại Australia do Covid-19 |
Cách ly ba thành viên tham gia giải đua xe F1 tại Australia |