Lần đầu tiên, những chiếc mặt nạ độc đáo mang đậm vẻ đẹp nghệ thuật và đời sống tâm linh vùng Eo biển Torres của Úc được giới thiệu tại Việt Nam
Trưng bày "Hồi sinh: vùng Eo biển Torres" giới thiệu hình ảnh 13 chiếc mặt nạ được trang trí tuyệt đẹp của vùng Eo biển Torres đã khai mạc tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chiều tối 18-5, nhân ngày Quốc tế Bảo tàng. Việc mang văn hóa bản địa độc đáo của Úc tới Việt Nam lần này là một trong những hoạt động kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Đại sứ Úc tại Việt Nam, ngài Craig Chittick, cùng các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày
Eo biển Torres là một mạng lưới các đảo nằm giữa Bắc Úc và Papua New Guinea. Theo truyền thống nơi đây, những chiếc mặt nạ được làm thủ công từ những vật liệu của địa phương và từ biển, ví dụ như mai rùa (Koerar), sợi thừng nhỏ và sáp ong hoang dã. Khởi nguồn từ tín ngưỡng, mặt nạ và tạo tác mặt nạ ngày nay được coi là coi là những cách thức phục hưng nền nghệ thuật, văn hóa cổ xưa và những nghi lễ sống động này của vùng Eo biển Torres. Những chiếc mặt nạ là cầu nối, giúp người dân nơi đây truyền lại kiến thức và văn hóa cho các thế hệ sau.
Video clip thổ dân Eo biển Torres sử dụng mặt nạ trong những vũ điệu truyền thống để giao tiếp với tổ tiên, thần linh
Trưng bày lưu động quốc tế này do Trung tâm văn hóa Gab Titui thực hiện và được Bảo tàng Quốc gia Úc và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc giới thiệu. Tại Hà Nội, trưng bày này sẽ được mở cửa đến hết ngày 18-7-2018.
Đại sứ Úc tại Việt Nam, ngài Craig Chittick nhấn mạnh: "Tôi rất vui được giới thiệu những chiếc mặt nạ vùng Eo biển Torres tới công chúng Việt Nam lần đầu tiên. Trong năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao quan trọng của Úc và Việt Nam, chúng tôi đã chọn giới thiệu văn hóa tạo tác và sử dụng mặt nạ của người dân vùng Eo biển Torres, một phần rất quan trọng trong nền văn hóa đa dạng của Úc, với mục đích tăng cường hiểu biết và quan hệ giữa nhân dân hai nước."
Trưng bày này cũng giới thiệu phim tài liệu mang tên "Những vết nứt trên Mặt nạ", bộ phim đầu tiên nói về văn hóa, lịch sử và sự kết nối sâu sắc của người dân vùng Eo biển Torres với những hiện vật của tổ tiên họ.
Những chiếc mặt nạ "có một không hai" được giới thiệu:
Đến từ Masig (đảo Yorke), Naga của vùng Naghir nổi tiếng là người làm mặt nạ hình các con vật (vật tổ). Những mặt nạ này thường được sử dụng trong các nghi lễ ở Zogo Kwod (khu đất thiêng) do những người đàn ông chuyên tế lễ thực hiện. Naga dạy những người đàn ông các bài hát và tất cả những gì liên quan đến khu đất thiêng (Zogo Kwod). Những người đàn ông từ khắp các đảo phía Tây và đảo Trung tâm đến học với ông. Một ngày nọ, một người đến học đánh trống và Naga đã dạy anh ta. Người đó trở nên rất giỏi về nghệ thuật này nhưng lại không thỏa mãn và đã ăn cắp mặt nạ của Naga. Naga rất giận người đàn ông đó và đã quyết định cho các bộ lạc Tudu, Warraber, Aureed, Mua, Muralag và Masig tất cả mặt nạ của mình. Ông chỉ giữ lại một chiếc cho bản thân và bộ lạc Naghir. Mặt nạ này đại diện cho tất cả các đảo Trung tâm.
Đến từ Badhu (đảo Badu), Keris, Mặt nạ làm từ vỏ sò, thể hiện ba thời kỳ khai thác biển của người Badhulgaw: ngọc trai, Kaiyar (tôm càng xanh) và Kabar (ốc đụn). Mặt nạ chịu ảnh hưởng của sự đa văn hóa và có dấu ấn châu Á. Samu (lông nâu) đại diện cho sự kết nối với Koey Dhawdhay (phần đất liền Australia) và Moegi Dhawdhay (Papua New Guinea). Dhangal (bò biển) và Waru (rùa) trên mặt nạ đại diện cho hai loại thức ăn phổ biến nhất khi người dân đi biển.
Đến từ Badhu (đảo Badu), mặt nạ Koedal Awgadhalayg là một thuật ngữ của bộ tộc Maluyligal, có nghĩa là "Vật tổ Cá sấu". Mặt nạ đặc biệt này được lấy cảm hứng từ những chiếc mặt nạ của tổ tiên được trưng bày trong nhiều bảo tàng ở khắp châu Âu…
Đầu của cá sấu thể hiện vật tổ chính của Koey Buway (một bộ lạc lớn) có nhiều chiến binh. Hai mặt nạ trên đầu cá sấu đại diện cho các thủ lĩnh của một bộ lạc. Cả hai đều đội Dhoeri (mũ), biểu tượng cho một chủng tộc đặc biệt - Người Zenadh Kes.
Chiếc Dhoeri cũng mang thông điệp về chiến tranh, hòa bình và nghệ thuật. Trong miệng cá sấu là một hộp sọ người. Nó được đặt vào đó để diễn đạt mối quan hệ văn hóa giữa người với vật tổ.
Đến từ Saibai/Seisia, chiếc mũ có tên Gió Tây Nam được đội trong nghi lễ đón mùa gió này. Zei là một trong bốn loại gió - gió Tây Nam - thường xuất hiện vào mùa đông. Vào đầu mùa, những người đàn ông thực hiện nghi lễ Kuki Sagulaw Mawa để chào đón mùa mới.
Khi Sager (gió Đông Nam), đang mùa mà đột nhiên Zei (gió Tây Nam) thổi mạnh là lúc những người già sẽ cảm nhận được cái chết có thể sắp đến với một người thân họ hàng hay người trong gia đình.
Eo biển Torres có hơn 200 đảo, nằm phía bắc lục địa Úc. Khác với những thổ dân ở vùng sa mạc trung tâm, cuộc sống của những người dân đảo vùng Eo biển Torres gắn liền với biển cả. Họ lấy cảm hứng và vật liệu chính từ biển để làm những chiếc mặt nạ.
Mặt nạ được trang trí tuyệt đẹp này rất quan trọng đối với các nghi lễ và lịch sử của vùng Eo biển Torres. Người dân nơi đây truyền cho con cháu kiến thức và truyền thống thông qua những chiếc mặt nạ. Một chiếc mặt nạ và những nghi lễ liên quan sẽ thay đổi bản ngac và giúp người đeo nó giao tiếp với tổ tiên.
Dương Ngọc
Cuộc sống của thổ dân Venezuela chạy sang biên giới Colombia
Dù bị trục xuất, nhưng thổ dân Yukpa vẫn quay lại Colombia, thậm chí đụng độ với chính quyền ở biên giới vì không muốn ... |
Kẻ gian đeo mặt nạ, mang hung khí đột nhập nhà Taylor Swift
Người đàn ông 38 tuổi bị cảnh sát phát hiện khi đeo mặt nạ và mang nhiều hung khí nguy hiểm đột nhập nhà giọng ... |
Cận cảnh đời sống của thổ dân nguyên thủy
Daily Mail mới đây chia sẻ loạt ảnh của nhiếp ảnh gia Ricardo Stuckert, hé lộ một phần cuộc sống thường nhật của bộ lạc ... |
Nữ du khách Anh đi thuyền bị bộ lạc nguyên thủy Amazon giết
Bất chấp lời khuyên của dân bản địa, cô gái Anh vẫn bơi thuyền một mình và bị giết một cách dã man. |