Doanh số ngành bia giảm 25% sau Nghị định 100

Theo đánh giá Bloomberg, ngay sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, doanh số bán bia tại Việt Nam giảm ít nhất 25%.

Ảnh minh hoạ. Ảnh TL

Doanh số bán bia trên cả nước giảm ít nhất 25% sau khi Nghị định 100 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2020. Cảnh sát giao thông đã xử phạt 6.200 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết các công ty thành viên đã lên tiếng lo ngại về tình trạng doanh số tiệu thụ bia sụt giảm.

“Chỉ cần nhìn vào các quán nhậu, bạn sẽ thấy tình trạng vắng khách như thế nào. Sụt giảm doanh số bán bia là một thực tế. Mặc dù vậy, chúng tôi chưa có thống kê chính xác về sự sụt giảm doanh số bán bia rượu nhưng chắc chắn là đã giảm rất nhiều”,  ông Lương Xuân Dũng thuộc Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) trả lời Bloomberg.

Theo quy định, người điều khiển xe máy có thể bị phạt cao nhất 8 triệu đồng, gấp đôi so với mức phạt cũ. Thậm chí, người điều khiển xe máy có thể bị tịch thu bằng lái xe trong 2 năm. Mức phạt trước đây tịch thu bằng lái tối đa chỉ có 5 tháng.

Những người lái ôtô hoặc xe tải vi phạm có thể bị phạt lên tới 40 triệu đồng và đình chỉ giấy phép lái xe. Luật cũng yêu cầu quảng cáo rượu phải bao gồm các cảnh báo về sức khỏe và các cửa hàng cấm bán rượu cho những người dưới 18 tuổi

Trong nửa đầu tháng 1, Cục giao thông Bộ Công an đã ban hành án phạt tổng cộng 21 tỉ đồng với 6.279 trường hợp.

Các quan chức y tế cho biết số lượng bia rượu tiêu thụ tại Việt Nam tăng vọt đang gây ra các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Ước tính 79.000 ca tử vong mỗi năm gắn liền với rượu, theo Tổ chức Y tế Thế giới.  

Bà Lê Thị Thu, quản lý chương trình của Tổ chức HealthBridge (Hà Nội) cho biết, hơn 80% người uống rượu trên toàn quốc là đàn ông và lạm dụng rượu bia dẫn đến những tác hại xã hội ngày càng gia tăng, bao gồm tai nạn xe cộ, bạo lực gia đình và rối loạn xã hội. Theo WHO, tác động tiêu cực của lạm dụng rượu là từ 1,3% đến 3,3% tổng sản phẩm quốc nội.

Theo báo cáo của Euromonitor International, mức bia tiêu thụ trong giai đoạn 2004-2018 tại Việt Nam tăng 284%, chủ yếu tập trung vào người trẻ và tầng lớp trung lưu. 

Từ năm 2013 đến 2018, Việt Nam là quốc gia có sản lượng bia lớn thứ ba khu vực châu Á - Thái Bình Dương.mức tiêu thụ bia bình quân mỗi gia đình ở Việt Nam tăng 30%, lên mức 43 lít/hộ. Ngược lại, lượng bia trung bình một gia đình tại Mỹ tiêu thụ giảm 4%.

Ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam, cho biết “người Việt nhậu nhẹt thường xuyên, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào mà họ muốn”. Do đó, quy định mới chắc chắn tác động mạnh tới ngành bia Việt Nam và thói quen sinh hoạt của người Việt.

Các quán bia giảm giá hoặc cung cấp miễn phí dịch vụ xe ôm, taxi cho những khách hàng quen. Việc siết chặt các quy định bất ngờ đã dẫn đến việc mua thuốc “giải rượu” rầm rộ bán trên mạng để tránh bị phạt.

Tuy nhiên, theo ông Thành, nếu Nghị định 100 đi vào cuộc sống một cách nghiêm túc, hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế và chính người Việt sẽ được cải thiện.

 

 

 

/ laodong.vn