- Loạt doanh nhân máu mặt bị bắt: Làm gì để ngăn chặn những người tài thành 'củi'?
- 4 doanh nhân tuổi Hổ lừng lẫy thương trường Việt
- Miễn nhiệm thành viên Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội đối với ông Trịnh Văn Quyết
- Công an tìm nhà đầu tư mua cổ phiếu bị nhóm ông Trịnh Văn Quyết 'thổi giá'
Loạt doanh nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp lớn bị khởi tố, bắt giam gần đây đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có đạo đức, trách nhiệm của họ với xã hội, cộng đồng.
Trả lời phỏng vấn VTC News ngày 10/5, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính - cho biết, việc loạt doanh nhân tên tuổi như ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AIC…bị khởi tố, bắt giam cho thấy quyết tâm làm lành mạnh thị trường, bảo vệ nhà đầu tư chân chính, đưa nền kinh tế vào quỹ đạo tăng trưởng bền vững.
“Thông điệp của Nhà nước rất rõ ràng, tất cả những ai vi phạm pháp luật, dù là chủ doanh nghiệp lớn hay là người có chức có quyền đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nói cách khác, Nhà nước củng cố tinh thần thượng tôn pháp luật trong kinh tế và xã hội trong tình hình mới”, ông Thịnh nói.
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính cũng cùng chung quan điểm. Theo ông Long, những vụ vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hay mua sắm thiết bị y tế vừa qua là rất đáng tiếc. Nhưng những vi phạm này không phải phổ biến và cá nhân nào làm thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Long nói: “Việc đưa các “củi gộc vào lò” cho thấy quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc xây dựng hệ sinh thái, môi trường đầu tư công khai, minh bạch, bình đẳng, an toàn, hiệu quả, bền vững. Đồng thời là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các hành vi không minh bạch, gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế”.
Ông Trịnh Văn Quyết, ông Đỗ Anh Dũng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị khởi tố, bắt giam gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia luật, ông Nguyễn Thế Truyền (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, luật pháp có hoàn thiện đến đâu, cũng vẫn có người sẵn sàng giẫm đạp lên các quy định, giẫm đạp lên quyền lợi của người khác để làm giàu. Nên câu chuyện thực thi và đảm bảo cho việc thực thi có hiệu quả vô cùng quan trọng.
“Việc thực thi pháp luật đòi hỏi phải có nguồn lực, sự tác động mạnh mẽ qua lại từ các bên. Trong cơ chế thị trường, chúng ta phải chấp nhận sự tồn tại của “gian thương”. Nhưng khi phát hiện vi phạm thì dù có liên quan đến doanh nghiệp quy mô thế nào, thế lực ngầm ra sao, cần xử lý minh bạch và công bằng. Điều đó mới tạo được niềm tin cho xã hội, cho nhà đầu tư”, ông Truyền nhấn mạnh.
Xử người vi phạm, không xử thương hiệu
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, trước mắt việc các doanh nhân tên tuổi bị khởi tố, bắt giam sẽ làm xáo trộn thị trường và cũng có thể gây thiệt hại ít nhiều cho nền kinh tế. Nhưng về lâu dài, sẽ tạo ra sự công khai, minh bạch, giúp thị trường phát triển bền vững. Như vậy giữa cái được và cái mất thì cái được là nhiều, mất chỉ là tạm thời, phải chấp nhận để có được thị trường công khai, minh bạch và phát triển bền vững.
“Nếu muốn thu hút nhà đầu tư chân chính trong nước và cả nước ngoài thì môi trường đầu tư, kinh doanh là rất quan trọng. Nếu cứ để tù mù, tranh tối tranh sáng, bị dẫn dắt bởi ‘tổ lái này, tổ lái kia’… thì có ai dám tin, dám đầu tư. Nên mất chỉ là nhỏ, lợi lớn về dài về lâu”, ông Thịnh nói.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, sau khi các cá nhân như các ông Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn…bị khởi tố, mạng xã hội đã xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt, ý kiến trái chiều, đưa đến tâm lý hoang mang, bất ổn cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế các vụ án xảy ra ở các doanh nghiệp lớn được đưa ra ánh sáng đã thể hiện công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang được thực hiện quyết liệt, toàn diện, làm từ trên xuống, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Và, việc khởi tố các doanh nhân trên chỉ là xử lý cá nhân vi phạm luật pháp chứ không phải là “đánh chìm” doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có thương hiệu.
“Nhà nước tạo mọi điều kiện cho doanh nhân thể hiện, doanh nghiệp phát triển nhưng cũng yêu cầu phải tuân thủ luật pháp”, ông Long nói thêm.
Theo chuyên gia, việc bắt giam nhiều doanh nhân cộm cáncho thấy quyết tâm làm lành mạnh thị trường, trong đó có chứng khoán. (Ảnh minh họa: VnExpress)
Luật sư Truyền cũng chia sẻ, khi các doanh nhân đình đám bị khởi tố, bắt giam người ta đặt câu hỏi liệu có sự hoang mang, ảnh hưởng tâm lý của các lãnh đạo doanh nghiệp khác và nhà đầu tư hay không?
“Tôi cho rằng một thị trường non trẻ không tránh được những vấp váp. Muốn phát triển thì bắt buộc phải trả giá, chấp nhận câu chuyện cạnh tranh và học hỏi, trong quá trình đó có những nhân tố tốt, cũng không thể không có những nhân tố xấu”, ông Truyền nói.
Trước câu hỏi nhiều vụ việc sai phạm của doanh nghiệp, doanh nhân đã, đang và chắc chắc sẽ bị xử lý nhưng vì sao các sai phạm tương tự vẫn liên tiếp xảy ra, thậm chí càng về sau càng nghiêm trọng, phức tạp hơn? Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng ở bất cứ nền kinh tế nào cũng có những doanh nghiệp, doanh nhân cố tình vi phạm pháp luật. Nói là do lòng tham cũng đúng, nói pháp luật có kẽ hở để bị lợi dụng cũng không sai.
“Việc bắt và khởi tố, thậm chí phạt tù những đối tượng cố tình vi phạm pháp luật chính là biện pháp làm trong sạch thị trường, là tiếng chuông cảnh tỉnh rất lớn đối với các “cá mập”, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại đa số doanh nhân, doanh nghiệp chân chính, hoạt động lành mạnh, tuân thủ pháp luật”, ông Truyền nhìn nhận.
Ngăn “gỗ” thành “củi”, cách nào?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần đặc biệt lưu ý đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Việc chậm phát hiện sai phạm cho thấy các cơ quan chức năng chưa làm tròn vai trò giám sát của mình. Nhưng bên cạnh đó cũng cần nói đến câu chuyện cơ chế, còn có lỗ hổng pháp lý, tạo điều kiện cho người vi phạm.
“Nền kinh tế nào dù phát triển đến đâu cũng khó ngăn chặn được hoàn toàn các sai phạm. Chỉ có bằng quy định, chế tài pháp luật, doanh nghiệp sợ bị xử lý mà hoạt động đúng quy định của pháp luật. Và nếu không thực hiện đúng thì sẽ bị xử lý”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng bác bỏ quan điểm cho rằng doanh nghiệp “phải đi đêm”, phải “quan hệ”, muốn được việc phải biết “phép chia”. Theo chuyên gia, lập luận này là ngụy biện, có thể đúng với trước đây, khi nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường. Tính cạnh tranh không cao, công bằng, minh bạch chưa đến nơi đến chốn…dẫn đến tồn tại trạng thái xin cho. Nhưng bây giờ là thời điểm hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đã số hóa, hóa đơn điện tử, quản lý theo cơ chế thống nhất, thì việc quản lý công khai minh bạch là nguyên tắc đầu tiên của hoạt động thị trường.
“Hiện nay Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cũng như các hiệp hội, tổ chức cũng đấu tranh rất cương quyết để loại bỏ tình trạng sân sau, móc ngoặc giữa các người có chức quyền và doanh nghiệp để mà gây phương hại đến hoạt động của nền kinh tế, làm cạnh tranh mất công bằng.
Trong thời buổi hiện nay, doanh nghiệp xác định phải hoạt động đúng quy định pháp luật, nếu không công khai, minh bạch, thì sẽ lãnh hậu quả đầu tiên. Trên thực tế, doanh nghiệp làm ăn chân chính rất nhiều, đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Nên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhà đầu tư chính là bảo vệ lợi ích của đất nước”, ông Thịnh nói thêm.
Ngoài ra, cần hoàn thiện pháp luật, thức tỉnh đạo đức kinh doanh, gắn trách nhiệm xã hội với hoạt động kinh doanh, giúp doanh nhân có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. “Đất nước rất cần doanh nhân tâm huyết, có trách nhiệm để bảo vệ chủ quyền, lo cho đất nước. Do đó, chính sách cần trợ lực cho doanh nhân yêu nước, làm giàu nhưng có trách nhiệm với quê hương, làm đúng quy định của pháp luật. Những hành vi trục lợi, lợi dụng các sơ hở trong chính sách để lũng đoạn thị trường cần xử lý nghiêm”, ông Thịnh nói.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, không phải người kinh doanh nào cũng kiếm tiền bằng mọi giá. Nhưng để doanh nhân phát huy hết khả năng sáng tạo cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Khi đã có môi trường thuận lợi, doanh nhân sẽ không bị vướng bất cứ rào cản nào. Ngược lại, nếu họ vượt qua những lằn ranh pháp lý gây tổn hại đến thị trường, thì phải bị nghiêm trị theo quy định pháp luật”, ông Long nói.
Một điểm quan trọng nữa là cần nêu cao đạo đức của những người có chức vụ trong bộ máy công quyền, tránh tình trạng móc ngoặc, tiếp tay cho người vi phạm.
“Thực tế các vụ việc đã qua cho thấy không ít doanh nghiệp làm giàu bất chính có sự giúp sức từ những người có chức vụ trong bộ máy công quyền. Vậy nên việc giáo dục công vụ, giáo dục đạo đức cho công chức, viên chức rất cần thiết. Phải làm sao để họ không muốn vi phạm và không dám vi phạm. Muốn vậy ngoài cơ chế chính sách đúng, người đứng đầu cũng cần đầu tàu gương mẫu”, ông Long nói.
https://vtc.vn/doanh-nhan-gioi-ma-lam-can-som-hay-muon-cung-nem-trai-dang-ar677245.html