- Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất
- Huỷ lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh: Người mua liệu có mất tiền?
- Doanh nghiệp vốn 100 tỷ phát hành gần 16.000 tỷ đồng trái phiếu
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), đến cuối năm 2021, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang đạt gần 15% GDP, Chính phủ đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên mức 20% GDP vào năm 2025.
Đây là một trong những mục tiêu cụ thể được Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 54/2022 Ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.Trong đó, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế, phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao.
Theo đó, một trong những mục tiêu cụ thể được đưa ra lần này là tăng quy mô thị trường vốn ngoài tín dụng. Trong đó, nâng quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP và dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP.
Theo VBMA, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Từ khối lượng phát hành gần 238.400 tỷ đồng, dư nợ toàn thị trường đạt khoảng 475.160 tỷ đồng (8,6% GDP) năm 2018, thị trường này đã tăng nhanh lên trên 658.000 tỷ đồng khối lượng phát hành với dư nợ đạt trên 1,195 triệu tỷ đồng (14,75% GDP sau điều chỉnh) vào năm 2021.
Tuy nhiên, quy mô thị trường này vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP)…
Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã liên tục ban hành các quyết định xử lý với một số vi phạm liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian gần đây, đặc biệt là vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 lô trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng và thông điệp từ Thủ tướng Phạm Minh Chính về chấn chỉnh thị trường trái phiếu, đấu giá đất và chứng khoán cho thấy những quyết tâm “cải tổ” lại thị trường này.
Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng các giải pháp nhằm đa dạng các định chế tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo lãnh tín dụng, tổ chức tài chính vi mô, tổ chức tư vấn tài chính, dịch vụ kế toán, kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm.
Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng chính sách, pháp luật khuyến khích đầu tư mạo hiểm. Xây dựng Chiến lược tài chính đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2022.
Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan nghiên cứu báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm trình Thủ tướng giai đoạn 2022-2023.
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ đã đặt mục tiêu nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%.
Ngoài ra, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp. Trong đó, thiết lập, vận hành có hiệu quả Sàn giao dịch nợ với Công ty Quản lý tài sản (VAMC) là trung tâm thị trường.
Bên cạnh đó, Chính phủ đặt mục tiêu tất cả NHTM (không bao gồm nhóm yếu kém ) áp dụng Basel II.