Mấy ngày nay, vì Covid-19, chi phí đầu vào tăng cao nhưng công ty UBC cố bơm vốn để giữ giá, hỗ trợ đại lý và cũng là để tự cứu mình.
UBC là một công ty sản xuất TV nội địa trụ sở ở TP HCM đang kinh doanh ế ẩm vì Covid-19. Anh Đào Đặng Duy Huân, Phó tổng giám đốc UBC Việt Nam cho biết, do chuỗi cung ứng bị tổn thương, giá vật tư linh kiện đầu vào vừa tăng lại vừa khan hiếm. Anh quyết định bơm thêm vốn để tiếp tục nhập nguyên liệu, nhằm đảm bảo nguồn hàng giá ổn định khi hết dịch.
"Chúng tôi cắt giảm lợi nhuận, hỗ trợ thêm chi phí bán hàng cho nhà cung cấp để làm các chương trình kích cầu. Đồng thời, đẩy mạnh kênh online cũng như mở rộng thêm thị trường", anh Duy Huân nói thêm về hai giải pháp đi kèm, vừa tiếp sức cho đối tác nhưng cũng là để cứu chính mình.
Hay như Bình Anh (BA GPS) là một công ty điện tử chuyên về thiết bị và giải pháp định vị cho xe cộ trụ sở ở Hà Nội. Cuối tháng 2/2020, BA GPS tuyên bố hỗ trợ toàn bộ khách hàng với tổng số 150.000 phương tiện 25% phí dịch vụ giám sát hành trình tháng 2 và tháng 3 năm nay.
Chủ tịch Hội đồng quản trị của Bình Anh cho biết công ty này cũng chịu cảnh doanh thu giảm, nguy cơ một số bộ phận phải dừng hoạt động, và thêm chi phí phòng chống dịch. Tuy nhiên, công ty cho rằng đây là cách để "cùng vượt khó".
Theo Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, dịch bệnh đang khiến các doanh nghiệp vận tải và bến xe chịu tác động tiêu cực. Vận tải hành khách giảm khoảng 30-40%. Vận tải hàng hóa giảm khoảng 20-30%. Riêng vận tải hàng hóa xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc giảm đến 80-90%.
Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Văn Quyền cho rằng, thời điểm này, doanh nghiệp cần có hành động thiết thực, hỗ trợ giảm giá, phí để cùng vượt qua khó khăn. Bình An được ghi nhận là đơn vị đầu tiên của hiệp hội có động thái chia sẻ cụ thể.
Một tổ chức khác là Hội tin học TP HCM (HCA), do hạn chế tổ chức các sự kiện quy mô đông người như hội thảo, hội nghị vào mùa dịch, nên nghĩ ra ý tưởng hỗ trợ về mặt tư vấn, bằng các buổi ăn trưa trò chuyện quy mô nhỏ, diễn ra định kỳ 2 buổi mỗi tháng, từ tháng 3 đến hết năm.
"Chương trình này nhằm tăng kết nối, xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp trong, ngoài ngành công nghệ thông tin. Đây là dịp để doanh nghiệp chia sẻ thuận lợi, khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, các chuyên gia sẽ cùng nhau thảo luận để đưa ra những giải pháp công nghệ phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực", đại diện HCA cho biết.
Các tầng ăn uống trong Vạn Hạnh Mall, quận 10, TP HCM thưa vắng người vào tối 17/2. Ảnh: Viễn Thông. |
Phong trào "chung lưng đấu cật" cũng lan sang nhiều ngành nghề khác. Ở lĩnh vực bán lẻ, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lượt khách suy giảm, cũng đã có một số động thái. Hôm 5/3, Vincom công bố chi 300 tỷ hỗ trợ đối tác ảnh hưởng bởi Covid-19 đang kinh doanh tại 79 trung tâm thương mại Vincom trên toàn quốc.
Tỷ lệ hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng từng doanh nghiệp sẽ do Vincom đánh giá dựa trên mức độ bị ảnh hưởng của vùng và ngành kinh doanh. Bên cạnh đó, Vincom sẽ phối hợp tổ chức các chương trình kích cầu mua sắm lớn.
Trước đó, hôm 27/2, công văn ký bởi ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, viết rằng "đã đến lúc giá thuê mặt bằng phải được giảm xuống, chúng ta phải lùi lại một bước để tiến lên nhanh hơn".
Theo đó, Hưng Thịnh cho biết cũng quyết định giảm giá thuê mặt bằng trung tâm thương mại tại các khu căn hộ do tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư. Mức giảm trong khoảng 20-40%, thậm chí có thể giảm nhiều hơn, với thời gian linh động tùy diễn biến dịch.
Khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho biết, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp cho biết sẽ phá sản. Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì Covid-19, theo kết quả khảo sát, là du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ...
"Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch, giáo dục không thể ứng phó kịp khi đồng loạt không có khách hàng, hay các cơ sở giáo dục ngoài công lập không có học sinh đến trường", báo cáo của Ban IV nêu.
Công nhân làm việc trong một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Tân Đô, Long An ngày 29/2. Ảnh: Quỳnh Trần |
Ngay trong 6/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 11 với những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, chính phủ sẽ tung gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói tài khóa 30.000 tỷ và hàng loạt biện pháp khác để giúp doanh nghiệp vượt qua Covid-19.
Một trong những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là "bí" cả thị trường đầu vào - nhập khẩu nguyên liệu và đầu ra. Vì thế, Thủ tướng giao Bộ Công Thương có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế bất lợi, ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và Covid-19, doanh nghiệp nên cùng nhau cộng tác để khai thác những cơ hội như EVFTA trong bức tranh u ám.
"Doanh nghiệp nên liên kết với nhau, tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững để cùng nhận chung đơn hàng. Tôi biết việc hợp tác giữa các doanh nghiệp chúng ta có khó khăn nhưng có khách, đơn hàng là tốt, nên hãy cố gắng cùng nhau tiếp nhận", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh bình luận.
Viễn Thông
Chính phủ tung gói hỗ trợ 280.000 tỷ đồng cứu doanh nghiệp
Chính phủ sẽ tung gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói tài khóa 30.000 tỷ và hàng loạt biện pháp khác để giúp doanh nghiệp ... |
Nhiều doanh nghiệp sắp cạn nguyên liệu vì dịch COVID-19
Tại cuộc họp đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến các ngành sản xuất của Việt Nam chiều 26.2, ông Trương Thanh Hoài ... |
Dịch bệnh COVID-19 khiến doanh nghiệp taxi điêu đứng
Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 ngày càng lan rộng, nhất là trong lĩnh vực vận tải hành khách, đặc biệt là các doanh nghiệp ... |