Diễn viên đổ lỗi cho tác giả, đạo diễn đã phó mặc đời sống vở kịch cho sự may rủi
Có một thực tế nghiệt ngã đang diễn ra đối với diễn viên sân khấu kịch là không dễ tìm vai diễn hay, chưa nói đến vai diễn để đời. Thời hoàng kim của sân khấu kịch đã qua, ngay thế hệ tài năng được xem là những cái tên bán được vé cũng còn phải đỏ mắt tìm kiếm vai hay, nói gì đến thế hệ mới vào nghề đang phải đối mặt với nhiều áp lực.
Kịch bản nhạt nhẽo
Ngoài thanh sắc, niềm đam mê, thái độ lao động nghệ thuật, nghề diễn viên thời nay đang đối mặt với áp lực lớn là tìm vai diễn hay. Nếu cách đây 5 năm, sàn kịch còn đông khán giả, người xem tác động trực tiếp đến vở diễn thông qua lượng vé bán mỗi suất, sự tương tác này đốt cháy niềm đam mê sáng tạo đối với nghệ sĩ ngay từ bản thảo kịch bản của tác giả. "Ngày nay, đọc kịch bản nhạt phèo, nhà sản xuất cố đưa vào tập, nghệ sĩ chúng tôi phải "đắp da, thêm thịt" rất nhiều cho vai diễn, thậm chí chỉ còn cái tên nhân vật là của tác giả, tinh thần, cốt cách, tình huống khác hoàn toàn" - nghệ sĩ Hoàng Sơn bày tỏ.
Sân khấu đòi hỏi rất cao ở tài năng, kinh nghiệm diễn xuất của đội ngũ diễn viên. Thường thế hệ "nghệ sĩ vàng" của làng kịch đang độ "chín" nghề, dễ dàng hóa thân nhuần nhuyễn, đa dạng các nhân vật bằng những bài học tích lũy trong nghề và vốn sống trải nghiệm. Thế nhưng, ở thời điểm hiện nay, đa phần diễn viên "thế hệ vàng" lại không còn nhiều cơ hội thể hiện vai diễn để đời bởi nguồn kịch bản hay khan hiếm. Còn với dàn diễn viên trẻ, họ muốn được cống hiến lại càng không tìm được vai hay, bị liệt vào hàng "chai nghề", nguy cơ thất nghiệp đe dọa. "Bỏ công tập dượt và rồi vở diễn chỉ tồn tại vài suất là vấn đề nan giải hiện nay" - NSƯT Minh Hạnh bùi ngùi. Bà cho biết sân khấu kịch Rubik nơi bà đã dồn hết tâm trí cùng các diễn viên trẻ tham gia các vở diễn đã chính thức đóng cửa.
Cảnh trong vở kịch “Vua thánh triều Lê” của tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn - NSƯT Thành Lộc, một tác phẩm mang lại cho diễn viên nhiều vai diễn hay
Tay trái "nuôi" tay phải
Các diễn viên trẻ ngày nay không chỉ đắt sô đóng phim mà còn kiếm được khá nhiều tiền từ các công việc khác như quảng cáo, đi sự kiện, gương mặt đại diện... nhưng ở sàn diễn kịch nói, họ bói mãi cũng không ra vai hay. Nếu xem sàn kịch là nơi hình thành kinh nghiệm diễn xuất để đi vào chiều sâu tâm lý các vai diễn trong phim thì họ dễ bị "hổng chân".
Các diễn viên ở độ tuổi "chín" nghề lâu nay bám nghệ thuật để sống đang đối phó với thực trạng thiếu kịch bản hay bằng cách ứng biến một cách hợp lý, làm đủ mọi cách để vở diễn không chết yểu, vai diễn không bị nhạt nhẽo. "Vai nào cũng phải dốc toàn tâm thì mới nên hình, nên dạng" - NSƯT Hữu Châu nói. Anh cho biết có vai diễn trên kịch bản chỉ chừng 3 trang giấy nhưng để đời sống của nó chi phối cảm xúc khán giả, anh bị nó ám ảnh suốt thời gian tập. Sau những suất diễn đầu, anh nghe ngóng phản ứng khóc cười của người xem để tiếp tục điều chỉnh.
Theo NSND Hồng Vân, ngoài những diễn viên còng lưng nuôi nghề dù vai diễn chưa hay, cố tìm kiếm vai diễn để thăng hoa, không ít người bỏ hẳn nghề để làm công việc khác. Tất nhiên, có rất nhiều lý do khiến họ xa rời sàn diễn nhưng phần lớn là không thể chờ vai diễn hay, "còn vai làng nhàng xuất hiện chỉ làm tổn thương cho nghề. Chính vì thế, nhiều nghệ sĩ từ chối tham gia diễn kịch thời điểm này" - NSND Hồng Vân bộc bạch.
Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc nhìn nhận: "Ở tuổi sung sức làm nghề nhưng vì không có cơ hội cống hiến cho sàn diễn, nghệ sĩ buộc phải kiếm sống bằng công việc khác. Đó là tổn thất lớn của sân khấu kịch hôm nay. Những người yêu nghề vẫn bám trụ các sàn diễn cũng đang vất vả. Nếu lực lượng này còn gắn với sàn diễn, công chúng sẽ tìm đến, tác giả sẽ năng động hơn trong cách sáng tác. Bởi, họ tin đứa con tinh thần của mình sẽ có nhiều người chăm sóc, làm cho nó mạnh mẽ, tươi tắn".
Cũng theo NSƯT Trần Minh Ngọc, vai diễn hay không thể cứ tìm rồi sẽ có mà phải có chiến lược đầu tư, kích thích từ người sáng tác, nhà sản xuất, đạo diễn. Ở công đoạn cuối cùng là sự khám phá sáng tạo của người diễn viên, trong khi đó ta toàn làm ngược. Diễn viên vì thế nản, đuối sức rồi buông bỏ. Hệ lụy này càng khiến sàn diễn héo úa.
Dễ dàng thỏa hiệp với cái dở "Tôi thấy người làm kịch đang đứng trước sự dễ dàng thỏa hiệp với cái dở, cứ làm ẩu, làm cho xong chứ chưa nghĩ đến việc làm cho hay" - nghệ sĩ Thanh Thủy nói. Tuổi thọ vở diễn ngắn, vai diễn cũng ngắn theo. Cụm từ lương tâm nghề nghiệp giờ xa lạ lắm. Có diễn viên tên tuổi chỉ thích đúp vai, nghĩa là ai dọn mâm bát sẵn, anh chị ấy chỉ việc đến ăn. Ỷ vào cái tên nổi tiếng, bỏ thời gian tập dượt chạy game show, phim truyền hình, trước khi đến sàn diễn xem băng dĩa quay lại hôm phúc khảo rồi cứ thế mà "bươn". Tôi có một nhóm bạn, họ đi xem kịch, hỏi sao anh A, chị B diễn kỳ vậy, hình như không có tập. Rồi họ quyết định không đi xem nữa, dù là vé mời. Thế mới thấy nản cho tình hình kịch nghệ hôm nay!" - nghệ sĩ Tú Trinh tâm sự. |
Nam chính xuất sắc nhất Oscar 2018: Thiên tài biến hóa đỉnh cao
Gary Oldman được mệnh danh là thiên tài biến hóa với sự nghiệp đồ sộ cùng hàng loạt vai diễn khác biệt "một trời một ... |
Trường Giang kỳ vọng bứt phá trong phim mới \'Siêu sao siêu ngố\'
Mùa phim Tết 2018 ghi dấu sự trở lại của Trường Giang thông qua vai diễn kép trong tác phẩm điện ảnh “Siêu sao siêu ... |
"Ngọc Hoàng" Quốc Khánh khóc kể cú sốc lớn nhất đời mình
Là khách mời trong chương trình Hotface, nghệ sĩ Quốc Khánh - người nổi tiếng với vai diễn Ngọc Hoàng trong các chương trình Táo Quân ... |