Điều chỉnh quy hoạch Thủ đô Hà Nội - bức tranh đô thị sẽ thay đổi theo hướng nào?

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 (QHC1259) đến nay đã tròn 10 năm. Trong 10 năm qua, khi triển khai vào thực tế đã có những điểm không còn phù hợp dẫn đến nhiều lần phải điều chỉnh cục bộ. Do vậy, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch là cần thiết phải để đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô phát triển đồng bộ, hiện đại.

Điều chỉnh quy hoạch Thủ đô Hà Nội - bức tranh đô thị sẽ thay đổi theo hướng nào? ảnh 1

Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội sẽ có thêm 5 quận

Ông Lưu Quang Huy - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, định hướng triển khai trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Từng bước nâng cao chất lượng, môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị; bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai. Trong các định hướng chính được nêu ra có những nội dung đáng chú ý là yêu cầu về việc: Nghiên cứu lại mô hình cấu trúc đô thị để điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng khả năng phát triển mô hình “Thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc) và một số “Thị xã mới trong thành phố”.

Việc xác định cần có quy hoạch “thành phố trong thành phố” với một thành phố lớn như Hà Nội là rất cần thiết. Vấn đề này được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lý giải cụ thể. Theo định hướng QHC1259, Hà Nội được phát triển theo mô hình chùm đô thị: 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm. Theo Niên giám thống kê Hà Nội năm 2020 và theo tính toán của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, dân số tại khu vực trung tâm đã đạt khoảng 4,757 triệu người (tăng khoảng 1,009 triệu người so với định hướng đến 2020 và khoảng 151 nghìn người so với định hướng đến năm 2030).

Cần quy hoạch sân bay thứ hai ngay từ bây giờ

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhấn mạnh, thành phố rất cần thiết có sân bay thứ hai đáp ứng quy hoạch 150 triệu hành khách/năm. Sơ bộ khảo sát, phương án ý tưởng sẽ đặt ở phía Nam Hà Nội, nằm giữa vành đai 4 và 5, quy mô 1.300 ha. “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các thành phố khoảng 10 triệu dân sẽ có 2 đến 3 sân bay. Nếu để ngoài năm 2030 mới tính đến thì sẽ không có đất làm sân bay. Thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ hơn, cụ thể hơn” - ông Lưu Quang Huy nói. Các chuyên gia đều thống nhất về việc này và đề nghị Hà Nội nghiên cứu kỹ vị trí đặt sân bay thứ hai cho một tầm nhìn dài hạn, phù hợp với quy hoạch lâu dài để giảm tải cho sân bay Nội Bài cũng như tạo động lực phát triển cho khu vực mới.

Như vậy, dân số tại khu vực đô thị trung tâm hiện đã cao hơn ngưỡng khống chế quy định tại QHC1259. Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành đề án xây dựng quận đối với 5 huyện gồm Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trị, Gia Lâm, Đan Phượng. Dự báo tỷ lệ đô thị hóa sẽ khoảng 60-65%, phù hợp với định hướng QH1259 (đến năm 2030 đạt 68%). Tại khu vực Bắc sông Hồng, huyện Đông Anh và Gia Lâm là 2 trong số 5 huyện kể trên, tuy nhiên, hiện trạng tỷ lệ đô thị hóa của cả 5 huyện nói trên còn đang rất thấp, như huyện Hoài Đức chỉ đạt 2,4%, cao nhất là huyện Gia Lâm cũng chỉ đạt 15,7%, Đông Anh đạt 6,7%.

Các dự án phát triển đô thị chậm triển khai, sử dụng đất đại đô thị theo quy hoạch còn chưa hiệu quả, cho thấy nền tảng để hình thành quận tại các huyện này còn thấp. Theo phân tích từ nghiên cứu của Chương trình phát triển đô thị, khi thực hiện đề án lên quận của 5 huyện đến năm 2025 (kịch bản 2) thì tỷ lệ diện tích đất đô thị đạt khoảng 38% tổng diện tích toàn thành phố, tuy nhiên mật độ dân số sẽ càng loãng hơn và không đạt tiêu chí cơ bản về mật độ cho đô thị loại đặc biệt mặc dù việc nâng cấp huyện lên quận trên cơ sở địa giới hành chính sẽ đơn giản hơn về quản lý, vận hành.

Từ căn cứ đó, theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, việc phát triển khu vực Bắc sông Hồng là một giải pháp có thể được xem xét nhờ những ưu điểm và những lợi thế: Tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong việc kêu gọi đầu tư phát triển đô thị nhờ tỉnh độc lập tương đối so với đô thị trung tâm; Giảm áp lực về việc phải đảm bảo trong thời gian ngắn đáp ứng các tiêu chí đối với đô thị đặc biệt; Phân kỳ đầu tư theo lộ trình nâng cấp đô thị giúp giảm gánh nặng về nguồn vốn…

Một số yếu tố có thể được xem xét là đô thị cửa ngõ của thành phố Hà Nội trong cấu trúc hạt nhân của Vùng Thủ đô (gồm Hà Nội - Vĩnh Phúc - Bắc Ninh), sân bay gắn với các hoạt động logistics, hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, dự án Start city tại Đông Anh; trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia; các khu công nghiệp tập trung cơ bản đã được lấp đầy... “Đây là vấn đề mới, cần được xem xét và đánh giá kỹ trong quá trình nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch” - ông Lưu Quang Huy khẳng định.

Điều chỉnh quy hoạch Thủ đô Hà Nội - bức tranh đô thị sẽ thay đổi theo hướng nào? ảnh 2
Ý tưởng sơ bộ về sân bay thứ hai ở Hà Nội

Sông Hồng là trục xanh phát triển

Hà Nội cũng đặt ra định hướng nghiên cứu cấu trúc không gian, lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm phát triển. Phát triển cân đối không gian hai bên trục sông Hồng và phát triển phía Bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng để trở thành động lực phát triển. Khu vực sẽ có có quy mô khoảng hơn 11.000ha (bao gồm cả sông Hồng) có tính chất là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch và dịch vụ giao thông đầu mối.

Theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, các nghiên cứu trước đây về khu vực sông Hồng chưa thực sự đồng bộ dẫn đến các phương án đề xuất còn thiếu liên kết về các chức năng sử dụng đất, hệ thống giao thông, các phương án thoát nước và cơ sở xử lý nước thải. Từ đó Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu khu vực hành lang 2 bên sông Hồng như một thực thể gắn liền với các khu vực phát triển đô thị bên trong đê như một thực thể thống nhất không thể tách rời của đô thị.

Coi đê sông Hồng như một phần của cảnh quan, không phải là yếu tố chia cắt cảnh quan khu vực như hiện nay. Nghiên cứu đề xuất cơ quan chức năng có các quy định phù hợp để hỗ trợ chính quyền địa phương quản lý xây dựng đô thị tốt hơn, bổ sung các quy định để người dân có thể hoàn thiện xây dựng nhà ở hợp pháp để cải thiện hình ảnh đô thị trong các khu vực dân cư hiện hữu. Có thể xây dựng các tiện ích hạ tầng xã hội thiết yếu như nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để hấp dẫn người dân thành phố đến với khu vực sông Hồng, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đề xuất nghiên cứu ưu tiên các giải pháp để người dân có thể tiếp cận tối đa, tương tác với mặt nước. Bổ sung các tiện ích công cộng đô thị, văn hóa, dịch vụ, bổ sung bóng mát dưới nhiều hình thức để người dân có thể tiếp cận gần hơn và ở lại lâu hơn với mặt nước sông Hồng. Xây dựng các tuyến xe đạp, đường chạy bộ, đường dạo kết hợp với các tiện ích thể thao để đa dạng hóa các hoạt động liên quan đến dòng sông; cải tạo xây dựng các bãi nổi thành các công viên chuyên đề để tạo điểm nhấn hình ảnh đô thị.

Phát triển khai thác giao thông đường thủy nội địa hình thành hệ thống cảng hàng hóa kết hợp dịch vụ logistic tạo động lực phát triển kinh tế cho khu vực sông Hồng. Phát triển hệ thống cảng hành khách kết hợp các khu vực dịch vụ, các cụm trung tâm công cộng, kinh tế, thương mại, đầu mối giao thông công cộng liên kết với khu vực nội đô và kết nối 2 bên bờ sông tạo thành các điểm đột phá trong hình thức sử dụng bãi sông làm hạt nhân phát triển cho cả khu vực. Nghiên cứu hệ thống các cửa khẩu qua đê gắn kết với các trục giao thông vào thành phố.

Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch đường bộ, đến năm 2030 có 5.000km cao tốc Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch đường bộ, đến năm 2030 có 5.000km cao tốc

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến ...

Quy hoạch phải đi trước một bước Quy hoạch phải đi trước một bước

Ngày 19/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch.

/ anninhthudo.vn