Bỏ tiền đầu tư điện mặt trời mái nhà, nhưng người dân chỉ có thể bán cho EVN giá 0 đồng do cơ quan quản lý lo ngại "mất an toàn hệ thống".
Không mua là phù hợp với quy hoạch điện VIII
Trước dự thảo của Bộ Công Thương, trả lời VTC News sáng 10/12, chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, về phát triển điện mặt trời áp mái, trước đây Bộ Công Thương vốn có nhiều băn khoăn và chỉ triển khai cho một số đối tượng lắp đặt nhất định.
“Tuy nhiên, gần đây Bộ đã mở rộng ra cho nhiều đối tượng lắp đặt dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa, bởi ai cũng muốn tối ưu hoá bằng lắp công suất tối đa để bán lên lưới điện quốc gia”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Theo ông Long, việc Bộ Công Thương ban hành dự thảo và chỉ mua lại điện áp mái với giá 0 đồng là phù hợp với thực tế nhằm hạn chế người dân phát triển ồ ạt.
“Do hệ thống truyền tải điện của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nếu để phát triển quá nhiều. Do đó, bài toán đặt ra là muốn phát triển điện mặt trời áp mái phải đầu tư hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hệ thống truyền tải để khi tiếp nhận nguồn điện tái tạo không làm ảnh hưởng tới an toàn hệ thống”, ông Long nói.
Đồng tình với quan điểm này, trả lời VTC News sáng 10/12, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng, việc Bộ Công Thương đề xuất mua điện mặt trời mái nhà với giá 0 đồng cũng phù hợp với thực tế.
“Trong quy hoạch điện VIII từ nay đến 2030, ban đầu là không phát triển điện mặt trời vì đã được cân đối, tính toán một cách đầy đủ, phù hợp. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần phát triển điện mặt trời nên Chính phủ, Bộ Công Thương mới cho phép phát triển điện mặt trời áp mái nhưng theo nguyên tắc tự sản, tự tiêu và Nhà nước không mua lại”, ông Đình phân tích.
Tuy nhiên, một số người đã lắp đặt và sản lượng dư thừa muốn bán cho EVN.
"Vì hai bên giằng co thì Bộ Công Thương đã ban hành Dự thảo đồng ý mua lại điện áp mái dư thừa nhưng với giá 0 đồng, và thực chất 0 đồng tức là không mua. Nếu Nhà nước không mua thì người dư thừa điện mặt trời áp mái có thể bán cho bất kỳ ai ở xung quanh, muốn sản xuất bao nhiêu cũng được, muốn bán cho ai thì bán, đó là quy luật bình thường của thị trường. Nếu không bán được thì anh tự lưu trữ mà sử dụng”, chuyên gia Đào Nhật Đình nói.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác lại cho rằng, Bộ Công Thương đưa ra đề xuất nhưng không giải thích vì sao lại không cho phát lên lưới, và vì sao nếu phát lên lưới thì lại chỉ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng.
"Đáng ra, Bộ Công Thương nên giải thích để người dân thông cảm, song thực tế lại không nói gì. Như vậy, người dân không hề thấy ưu tiên hay khuyến khích làm điện mặt trời mái nhà, mà còn thấy phức tạp hơn”, một chuyên gia năng lượng cho biết.
Vị chuyên gia này cũng phân tích, Luật Điện lực vướng ở chỗ tất cả người đi bán điện dù 1 kW cũng phải có giấy phép hoạt động điện lực, có nghĩa là phải đăng ký công ty, có báo cáo tài chính, mã số thuế… Nếu bán điện cho người nào thì phải có giấy phép hoạt động điện lực.
Còn trong quy hoạch điện VIII, điện mặt trời mái nhà tới 2030 nối lưới được 2.600 MW. Thực tế bây giờ đã đạt con số này nên nếu thêm nhiều người đầu tư điện mặt trời mái nhà thì sẽ vượt công suất trong quy hoạch.
“Đề xuất này của Bộ Công thương rất an toàn vì đúng luật nhưng không thích hợp hoàn toàn, bởi lẽ chúng ta còn đang thiếu điện, dân lắp điện mặt trời để sản xuất, lại không cho phát lên lưới, không bán được thì rất lãng phí", vị này nói thêm.
Bộ Công Thương nói gì?
Trong khi đó, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, chủ trương khi xây dựng cơ chế về điện mặt trời mái nhà là không mua điện dư thừa của các tổ chức, cá nhân lắp đặt.
"Nếu mua, người dân sẽ lắp đặt nhiều, lắp đặt tràn lan. Khi đó sẽ mất cơ cấu tối ưu của cả hệ thống điện, có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Nếu người dân lắp đặt nhiều, lượng dư thừa nhiều, khi tất cả nguồn điện này đẩy lên hệ thống thì lưới không chịu nổi. Các nhà máy khác phải giảm công suất để nhường cho nguồn điện này… Vấn đề nằm ở chỗ phải đảm bảo an toàn lưới điện và ổn định của hệ thống điện, chứ không phải là kinh tế”, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nói.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng lưu ý tổ chức, cá nhân nên tính toán làm vừa đủ sản lượng tiêu thụ, hoặc ít hơn để chủ động và không lãng phí.
"Họ sẽ tính toán được sản lượng dùng bao nhiêu và nên lắp bao nhiêu cho phù hợp", vị đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nói.
Tại Dự thảo Nghị định mới đây, Bộ Công Thương đề xuất người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà tự dùng được kết nối với hệ thống điện quốc gia và bán sản lượng dư cho EVN, nhưng với giá 0 đồng.
Điện dư thừa cũng không được phép bán cho các tổ chức, cá nhân khác. Thậm chí, cơ quan soạn thảo còn dự kiến bổ sung quy định để người dân lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát lên hệ thống.
Nguyên nhân chính được Bộ Công Thương lý giải là lượng điện dư thừa có thể ảnh hưởng tới an toàn, an ninh hệ thống điện.
Hiện năng lượng mặt trời phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết nhưng đây là các yếu tố bất định. Khi không có bức xạ mặt trời (mây, mưa hoặc ban đêm), lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện.
Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định. Như vậy, theo Bộ Công Thương, cần phải có sự quản lý, giám sát của Nhà nước để đảm bảo vận hành an toàn.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng muốn kiểm soát tổng quy mô công suất trên cả nước theo Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng phê duyệt. Cụ thể, đến năm 2030, nguồn điện mặt trời mái nhà được tăng 2.600 MW. Đến cuối tháng 7, còn hơn 1.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 399,96 MW đã được liên kết với lưới điện chờ bổ sung vào quy hoạch.
"Do đó, tổng công suất còn lại được kết nối hệ thống từ nay đến 2030 chỉ còn khoảng 2.200 MW. Khi tổng công suất vượt 2.600 MW sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn điện của hệ thống", Bộ Công Thương nêu.