Điền kinh Việt Nam cần gì để lấy lại ngôi vương tại SEA Games?

Sau 3 kỳ SEA Games liên tiếp vượt mặt Thái Lan, điền kinh Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 2 khi tranh tài tại Campuchia.

Bất ngờ nhưng có thể lý giải

Dù SEA Games 32 chưa khép lại nhưng có thể khẳng định, Đoàn Thể thao Việt Nam chắc chắn sẽ cán đích ở một trong hai vị trí dẫn đầu với trên 100 HCV, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường.

Điền kinh việt nam cần gì để lấy lại ngôi vương tại sea games?

4 VĐV điền kinh Việt Nam ăn mừng chiến thắng tại nội dung 4x400 tiếp sức nam nữẢnh: Bùi Lượng

Tuy nhiên, một trong những môn thi đấu chủ lực là điền kinh không thể hoàn thành con số đặt ra ban đầu.

Cụ thể, các VĐV điền kinh giành 12 HCV trong khi đích ngắm là 14 HCV. Điều đó khiến điền kinh Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 2 tại đại hội năm nay, sau Thái Lan (16 HCV).

Đây được coi là bất ngờ bởi 3 kỳ SEA Games liên tiếp, Việt Nam đều cho người Thái “hít khói” ở môn thể thao này. Thậm chí, tại SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà, điền kinh Việt Nam giành tới 22 HCV trong khi Thái Lan chỉ có 10 chiếc.

Đâu là nguyên nhân khiến điền kinh Việt Nam tụt dốc? Đầu tiên phải kể đến là Việt Nam mất trắng 2 HCV do Quách Thị Lan (400m rào), Vũ Thị Ngọc Hà (nhảy xa) bị cấm thi đấu (sử dụng chất cấm ở SEA Games 31). 2 HCV nội dung 5.000m và 10.000m nam cũng mất do nhà đương kim vô địch Nguyễn Văn Lai từ giã sự nghiệp.

Bản thân nhiều nhà vô địch như Hoàng Nguyên Thanh (marathon), Võ Xuân Vĩnh (đi bộ nam), Nguyễn Tiến Trọng (nhảy xa), Lương Đức Phước (1.500m nam), Nguyễn Hoài Văn (ném lao), Phạm Thị Diễm (nhảy cao) thi đấu dưới kỳ vọng, không thể bảo vệ HCV.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia trong khu vực vươn lên mạnh mẽ. Tiêu biểu như Indonesia, giành 7 HCV trong khi kỳ SEA Games trước chỉ giành 2 HCV.

Theo TS. Dương Đức Thủy, nguyên Trưởng bộ môn điền kinh, Tổng cục TDTT, nhìn tổng thể, việc điền kinh Việt Nam đánh mất vị trí số 1 không hề bất ngờ.

“Chúng ta dường như có sự chủ quan, ngủ quên trên chiến thắng. Tôi thấy nhiều VĐV tuy đoạt HCV nhưng thành tích chưa tốt, chiến thuật còn thiếu hợp lý”, ông Thủy nói.

Ông Thủy cũng cho rằng, nhìn xa hơn, điền kinh Việt Nam vẫn chưa thể mở rộng các nội dung thế mạnh để cạnh tranh huy chương: “Trong nhóm tốc độ, chúng ta thống trị tuyệt đối các cự ly trung bình của nữ nhưng nam thì không.

Các cự ly ngắn chúng ta cũng yếu, chỉ có duy nhất HCV 100m rào nữ của Mỹ Tiên. Nhóm nội dung nặng như ném lao, ném tạ, ném búa hay kỹ thuật như nhảy xa, nhảy cao đã có thời điểm chúng ta vươn lên được nhưng thiếu ổn định, trồi sụt nên khó trông chờ”.

Cách nào lấy lại vị thế?

Những nguyên nhân khiến điền kinh Việt Nam xuống dốc đã được nhận diện, vậy làm sao để môn thể thao này lấy lại vị thế dẫn đầu khu vực, thậm chí là vươn tầm xa hơn trong tương lai? 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam chia sẻ, đội tuyển điền kinh dù đã nỗ lực nhưng không hoàn thành chỉ tiêu là điều đáng tiếc. Phía liên đoàn sẽ có cuộc họp chuyên môn để đánh giá, rút kinh nghiệm một cách toàn diện những thiếu sót tại SEA Games 32 trước khi có thể cung cấp thông tin cho báo giới.

Theo ông Thủy, những nhà quản lý điền kinh nên thẳng thắn nhìn nhận điểm yếu, tồn tại và tìm hướng khắc phục chứ không thể du di, đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Ngoài ra, phải nâng cao được chất lượng các HLV: “HLV điền kinh Việt Nam liệu có mấy người được đào tạo ở nước ngoài, nơi có nền thể thao phát triển mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc? Nếu HLV không thể cải thiện trình độ, tiếp thu cái mới, cái hay của thể thao thế giới, rất khó để nâng tầm VĐV”.

Một điểm quan trọng nữa, theo ông Thủy là cần thay đổi tư duy đào tạo từ cấp địa phương: “Tôi biết có địa phương họ chỉ quan tâm tới Đại hội Thể thao toàn quốc hay chỉ quan tâm tới SEA Games nên khi có một vài VĐV tốt là đã hài lòng. Như vậy sẽ rất khó cho tuyến trên. Để không bỏ sót nhân tài, cần đẩy mạnh xã hội hóa, không thể trông chờ vào ngân sách ít ỏi”.

Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Lưu nhận định, điền kinh Việt Nam cần nhìn lại phương pháp huấn luyện cho nam VĐV bởi đang có sự mất cân bằng nghiêm trọng.

“12 tấm HCV thì có tới 11 tấm có được nhờ công các nữ tuyển thủ. Ngay cả lứa kế cận, của nữ cũng sáng nước hơn nam. Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ, tìm ra giải pháp. Nếu nâng cao được thành tích của VĐV nam, điền kinh Việt Nam sẽ sớm trở lại ngôi đầu Đông Nam Á”, ông Lưu nêu quan điểm.

Cũng theo ông Lưu, bất kỳ môn thể thao nào nếu muốn nâng cao thành tích đều cần để VĐV cọ xát thường xuyên, điền kinh không phải ngoại lệ: “Hiện nay, VĐV của chúng ta chưa có nhiều giải đấu thực sự chất lượng để rèn quân, chuẩn bị cho mục tiêu SEA Games hay ASIAD. Phải thi đấu cọ xát với đối thủ mạnh, VĐV mới vỡ ra nhiều điều, tích lũy tốt cả về mặt chuyên môn lẫn bản lĩnh”.

Đội tuyển điền kinh được thưởng hơn 4 tỷ đồng

Với thành tích giành 40 huy chương, trong đó gồm 12 HCV tại SEA Games 32, đội tuyển điền kinh Việt Nam dự kiến sẽ nhận hơn 4 tỷ đồng tiền thưởng.

Riêng VĐV Nguyễn Thị Oanh, người giành 4 HCV, được thưởng 1 xe hơi trị giá hơn 900 triệu đồng, hơn 80 triệu thuế thu nhập cá nhân từ Tập đoàn THACO AUTO, một căn chung cư 700 triệu đồng và tiền mặt lên tới hơn 500 triệu đồng.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng chung tay thưởng đội tuyển điền kinh khoảng 1 tỷ đồng, ngoài ra đội tuyển điền kinh thưởng nóng các VĐV số tiền lên tới 500 triệu đồng.

Phần còn lại là tiền thưởng từ ngân sách Nhà nước cho các VĐV đạt thành tích cao (HCV 45 triệu đồng, HCB 25 triệu đồng và HCĐ 20 triệu đồng).

 https://www.baogiaothong.vn/dien-kinh-viet-nam-can-gi-de-lay-lai-ngoi-vuong-tai-sea-games-d591011.html

Gia Hưng / Giao thông