Với chủ đề “Làm chủ công nghệ - đột phá, vươn mình”, diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 (Vietnam-Asia DX Summit 2025, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, diễn ra tại Hà Nội hôm nay, 27-5.

Diễn đàn bàn thảo với các chuyên đề gỡ nút chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ, phát triển hạ tầng số, sản xuất xanh – thông minh; khai sức mạnh của AI, của tài nguyên dữ liệu số; hợp tác trong khu vực châu Á trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và biến động địa chính trị...
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT nhấn mạnh, diễn đàn không chỉ là nơi chia sẻ thông tin, mà là nơi tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đề xuất tháo gỡ chính sách, hướng tới mục tiêu làm chủ công nghệ, tạo ra những sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) cho người Việt với chi phí thấp nhưng chất lượng cao, tối ưu hóa tài nguyên dữ liệu số.
Với vai trò cầu nối, VINASA đã đề xuất Chính phủ ưu tiên đầu tư vào hạ tầng chiến lược như AI, bán dẫn, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực giáo dục tư nhân...

Tại phiên hội thảo chính, các đại biểu đưa ra sáng kiến thúc đẩy hợp tác công nghệ. Ông Stan Singh, Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á-châu Đại dương (ASOCIO) cho biết, các nền kinh tế khu vục châu Á-Thái Bình Dương xem công nghệ xanh là xu hướng hợp tác quan trọng.
Còn theo ông Junya Kawamoto, Chủ tịch Uỷ ban Hợp tác quốc tế, Hiệp hội Công nghệ thông tin Nhật Bản (JISA), Nhật Bản hiện có nhu cầu lớn trong phát triển ứng dụng AI trong y tế, giáo dục và sản xuất và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Chia sẻ về chiến lược công nghệ nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển đột phá trong kỷ nguyên AI, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT cho rằng cần có chiến lược tự chủ công nghệ, mà trước hết cần làm chủ công nghệ AI.
Tiếp theo là tự chủ dữ liệu, nhất là trong bối cảnh đang thiếu dữ liệu chất lượng, do vậy phải đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện các ngành y tế, giáo dục, hành chính công và khuyến khích chia sẻ nguồn dữ liệu công cộng, phục vụ cho nghiên cứu và phát triển.
Thứ ba là tự chủ hạ tầng AI – AI Factory, giúp rút ngắn thời gian thử nghiệm một ý tưởng AI từ 45 ngày xuống chỉ còn 1 ngày, mở ra tiềm năng lớn trong R&D và thương mại hóa công nghệ.
Thứ tư là đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D), cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước – doanh nghiệp – nhà trường.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam có hơn 1.000 doanh nghiệp công nghệ số đang xuất khẩu dịch vụ đến các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Australia, tạo ra doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.
Để thúc đẩy tăng trưởng chung, doanh nghiệp công nghệ châu Á có thể tập trung vào các nội dung hợp tác nghiên cứu công nghệ mới, ứng dụng AI tiên tiến trong các lĩnh vực y tế, sản xuất, tài chính; thiết lập chương trình trao đổi nhân tài xuyên biên giới.
Các doanh nghiệp công nghệ số chia sẻ hạ tầng và tài nguyên, như: Phát triển trung tâm dữ liệu, dịch vụ đám mây và nền tảng AI chung để hỗ trợ các dự án hợp tác…
Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam - châu Á kéo dài đến hết ngày 28-5.