Rác thải sinh hoạt, chai nhựa hay các phế phẩm trong việc chế biến cá tươi đều được xả ra bãi biển Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa dọc bãi biển khu phố Hải An và khu phố Hải Hà 1 (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) kéo dài nhiều năm khiến chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc xử lý.
Dân phải chuyển nhà đi nơi khác vì bãi biển đầy rác
Bãi biển thị trấn Long Hải là một trong những điểm phát triển du lịch và đánh bắt hải sản lớn nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Riêng khu vực cảng cá Long Hải có diện tích khoảng 18ha, được hình thành từ vài chục năm trước.
Rác chất thành đống dọc bãi biển thị trấn Long Hải, đây là khu vực diễn ra các hoạt động mua bán hải sản. (Ảnh: Khuất Nguyên) |
Ban đầu nơi đây là bãi bồi ven biển, nhiều người dân đã đến dựng trại thu mua hải sản, rồi tạo nên cảng cá tấp nập, nhộn nhịp ghe thuyền. Tuy nhiên, vì là cảng cá tự phát nên việc thu gom rác thải nhựa gặp nhiều trở ngại. Rác thải từ hoạt động mua bán hải sản và từ nhà dân cứ thế đổ trực tiếp ra biển gây ô nhiễm môi trường.
Những chiếc khẩu trang trong mùa dịch được vứt tràn lan dọc bãi biển. (Ảnh: Khuất Nguyên) |
Tại khu vực cảng cá Long Hải có khoảng 100 trại cá lớn, nhỏ mọc sát nhau. Người dân địa phương dựng nhà sống sát biển, rác thải loại nào cũng mang ra biển vứt để sóng đánh trôi.
Ghi nhận của PV VTC News chiều 23/11, dọc bãi biển khu phố Hải An đến khu phố Hải Hà 1 dày đặc rác thải. Từ thùng xốp, chai nhựa, túi nilon, bao tải đựng hải sản xếp ngổn ngang trên bãi cát. Phía sau các nhà dân và trại cá là những bãi “tập kết” rác, bốc mùi hôi thối.
Đủ loại rác thải ngay phía sau một trại cá. (Ảnh: Khuất Nguyên) |
Hiện các trại cá đã dừng hoạt động nhưng rác vẫn còn nhiều. Chị Nguyễn Thị Thanh Hoà (ngụ thị trấn Long Hải) cho biết, số rác này từ nhà dân vứt ra bãi biển, ngoài ra còn là rác từ các trại cá vứt xuống.
“Mấy nay chính quyền địa phương không cho trại cá làm nữa mới đỡ rác, chứ lúc trước toàn túi nilon, dơ và hôi lắm, không thể chịu được”, chị Hoà kể.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hoà đã phải chuyển nhà đến nơi khác vì không chịu nổi mùi hôi thối của rác thải. (Ảnh: Khuất Nguyên) |
Chị Hoà cho hay, trước đây sống tại khu phố Hải Hà 1, gần khu vực bãi biển nhưng vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng đến sức khoẻ gia đình nên gia đình chị đã dọn sang khu khác. Hiện tại, mỗi ngày chị Hoà vẫn xuống biển bắt ốc để mang ra chợ bán, nhưng không dám lại gần những khu vực đầy rác vì ám ảnh bởi mùi hôi thối.
Nước thải từ các cống của nhà dân và trại cá gây ô nhiễm vùng biển. (Ảnh: Khuất Nguyên) |
Cũng giống chị Hoà, anh Lê Văn Đông (ngụ thị trấn Long Hải) cho biết, là ngư dân đánh cá sống trong vùng nhưng rất ngán ngẩm mỗi lần ghe thuyền vào đến bãi biển.
“Đầy rác thải nhìn ghê lắm. Nhất là bao nilon xanh đỏ vứt đầy bờ biển. Chỉ mong sao chính quyền địa phương sớm dọn sạch vùng biển này để bà con yên tâm đánh bắt mà không sợ rác thải bao quanh”, anh Đông nói.
Chính quyền đau đầu xử lý rác thải
Không chỉ ô nhiễm rác thải nhựa, mà dọc bờ biển còn xuất hiện những dòng nước thải đen kịt, bốc mùi hôi thối thoát ra từ các cống rồi chạy thẳng xuống biển.
Theo ghi nhận, các cống này được người dân xây ngầm dưới mặt đất và đặt những ống dẫn để thải trực tiếp ra biển.
Khu vực bãi biển Long Hải có khoảng 100 trại cá mọc san sát nhau. (Ảnh: Khuất Nguyên) |
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết, liên quan đến thực trạng ô nhiễm bãi biển, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc xử lý bằng việc thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường huyện Long Điền. Đề án này đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt.
“Hàng tuần, hàng tháng chính quyền địa phương cũng cho đội ngũ công nhân vệ sinh, dọn dẹp bãi biển. Tuy nhiên cũng có trường hợp ban đêm người dân đổ trộm rác thải ra biển khiến chính quyền khó kiểm soát, xử lý”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, chính quyền địa phương cũng ra sức tuyên truyền nhưng ý thức của một số người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, tập quán của người dân sống ve biển nhiều năm qua “đều là như thế” nên dù có tuyên truyền nhiều thế nào thì cứ chiều tối người dân lại mang rác vứt xuống biển.
“Chính quyền địa phương cũng rất đau đầu với thực trạng rác thải này”, ông Hùng nói thêm.
Chính quyền địa phương rất "đau đầu" khi xử lý rác thải biển. (Ảnh: Khuất Nguyên) |
Trước đó, ngày 1/11/2021, UBND huyện Long Điền và lãnh đạo UBND thị trấn Long Hải đã tổ chức buổi đối thoại trực tiếp với chủ của 25 cơ sở chế biến cá tại cảng cá Long Hải để giải quyết vấn đề rác thải nhựa “tàn phá” bãi biển.
Tại buổi đối thoại, hầu hết các chủ cơ sở đều đồng ý với chủ trương di dời, giải tỏa khu vực này. Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, người lao động mất việc làm, không có thu nhập, nên các chủ cơ sở mong muốn địa phương tạo điều kiện cho hoạt động đến qua Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Rác thải nhựa, bao tải đựng rác, túi nilon được vứt tràn lan dọc bãi biển thị trấn Long Hải. (Ảnh: Khuất Nguyên) |
Các chủ cơ sở chế biến cá cũng mong muốn địa phương có chính sách hỗ trợ thoả đáng trước khi di dời, giải toả cảng cá. Đồng thời, mong muốn sắp xếp cho vào hoạt động tại các cơ sở do Nhà nước quản lý, có mặt bằng rộng rãi và chi phí rẻ để yên tâm kinh doanh.
Hiện tại vấn đề xử lý rác thải nhựa tại “điểm đen” bãi biển Long Hải vẫn đang được chính quyền địa phương thực hiện.