“Dị thường” mùa bão 2017

“Dị thường” mùa bão 2017 - ý kiến của một số chuyên gia khí tượng thủy văn (KTTV) trước hiện tượng năm 2017 xuất hiện quá nhiều cơn bão và càng về cuối năm cường độ của các cơn bão càng mạnh, trong đó, cơn bão số 16 Tembin được đánh giá là cơn bão trái mùa rất “dị thường”, di chuyển nhanh, phức tạp, đầy nguy hiểm.

di thuong mua bao 2017

Người dân xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) được lo ăn uống, chăm sóc sức khỏe trong những ngày đi tránh bão. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

20 cơn bão và áp thấp nhiệt đới/năm là bất thường!

Theo ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia - nếu như năm 2013 được cho là năm kỷ lục về số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông (với 13 cơn bão và 6 ATNĐ) thì năm 2017 đã vượt qua kỷ lục đó với 16 cơn bão và 4 ATNĐ. Theo nhận định của các chuyên gia KTTV, mùa bão năm nay kết thúc muộn, trong nửa cuối tháng 12.2017 và tháng 1-2.2018 vẫn có khả năng xuất hiện bão hoặc ATNĐ hoạt động trên khu vực phía nam Biển Đông. Ngoài ra, trong thời kỳ này, do hoạt động của rãnh áp thấp xích đạo, vùng biển nam Biển Đông có thể xuất hiện mưa dông mạnh kèm tố, lốc và gió giật. Khả năng cao mùa bão năm 2018 sẽ bắt đầu sớm ở khu vực bắc Biển Đông.

Chuyên gia KTTV - ThS Lê Thị Xuân Lan cũng cho rằng, chưa năm nào Việt Nam hứng chịu tới 20 cơn bão và ATNĐ. Đây chính là bởi ảnh hưởng của hiện tượng La Nina và biến đổi khí hậu. Điểm “dị thường” của bão số 16 Tembin là xuất hiện cuối năm, khi nền nhiệt độ cả trên biển và khí quyển ở vùng Biển Đông đã nguội lạnh, trong khi các cơn bão chỉ hình thành khi nhiệt độ trên 270C (ngày xưa là 26,50C đã đủ điều kiện hình thành bão).

Do ảnh hưởng của La Nina (bắt đầu từ tháng 10) khiến mưa bão dồn vào cuối năm và kéo dài. “Mùa bão năm nay “dị thường” đến mức, thậm chí qua đầu năm 2018 còn có 1 cơn bão nữa. Bão đầu năm 2018 đều được tính vào mùa bão 2017. Đây là một năm quá nhiều mưa bão với 16 cơn bão và 4 cơn ATNĐ trong khi trung bình mỗi năm trên Biển Đông có khoảng 12 cơn. Có những năm 10 cơn bão, 7 cơn ATNĐ, nhưng lên tới 16 cơn bão thì chưa bao giờ có” - bà Lê Thị Xuân Lan nhấn mạnh.

Theo cảnh báo của bà Lê Thị Xuân Lan, trung bình nhiều năm trên Biển Đông là 12 cơn bão và ATNĐ, nhưng năm nay đã lên tới 20 cơn và có thể còn có 1 cơn bão rất muộn ở đầu năm 2018 nữa. Với số lượng bão và ATNĐ nêu trên, thì mùa bão năm nay hết sức dị thường. Nguyên nhân bởi La Nina gây nhiều bão và nhiều mưa. Bên cạnh đó, “Yếu tố biến đổi khí hậu đã dẫn đến nhiều bão một cách quái dị và càng ngày trên Biển Đông thường xuyên xảy ra những cơn bão mạnh đến cấp 13-14 - điều mà trước đây rất ít” - bà Xuân Lan nhấn mạnh.

Bão số 16 có phải là bão trái mùa?

Bão số 16 xuất hiện vào cuối tháng 12 có được đánh giá là dị thường? Đường đi, cấp độ và khu vực đổ bộ của bão có gì khác biệt so với những cơn bão cuối mùa, đổ bộ vào khu vực Nam Bộ? Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa, hạn dài (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương) - cho biết: Thông thường, theo quy luật khí hậu mùa bão trên Biển Đông thường bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến khoảng cuối tháng 11, càng về cuối mùa xu hướng bão hoạt động dịch dần xuống phía nam, tuy nhiên có những năm bão vẫn còn xuất hiện trong tháng 12 (gọi cách khác là bão muộn).

Cơn bão số 16 năm 2017 cả về thời điểm xuất hiện cũng như cường độ rất mạnh như vậy là chưa từng xảy ra khi đi qua khu vực đảo Trường Sa và Huyền Trân vào đêm 24.12 đã quan trắc được gió mạnh cấp 11, gió giật cấp 14, ở trạm DKI/19 quan trắc được gió mạnh cấp 13, giật cấp 15.

Về cường độ, cơn bão số 16 được đánh giá là mạnh nhất từ trước đến nay so với số liệu quan trắc được. Theo thống kê cũng chưa có cơn bão hay ATNĐ nào đổ bộ thẳng vào đất liền khu vực Nam Bộ vào thời điểm tháng 12.

di thuong mua bao 2017
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát khu neo đậu tàu thuyền tại huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau). Ảnh: VGP

Chiều 25.12, sau chuyến kiểm tra thực địa tại vùng biển thuộc huyện Trần Văn Thời, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau về công tác ứng phó bão số 16.

Các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của bão đã di dời hơn 619.000 người, chằng chống 142.356 ngôi nhà. Riêng tỉnh Cà Mau đã kêu gọi, hướng dẫn đến nơi an toàn 3.319 tàu với 21.010 người. Ngoài ra có 145 tàu với 1.034 người đang tránh trú bão tại Malaysia và Thái Lan. Tỉnh cũng đã di dời 55.600 người, đồng thời cho học sinh nghỉ học; công nhân các nhà máy, xí nghiệp nghỉ làm việc từ sáng 25.12; hỗ trợ người dân chằng chống 89.361 ngôi nhà. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Cà Mau tiếp tục theo dõi sát diễn biến của bão, chủ động khắc phục hậu quả của bão khi có thiệt hại xảy ra; đảm bảo an toàn cho người dân sau bão. Phó Thủ tướng tin tưởng với tinh thần như vậy sẽ hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.

Cũng trong ngày 25.12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã thị sát và trực tiếp chỉ huy công tác phòng, chống bão tại Sóc Trăng, Bạc Liêu. Sau khi biểu dương các tỉnh có phương án phòng tránh bão tốt, Phó Thủ tướng đề nghị không được chủ quan lơ là, tuyệt đối bảo vệ tính mạng, tài sản người dân.

Các tỉnh vùng ĐBSCL huy động toàn lực lượng phòng tránh bão. Mọi kịch bản đều được áp dụng, từ: Kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, sơ tán dân, hướng dẫn dân chống chắn nhà cửa cho tới hỗ trợ cho người dân chỗ nơi trú bão đều được thực hiện. Đến tối 25.12, thông tin bão không đổ bộ vào đất liền tại khu vực bán đảo Cà Mau làm mọi người thở phào nhẹ nhõm. Tất cả lại chuẩn bị cho công việc mới: Di dời dân về nơi ở cũ; giúp dân khắc phục những thiệt hại do ảnh hưởng bão đi qua.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Hoàn tất di dời dân và tàu thuyền để sẵn sàng ứng phó bão số 16

Ông Nguyễn Ngọc Trường - Trưởng phòng Kinh tế TP.Vũng Tàu - cho biết, đến 12h ngày 25.12 công tác di dời dân, các phương tiện tàu thuyền đã hoàn tất. TP.Vũng Tàu đã di dời 1.586 hộ (gồm 6.426 người dân) ở các khu vực nhà ven biển, ven núi. Đưa 1.474 tàu cá vào các khu neo đậu và đưa 9.063 người lên bờ tránh bão. Tại các lồng bè thủy sản trên sông, các lực lượng chức năng đã vận động trên 1.500 người dân lên bờ tránh bão, trong đó phải cưỡng chế 207 người buộc rời bè lên bờ.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có thông báo hỏa tốc chỉ đạo các trường học cho học sinh nghỉ học trong ngày 25- 26.12, UBND các phường, xã tạm ngừng các công việc hành chính, tập trung cho công tác phòng chống bão, các chợ tạm ngừng hoạt động. UBND các xã, phường khẩn trương di dời dân tại các khu nhà tạm không kiên cố, nhà ven kênh không đảm bảo an toàn, di dời dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi an toàn trước 12h trưa.

Trong ngày 25.12, ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và đoàn công tác của Cục Hàng hải Việt Nam đã đến Trạm VTS (Núi Nhỏ) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III để kiểm tra công tác trực ứng phó bão số 16 (Tembin).

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Côn Đảo, tính đến ngày 25.12, huyện đã kêu gọi 100% tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Côn Đảo vào nơi trú ẩn an toàn; 100% khách du lịch có mặt trên đảo đã được di dời đến nơi tránh trú bão an toàn. Những trường hợp không di dời, lực lượng chức năng cũng tiến hành cưỡng chế. Huyện Côn Đảo cho biết, địa phương đã chuẩn bị một lượng lương thực đủ cho 7.000 dân, du khách, ngư dân vào tránh bão 16 Tembin trong 7 ngày tại các địa điểm nằm trong phương án di dời dân đến tránh trú.

Hàng không huỷ hàng loạt chuyến bay vì bão Tembin

Do ảnh hưởng của cơn bão số 16 (tên quốc tế là Tembin), Vietnam Airlines (VNA), Jetstar Pacific (JPA) và VASCO (0V) thông báo huỷ hàng loạt chuyến bay trong ngày 25.12.

Theo đó, VNA hủy toàn bộ các chuyến bay trong khung giờ từ 12h40 - 20h30 trên các đường bay giữa Hà Nội/TP.Hồ Chí Minh - Phú Quốc (VN1236/1237/1826/1827/1828/1829) và Hà Nội - Cần Thơ (VN1204/1205). Các hành khách bị ảnh hưởng trên các chuyến bay này sẽ được bố trí đi trên các chuyến bay ngày 26.12.2017. Trong khung giờ 15h - 23h ngày 25.12, các chuyến bay đến/đi từ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được điều hành linh hoạt theo ảnh hưởng thực tế của cơn bão và cập nhật liên tục trên website, Facebook chính thức của VNA.

TP.Hồ Chí Minh: Không chủ quan dù bão 16 được dự báo đang suy yếu

Tại huyện Cần Giờ - huyện có biển duy nhất tại TPHCM, đến trưa 25.12, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 16 cơ bản đã hoàn tất. Ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ Tịch UBND huyện Cần Giờ - cho biết, hơn 5.000 người dân đã được di dời đến khu vực an toàn, các phương tiện hoạt động trên biển; các điểm phục vụ du lịch cũng bị cấm. Các công tác liên quan đến đảm bảo hạ tầng như giao thông, điện, nước, hoạt động sản xuất cũng đã được chỉ đạo, rà soát, cảnh báo và tổ chức thực hiện nhằm giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ...

Thành phố cũng đã cấp cho huyện Cần Giờ 1 điện thoại vệ tinh để liên lạc và nhận chỉ đạo khi có sự cố. Ngoài ra, Tổng Công ty Điện lực thành phố cũng đã hỗ trợ cho huyện Cần Giờ các trạm máy phát dự phòng để sử dụng khi hệ thống điện có sự cố. Trong đó riêng tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, ông Trần Văn Thanh - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Thạnh An - cho biết, trong số 333 tàu thuyền của bà con ngư dân có 20 tàu đánh bắt xa bờ. Khi có lệnh của UBND thành phố, địa phương cùng bộ đội biên phòng đã hướng dẫn đưa 313 tàu thuyền nhỏ vào neo đậu an toàn, 18 tàu đánh bắt xa bờ cũng về bến neo đậu, riêng có 2 tàu thông báo đã cập bến an toàn tại Vũng Tàu. Toàn xã cũng có 822 người thuộc diện bắt buộc di dời khi có bão. Để người dân an tâm khi di dời, các lực lượng gồm công an huyện, xã, bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương tổ chức tuần tra canh gác thường xuyên để đảm bảo tài sản cho người dân di dời. Ngoài ra, địa phương cũng chuẩn bị hơn 3,5 tấn gạo, hơn 2.000 gói mì ăn liền, 9.500 lít nước uống đóng chai, hơn 1.300m3 nước sinh hoạt để đáp ứng nhu cầu của bà con trong 3 ngày tạm di dời tránh bão. Khi người dân đến các điểm tập kết sẽ được ăn uống đầy đủ, có bác sĩ thăm khám sức khỏe, các em nhỏ được phát thêm sữa để đảm bảo dinh dưỡng.

Trước diễn biến bão Tembin có xu hướng lệch nam, ít có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp lên địa bàn Cần Giờ, ông Thanh cho biết địa phương không chủ quan, vẫn tiếp tục tiến hành công tác đảm bảo an toàn cho người dân đến khi nào hết bão.

Mặc dù ngày 24.12, Sở GDĐT TPHCM có thông báo toàn bộ giáo viên, sinh viên, học sinh các trường ĐH, cao đẳng, trung học, tiểu học, mầm non nghỉ học từ 12h ngày 25 đến hết ngày 26.12 để tránh bão Tembin; tuy nhiên, do tình hình bão diễn biến phức tạp, sáng 25.12, UBND TPHCM phải ra công văn khẩn cho học sinh nghỉ học ngay trong buổi sáng cùng ngày. Theo ghi nhận, ngay trong sáng 25.12, nhiều phụ huynh đưa con đến trường nhưng nhà trường thông báo nghỉ. Tại một số trường vẫn nhận học sinh, tuy nhiên phụ huynh vừa đến chỗ làm lại nhận được tin nhắn quay lại trường đón con. Một số trường khác thông báo đón con từ 10h sáng... Tại TPHCM từ sáng sớm 25.12 đã diễn ra mưa nhỏ, kèm gió giật nhẹ kéo dài đến đầu giờ chiều thì tạm dứt.

di thuong mua bao 2017 Có một “cơn bão” quét qua chúng ta từng giờ

Cơn bão Tembin như con quái vật đe doạ sự chết chóc, ai cũng quan tâm theo dõi từng bước đi hung dữ của nó, ...

di thuong mua bao 2017 Nước mắt người miền Trung

Bão số 12 vừa đi qua, đôi chân rã rời của triệu người miền Trung lại phải cuống cuồng, hối hả chạy lũ.

/ Lao động