Đi qua dấu cổng làng

Theo lệ thường cứ chớm ra giêng ngày rộng tháng dài là các cụ bô lão làng lại họp ở nhà Tả Mạc đình bàn những chuyện hệ trọng cho năm. Lạ kỳ họp này lại rơi vào cuối đông Đinh Dậu. Chuyện bàn năm nay lạ mà quen. Ấy là việc nên xây lại cổng làng dù làng đã lên phường.

Vài năm nay vào tuổi, nên tôi cũng được can dự. Ngồi nghe người già bàn về cổng làng mà tôi chạnh buồn.

Ngày xưa, làng tôi cũng như bao làng ở vùng châu thổ sông Hồng dù to, dù bé thì xung quanh làng đều được hàng tre xanh mướt bao quanh. Không biết tre được trồng từ bao giờ mà khi tôi lớn lên đã thấy tre quanh làng chỗ nào cũng thành bụi, thành khóm trùng điệp, ngút ngàn.

di qua dau cong lang

Cổng làng được xem là hồn cốt của làng.

Hàng tre ấy dân gọi là luỹ. Ý ví tre ấy như thành như luỹ bảo vệ, tạo ranh giới cho làng. Chia cương thổ phân biệt làng này với làng khác. Tre quen thuộc, thân thương ấy từ ngàn đời đã là một thứ luỹ mà lửa đốt không cháy, người dù có bắc thang cũng không trèo qua nổi, lấy câu liêm- thứ đồ chuyên để phá thành, phá tường cũng không kéo đổ. Sau luỹ tre lại đến những hào, những ao chỉ trừ mùa đông mưa ít nứơc cạn. Dân tát kiệt nước, phơi bùn bắt cá dành ăn tết.

Giữa đường viền trùng trùng hết lớp tre này già lại có lớp măng khác mọc lên để ken dầy giữ cho luỹ tre làng ngày càng dầy thêm, chắc chắn thêm lại có những khoảng trống hở ra. Những khoảng trống ấy thường nằm ở bốn mặt, ứng với bốn phương của làng được gọi là cổng làng.

di qua dau cong lang

Cổng làng xưa được xây cất nên để phân biệt, ranh giới làng nọ với làng kia. Chốn người ở và nơi đồng ruộng hai vụ chiêm mùa, xen vào vụ màu thêm rau, thêm củ…

Cũng như cổng nhà, cổng làng ngày xưa được chăm chút, xây cất kỹ càng theo cốt cách, hồn cốt của làng như một bộ mặt mà khách thập phương nhìn vào đấy có thể biết văn hoá, tập tục của làng là vậy.

Cổng làng bao giờ cũng có hai tầng. Tầng một là hai cánh cổng bằng gỗ tốt, nặng chịch để sáng mở cho nông phu trong làng ra đồng cầy cấy, gặt hái. Xẩm tối, trống thu không vang lên. Khi mặt trời đã lặn sau dẫy Tam Đảo lúc đó chỉ còn lờ mờ mấy tầng mây phủ, với mảnh trăng huyền treo cao, cùng cánh chim mải miết về tổ thì hai cánh cửa gỗ lại đóng lại, cài then bằng thanh gỗ dài như chiếc đòn càn. Làng lúc đó ngoại bất nhập, nội bất xuất. Tầng trên xây như một cái gác chuông nhỏ cho trai đinh trong làng luân phiên nhau ngồi trên đó canh chừng giặc giã, thảo khấu đột nhập vào làng. Hễ động rạng gì thì rúc tù và, nổi trống ngũ liên báo cho làng chuẩn bị đối phó.

Làng Chèm của tôi là làng Đại Việt cổ nên việc xây cổng ở bốn phía nơi mặt làng là việc dĩ nhiên. Khi tôi đã vào tuổi choai choai thì luỹ tre bốn mặt làng tôi vẫn xanh rậm rì, thân tre các lớp vẫn ken vào nhau vang lên tiếng kẽo kẹt.

Dưới gốc tre kề bên hào sâu chiều về mẹ con nhà cuốc đen xì vẫn thoăn thoắt rúc bụi để rồi vào hè lại vang lên tiếng “luốc cuốc cuốc” rộn ràng, nồng nã của cuốc mái gọi chồng về trước khi trăng mọc. Ngọn tre vươn ra cong vút, rập rềnh đùa rỡn gia đình nhà cò láo xáo chia nhau vài con tép vừa mò được dưới đồng sâu. ..

Cánh cổng làng thường bằng lim, thân cổng xây gạch. Cậu tôi hồi còn sống kể lại rằng. Hồi xây chiếc cổng đại ở Đại Đồng cậu tôi còn thấy dân phu hồ ở làng có thể làm ăn trí trá ở đâu không biết nhưng đã nhận xây cổng cho làng thì thận trọng từ việc rửa từng hòn gạch trước khi đặt vào mạch. Cháo, mật trộn vào vữa phải chọn. Cháo không khê, không loãng quá, không đặc quá. Mật cũng vậy, phải chọn loại mật đầu mẻ, trong suốt, không vón cục. Xây xong, đứng xa nhìn thấy toà cổng làng sừng sững, vững vàng, oai nghiêm như pháo đài cổ. Còn câu đối chữ nho, hay chữ ta hai bên cổng nhất nhất nghe các cụ tư văn trong làng để đắp chính xác từng bộ chữ, cái ngoặc lên, dấu phẩy. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng mỗi khi đi qua những nơi cổng làng tôi giờ đã thành phế tích tôi vẫn như nghe rõ từng tiếng một lời đọc mấy hàng câu đối của cậu giảng cho tôi.

Ở cổng Dốc Bạc mặt hướng ra đường cái quan đôi câu đối tiếng Hán ghi “Đạo cộng xa thư Âu Á hội /Địa truyền văn hiến tích kim dân” (đạo lý cùng văn hoá, học vấn Âu, Á hội tụ lại. Mảnh đất lưu truyền văn hiến tích tụ trong lòng dân đến ngày nay). Tiếc tác giả của câu đối này giờ không ai nhớ. Mặt hướng vào làng lại là đôi câu đối chữ nôm do Hàn lâm công phụng Tú tài Lê Duy Tý soạn “muốn giong xe ngựa nâng cao cổng /Tiến tới văn minh mở rộng đường”. Cổng dốc chợ Trong thì đắp đôi câu đối bằng chữ nôm do Tổng sư tổng Mậu hoà, Hoài Đức Hà Đông Hoàng Thúc Đáng soạn phác hoạ khá rõ những nét phong đăng hoà cốc của kinh tế làng Chèm tôi một thời. “Trên chợ, dưới sông, buôn bán từ nay thêm thuận lợi/Cao tường kín cổng, đi về lối cũ lại khang trang”.

Thế rồi hai cuộc chiến tranh, một cuộc cải cách ruộng đất và sửa sai đi qua. Không hiểu vì lẽ gì các cổng mang đầy chữ nghĩa biểu tượng văn hoá, văn hiến làng tôi bị phá sạch. Đến độ dân làng tôi chua chát nói thành tục ngữ “tổng hổng như cổng làng Chèm”.

Mỗi bận từ phố về làng đều phải qua làng Vẽ, cứ thấy chạnh lòng. Những chiếc cổng rêu phong, cổ kính, uy nghiêm của làng này vẫn còn đó. từ dốc Nhật Tảo, ngược lên ngõ Ngách, ngõ trường Vẽ, ngõ Ngấn, ngõ Chùa …Cây đinh lăng cao ngất đến thế hệ tôi học vẫn đọng câu chuyện Liêu Trai về nàng trinh nữ bị ép duyên trèo lên ngọn cây thả mình vẫn còn nguyên để mùa những đoá lan cánh chẽ bảy, chẽ ba vàng xuộm vẫn toả hương ngan ngát…

Vậy mà làng tôi... Cổng làng chẳng còn một một chiếc. Bói cả làng không còn một cành tre là đà. Nhà mái ngói vẩy xộp đã trôi vào quá khứ, chỉ còn trong tâm tưởng của những kẻ hoài cổ. Những nhà ống lênh khênh kệch cỡm chen nhau với những thùng nước trắng loá. Tôi đứng lặng trước cổng nhà ông ngoại - chiếc cổng cổ cuối cùng của làng Chèm dấu yêu của tôi mà thấy lòng nao nao.

Cổng làng tôi đâu rồi. Những câu đối của một căn làng “địa truyền văn hiến tích” đâu rồi.

Chỉ còn tiếng gió buổi chớm xuân đang hun hút trôi qua cổng Dốc Bạc một thời tôi đã ngập ngừng, bồn chồn đợi cô hàng xóm vào một tối xuân năm nảo năm nao.

di qua dau cong lang Cuộc đua cổng làng

Cổng làng mới khánh thành ở xã Diễn Hoàng (Nghệ An) cao 4,8m, rộng 5,5m, trị giá 4 tỷ đồng.

di qua dau cong lang Kết hôn ở ban công của nàng Juliet

Du khách có thể tổ chức lễ cưới ở ban công lãng mạn được cho là nơi nàng Juliet từng hẹn hò với người tình ...

/ http://danviet.vn