Suốt 10 năm, Ngô Văn Hiếu cõng người bạn khuyết tật đến lớp mỗi ngày bất kể nắng mưa. Ước mơ của Hiếu là đỗ Đại học Y Hà Nội.
Suốt 10 năm, Ngô Văn Hiếu cõng người bạn khuyết tật đến lớp mỗi ngày bất kể nắng mưa. Ước mơ của Hiếu là đỗ Đại học Y Hà Nội.
Nhưng thật không may, em bị thiếu 0,25 điểm và điều đó chắc chắn sẽ làm em rất buồn. Cảm động trước việc làm của em Hiếu, nhiều người đưa ra ý kiến đề xuất Đại học Y Hà Nội cần có cơ chế đặc cách cho nam sinh Ngô Văn Hiếu, thậm chí có những ý kiến khá gay gắt quy về câu chuyện đạo đức. Ngược lại, Hiếu đã lựa chọn Đại học Y Thái Bình, em không sử dụng 10 năm cõng bạn để mưu cầu một cơ hội vào Đại học Y Hà Nội. Tôi tin ở Hiếu, bởi một khi em đã biết chia sẻ đôi chân của mình cho người bạn kém may mắn, thì em cũng hiểu rằng để trở thành bác sĩ giỏi, điều đầu tiên ngay khi bước vào giảng đường y khoa em phải đi trên chính đôi chân của mình.
Là một cựu sinh viên Đại học Y Hà Nội, tôi hiểu rằng mỗi kì thi tuyển sinh của ngôi trường mà tôi đã học, đó là việc tuyển nhân tài cho quốc gia, là công bằng xã hội, là lợi ích sống còn của học sinh và gia đình, nhưng vượt lên tất cả đó chính là vấn đề sinh tử của người bệnh; vì thế mà Đại học Y Hà Nội luôn là trường thi đầu vào khó nhất.
Với nhiều người, con số 0,25 điểm là rất nhỏ so với 28,9 điểm chuẩn, nó càng trở nên vô cùng nhỏ nếu đặt vào hoàn cảnh Ngô Văn Hiếu 10 năm cõng bạn đi học. Nhưng chúng ta cần biết rằng, đơn vị tính điểm xét tuyển vào Đại học Y Hà Nội tối thiểu là 0,05 điểm, nghĩa là thí sinh chỉ thiếu 1 phần 20 điểm sẽ bị loại.
Nói cách khác: khoảng cách về trình độ học vấn chỉ chênh nhau 0,05 điểm. Tôi dám chắc, với những thí sinh thi vào Đại học Y Hà Nội có điểm cận kề điểm chuẩn, khi các em nhìn thấy những bạn khác điểm thấp hơn nhưng lại vượt qua mình bằng con số điểm ưu tiên, đó thực sự là ác mộng.
Đại học Y Hà Nội là một trường danh tiếng. Bất kì ai chọn theo con đường y khoa, cũng đều mơ ước được học ở ngôi trường này, nhưng không dễ dàng để toại nguyện. Rộng hơn câu chuyện của Hiếu, sự ưu tiên bằng điểm số cho ngôi trường này liệu có tạo ra sự công bằng?
Công bằng trong kì thi tuyển sinh đại học không chỉ là công bằng về kết quả điểm số, mà còn bao hàm công bằng về điểm xuất phát, công bằng trong quá trình thi cử. Do sự khác biệt về vùng miền, khác biệt về trình độ học vấn và tầng lớp xã hội, mỗi đối tượng học sinh lại nhận được các nguồn lực giáo dục khác nhau. Để công bằng trong các kì thi tuyển sinh đại học, những thí sinh có điều kiện khó khăn hơn sẽ được ưu tiên cộng điểm, làm như vậy sẽ giúp các em có cơ hội phấn đấu đạt được kết quả học tập như các học sinh bình thường khác.
Từ những lý do đó, tôi hoàn toàn đồng ý để có công bằng trong tuyển sinh đại học thì cần phân chia những đối tượng được ưu tiên điểm số, nhưng đi kèm với sự phân chia đó là những trường đại học phù hợp. Kiến thức sẽ thay đổi vận mệnh, học sinh càng có hoàn cảnh thua thiệt càng mong kiến thức để thay đổi vận mệnh. Kì thi tuyển sinh đại học sẽ là cuộc cạnh tranh cần đòi hỏi có sự công bằng nhất trong cuộc đời, nhưng hành trình theo đuổi tri thức của nhiều học sinh lại gập ghềnh hơn bình thường, sẽ thật không công bằng khi nói về sự công bằng lại bỏ qua sự khác biệt về xuất phát điểm giáo dục.
Nhưng với Đại học Y Hà Nội thì khác, theo tôi, sự công bằng trong kì thi tuyển đầu vào phải ở mức cao hơn. Điều quan trọng nhất với thí sinh thi đại học là điểm số. Với chỉ tiêu vào trường Đại học Y Hà Nội có hạn, sẽ không công bằng nếu thí sinh này bị trượt, nhưng nhiều thí sinh khác điểm số thấp hơn lại trúng tuyển vì được cộng điểm ưu tiên, trong khi điểm số thấp hơn ấy vẫn đủ để vào các trường đào tạo y khoa khác.
Ở bậc đào tạo đại học, cần thiết phân biệt hỗ trợ điểm số với hỗ trợ điều kiện học hành. Để đào tạo bác sĩ giỏi, theo tôi Đại học Y Hà Nội phải vượt lên trên việc quẩn quanh hỗ trợ điểm số, làm sao để thí sinh nghèo bước vào ngôi trường danh giá này chỉ cần hỗ trợ sách vở, hỗ trợ học phí và học bổng, chứ không phải hỗ trợ bằng điểm để vượt qua những bạn xuất sắc hơn mình.
Tốt nghiệp đại học y khoa mới chỉ là bước khởi đầu trên con đường học tập, bởi người bác sĩ phải học suốt cuộc đời, học và học không ngừng nghỉ. Người tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội sẽ được coi là khởi đầu tốt hơn. Tuy nhiên, quá trình học tập và rèn luyện sau đó mới quyết định trình độ và tay nghề của người bác sĩ, nên rất nhiều người tốt nghiệp các trường y khác đã trở nên xuất chúng. Và ngược lại, tôi cũng chứng kiến không ít bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội sau đó bị tụt lại phía sau, thậm chí trong số đó có những người học khá tốt ở thời kỳ đại học.
Tôi và tất cả mọi người ai cũng quý mến và khâm phục em Ngô Văn Hiếu, đặc biệt là trái tim nhân hậu, ước muốn và sự quyết tâm với lòng tự tôn của em. Hiếu đã chia sẻ đôi chân của mình cho bạn trong suốt 10 năm, thì em sẽ không bao giờ đánh đổi điều đó để lấy 0,25 điểm làm cơ hội riêng cho mình, rồi phá vỡ sự công bằng đã được thiết lập. Mọi người trong chúng ta đều muốn làm điều tốt đẹp cho Hiếu, nhưng vượt lên cảm tính thì điều cần làm nhất là để Hiếu đi trên chính đôi chân của mình, Đại học Y Hà Nội không đặc cách trường hợp của Hiếu cũng là điều cần thiết.
Trần Văn Phúc