Đền bù và dự án

Theo dự kiến chương trình làm việc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, vào ngày đầu tuần, sáng thứ hai 13/11 tới đây, đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đồng thời Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sẽ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu. Tất nhiên những vấn đề liên quan tới giao thông vận tải không chỉ có dự án Long Thành.

den bu va du an
Quảng cáo mua bán đất tại khu vực quy hoạch xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Ảnh: Tuổi trẻ).

Khi thảo luận tại tổ, ngày 27/10, nhiều ĐBQH đã cho ý kiến về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đây là một “siêu dự án” đã và đang tiếp tục nhận được nhiều ý kiến. Bên cạnh đó, tình hình “sốt đất”, “đầu cơ đất” tại khu vực làm dự án cũng đang rất nóng.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô thu hồi đất lớn với khoảng 5.585ha.

Tổng cộng có khoảng 4.864 hộ gia đình với gần 16.000 nhân khẩu và 26 tổ chức sử dụng đất sẽ bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án.

Tổng mức giải phóng mặt bằng cho dự án này là hơn 23.000 tỉ đồng (trên 1 tỉ USD), theo đó ngân sách trung ương đảm bảo bố trí đầy đủ để thực hiện thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án.

Trong đó, 18.000 tỉ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hơn 4.000 tỉ xây dựng khu tái định cư. Cùng đó là gần 480 tỉ đồng dùng để tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không và 388 tỉ đồng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân.

Thảo luận tại tổ về nội dung này (ngày 27/10), nhiều ĐBQH cho rằng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa bao quát hết phạm vi, đối tượng bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án.

Theo đó, cần phân biệt rõ sự khác biệt về cơ chế bồi thường với cơ chế hỗ trợ; làm rõ phương án phục hồi sản xuất và thu nhập cho người dân tái định cư, đặc biệt là phương án bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ tái định cư nông nghiệp.

Ông Lê Thanh Vân (ĐBQH đoàn Cà Mau), bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (ĐBQH đoàn TP HCM), bà Vũ Thị Lưu Mai (ĐBQH đoàn Hà Nội) cho rằng, khu tái định cư phải chia ra nhiều nhóm dân cư, như nhóm hình thành dân cư đô thị, nhóm không thích nghi được bởi sinh hoạt, sản xuất truyền thống.

Có khu dân cư chỉ có đất sản xuất, đất vườn, trong khi họ đang là nông dân, đưa vào tái định cư khu vực có tính chất đô thị hoặc trở thành đô thị sẽ khó thích nghi trong sản xuất và đời sống.

Nói như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thì nếu làm không tốt việc đền bù, thiệt thòi nhất vẫn là người dân. Phương án phục hồi sản xuất và thu nhập của người dân đã được nêu rất ‘’suôn sẻ’’ trong báo cáo, nhưng thực tế thì đất nông nghiệp bị thu hồi và số lao động làm nông nghiệp là rất lớn.

Vậy chuyển đổi nghề cho họ ra sao? Nếu không giải quyết tốt có thể dẫn đến thiệt hại ‘’kép’’- bà Tâm nêu vấn đề.

Còn ông Dương Trung Quốc (ĐBQH đoàn Đồng Nai) thì lưu ý, việc di dời người dân là tạo mặt bằng xây dựng công trình nhưng cũng phải xây dựng không gian văn hóa, không gian đô thị trước và phải đền bù quyền lợi thích đáng cho người dân.

Một ĐBQH khác cũng thuộc đoàn Đồng Nai, ông Hồ Văn Năm lại đề nghị cân nhắc nguồn kinh phí thực hiện, nhất là không thể giao hết cho địa phương (UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư dự án).

Cùng đó, ông Năm cho rằng giá bồi thường hỗ trợ tái định cư cho dân cũng cần phải tính toán rất cụ thể: giá bồi thường trung bình áp giá theo giá nhà nước, thực tế tham khảo áp giá so với giá thị trường thì chênh lệch quá lớn nên khó tránh khỏi việc dân phản ứng.

Nói như ông Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH đoàn TP HCM) thì đây là một dự án lớn, đụng tới diện tích đất đai lớn nên rất dễ gây xáo trộn xã hội, mâu thuẫn và xung đột.

Theo ông Nghĩa, Báo cáo nghiên cứu khả thi cần làm rõ hơn việc xây dựng các khu tái định cư có kết hợp kinh doanh hay không? Nguồn thu từ kinh doanh này sẽ được sử dụng thế nào? Tác động ra sao tới người tái định cư?

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng từ năm 2005. Sau nhiều lần “nâng lên đặt xuống”, vấn đề được nhiều ĐBQH băn khoăn nhất là đền bù giải phóng mặt bằng.

Những băn khoăn ấy cũng chính là vì dân, chia sẻ khó khăn với những người thuộc diện bị thu hồi đất. Một công trình lớn, nhất là một cảng hàng không quốc tế hiện đại, được xây dựng thì đương nhiên địa phương đó được hưởng lợi.

Nhưng trước mắt, cuộc sống của những đối tượng bị thu hồi đất làm dự án sẽ đảo lộn, gặp không ít khó khăn. Nhiều người sẽ phải bỏ nghề nghiệp cũ để chuyển sang nghề mới kiếm sống, trong khi chưa rõ tương lai ra sao. Tới một chỗ ở mới cái gì cũng mới, rồi đường xá, trường học, bệnh viện thế nào...

Rất nhiều vấn đề phải được giải quyết. Vì vậy mới nói, không chỉ đền bù là xong; không phải nhận tiền đền bù là xong vì tiếp đó là bộn bề công chuyện.

Ở một đối tượng khác, đối tượng tái định cư, cũng gặp những khó khăn không kém người nhận tiền đền bù. Hy vọng trong buổi làm việc sáng 13/11 tới đây của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ làm các ĐBQH phần nào yên tâm về vấn đề này.

Tuy nhiên, việc của ngành giao thông vận tải (hoặc liên quan trực tiếp tới ngành này) không chỉ có vậy. Thời gian qua, dư luận rất nóng chuyện các trạm thu phí BOT cố tình xây dựng sai vị trí nhằm “tận thu”.

Đã có quá nhiều phản ứng từ phía người tham gia giao thông, trong đó có cả việc dừng xe hàng đoàn dài trước trạm, dùng tiền lẻ trả phí... khiến giao thông ách tắc, đẩy căng thẳng lên cao. Việc giá phí của những trạm BOT này quá cao cũng không nhận được sự đồng tình của xã hội.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành nhiều thời gian bàn về dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Chưa nói đến chuyện đền bù giải phóng mặt bằng, chỉ dừng lại ở việc nguồn tiền từ đâu ra đã không dễ trả lời.

Giao thông được ví như mạch máu trong cơ thể. Không thể để “vón cục”, ùn tắc. Xây dựng những công trình giao thông lớn là tất yếu để phát triển đất nước nhưng làm sao để “thông đồng bén giọt” lại không đơn giản.

Trở lại với việc đền bù giải phóng mặt bằng trong Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ở đây cùng với việc giá đền bù, phương thức đền bù..., thì việc giám sát là rất quan trọng.

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua việc đền bù giải phóng mặt bằng có không ít tiêu cực, từ đó dẫn tới khiếu kiện đông người, khiếu kiện kéo dài. Vậy, có thể hy vọng gì ở lần triển khai “siêu dự án” này khi đền bù để lấy đất xây dựng sân bay?

den bu va du an Cơn sốt đất Long Thành: Đủ kiểu "bánh vẽ", khách hàng cảnh giác kẻo mất tiền oan

Thông tin về quy hoạch về cảng hàng không quốc tế Long Thành đã khiến nhà nhà, người người tìm về Long Thành mua đất ...

den bu va du an Có hay không việc cán bộ đầu cơ đất dự án sân bay Long Thành?

Các cơ quan chức năng cho biết, hiện vẫn chưa xác định được có hay không việc các cán bộ đầu cơ đất dự án ...

den bu va du an TP.HCM lên tiếng tin đồn con lãnh đạo sở hữu 1.000 ha đất Long Thành

Chánh Văn phòng UBND TP.HCM khẳng định, thông tin về việc con của Phó giám đốc sở giáo dục có 1.000 ha đất Long Thành ...

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/den-bu-va-du-an-385461

/ Nam Việt/daidoanket.vn