Đền bù tai biến y khoa: Chưa có tiền lệ, lúng túng giải quyết

Tai biến y khoa là điều không mong muốn nhưng không thể tránh khỏi. Khi tai biến y khoa xảy ra việc đền bù cho các nạn nhân theo quy định chưa có và ngành y tế đang phải đối mặt với “trách nhiệm” đền bù cho bệnh nhân sau tai biến y khoa nếu lỗi thuộc về nhân viên y tế.

den bu tai bien y khoa chua co tien le lung tung giai quyet

Bệnh nhân tai biến chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình may mắn sống sót được chuyển về BV Bạch Mai, Hà Nội điều trị.

Lúng túng

Vụ đòi bồi thường sau tai biến y khoa “nổi” nhất đến thời điểm này trong ngành y tế là vụ việc bệnh nhân Trịnh Quang Sơn, 55 tuổi, ở TPHCM được các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chẩn đoán bị “rò động mạch chủ xoang hang”, chỉ định mổ vào tháng 8.2015. Tuy nhiên, 4 giờ sau phẫu thuật ông Sơn rơi vào trạng thái lơ mơ và một ngày sau thì bị tai biến khiến ông sống gần như thực vật.

Sau khi ông Sơn rơi vào tai biến, gia đình ông đã đòi bệnh viện này bồi thường hơn 23 tỉ đồng. Số tiền “khủng” này có lẽ là “vô tiền khoáng hậu” trong một vụ kiện mà nền y tế Việt Nam ghi nhận. Sự việc phải nhờ sự can thiệp của toà án nhưng cũng chưa có hồi kết.

Cũng liên quan đến đền bù tai biến y khoa, 8 gia đình nạn nhân trong vụ tai biến chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình xảy ra tháng 5.2017 cũng đang cầu cứu các ban ngành giải quyết. Sáng 29.5, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở BV đa khoa tỉnh Hòa Bình đột ngột có dấu hiệu bất thường. 8 người lần lượt tử vong. Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân do nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo.

Sau sự việc trên, giữa BV đa khoa tỉnh Hoà Bình và các gia đình nạn nhân đã nhiều lần đối thoại để thống nhất mức bồi thường. Tuy nhiên, cả hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Trong đơn kiến nghị gần đây nhất gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Phạm Ngọc Thảo - đại diện gia đình các nạn nhân cho biết: “Các gia đình nạn nhân không đồng ý với mức bồi thường của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình đưa ra, với mức cao nhất là 242 triệu đồng, thấp nhất là 136 triệu đồng. Về phía các gia đình nạn nhân yêu cầu mức bồi thường là 250 triệu đồng/nạn nhân”.

Trong đơn kêu cứu lần này, các gia đình nạn nhân tha thiết mong Bộ trưởng Bộ Y tế dành thời gian xuống tận nơi xem xét tình hình cụ thể cũng như nhanh chóng giải quyết sự việc. Các gia đình cũng mong nhận được câu trả lời từ phía cơ quan chức năng về trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong vụ việc.

Cũng theo gia đình các nạn nhân, ông Lê Xuân Hoàng, Phó giám đốc Sở Y tế Hoà Bình, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình sau khi về đảm nhận công việc phụ trách tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình đã mời gia đình các nạn nhân đến làm việc. BV đã hứa chi trả 2 khoản: Một là đền bù tổn thất tinh thần, hai là trợ cấp cho các thành viên đang ở tuổi vị thành niên. BV sẽ trả 2 khoản trên trước, còn về mai táng phí, BV và các gia đình sau khi thống nhất sẽ chi trả sau. Tuy nhiên, sau đó, sự việc không được giải quyết vì có vướng mắc trong thủ tục.

BV đa khoa tỉnh Hoà Bình cho rằng: BV đang chờ hướng dẫn bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền trong việc bồi thường đối với 8 gia đình và kết luận của cơ quan điều tra. Trong trường hợp không nhận được hướng dẫn bằng văn bản, BV sẽ phải nhờ tòa án giải quyết theo luật định. Sự cố y khoa xảy ra tại BV sẽ có các cá nhân và tổ chức trong và ngoài bệnh viện chịu trách nhiệm trước pháp luật theo kết quả của các cơ quan điều tra. BV đa khoa tỉnh Hoà Bình với trách nhiệm của mình đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình trong việc khắc phục hậu quả của sự cố hợp với đạo lý, đúng với pháp luật.

Cái khó của BV đa khoa tỉnh Hoà Bình là tổng số tiền hỗ trợ các gia đình nạn nhân quá lớn. Theo yêu cầu của các gia đình là 2 tỉ đồng. BV không có quỹ để chi trả.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Điều hành hãng Luật Giải phóng cho rằng: BV đa khoa tỉnh Hòa Bình là đơn vị sự nghiệp công lập, kinh phí hoạt động được quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. BV được áp dụng cơ chế tự chủ, có nghĩa rằng họ có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của đơn vị sự nghiệp công. Phải lấy các nguồn thu tài chính của đơn vị, vốn vay, viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật để chi trả cho các khoản chi liên quan đến bồi thường thiệt hại từ hoạt động của đơn vị mình.

Đã 6 tháng trôi qua sau tai biến hy hữu tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình, sự việc vẫn chưa kết thúc khi các bên chưa thể thống nhất mức bồi thường.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo một chuyên gia y tế, y tế cũng được coi là một dịch vụ. Bệnh nhân không cảm thấy hài lòng với dịch vụ y tế đều có quyền khiếu kiện bệnh viện hoặc nhân viên y tế. Ngược lại, nhà cung cấp dịch vụ y tế cũng có quyền nhận cung cấp hoặc từ chối cung cấp dịch vụ y tế cho những khách hàng đến với mình.

Tuy nhiên, Việt Nam y tế chưa hoàn toàn được coi là dịch vụ. Cả bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân và nhân viên y tế đều chưa có ý thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình khi khám chữa bệnh. Từ đó nảy sinh khá nhiều mâu thuẫn không đáng có giữa hai bên.

Hiện Việt Nam chưa có quy định về mức hỗ trợ khi xảy ra tai biến y khoa, nên mức hỗ trợ sẽ tùy mức độ, thoả thuận giữa BV và gia đình bệnh nhân. Cũng đã có BV nghĩ tới việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho cán bộ BV.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện chưa quy định về đền bù cho các ca tai biến y khoa. Trong điều trị khám chữa bệnh, rủi ro y khoa là điều khó tránh khỏi và không ai mong muốn. Trong khám chữa bệnh khó có thể đòi hỏi các bác sĩ chữa được tất cả các loại bệnh. Bác sĩ phải là người biết người, biết ta, khám chữa bệnh theo đúng chuyên môn của mình thì tai biến y khoa sẽ giảm.

Hiên nay, Chính phủ mới chỉ ban hành Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại khi sử dụng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch. Tùy theo mức độ di chứng mà có những mức bồi thường khác nhau. Cụ thể, thiệt hại do để lại di chứng dẫn đến khuyết tật được bồi thường 30 tháng lương cơ sở và các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút.

Còn với người bị thiệt hại tính mạng sau tiêm vaccine, ngoài việc bù đắp tổn thất về tinh thần là 100 triệu đồng cho thân nhân của người bị thiệt hại và các chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút theo quy định, họ cũng được hỗ trợ các chi do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trước khi tử vong; chi phí mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Tai biến y khoa là điều không ai mong muốn nhưng cũng không thể không xảy ra. Khi mà tai biến y khoa chưa có quy định mức đền bù, việc tìm được tiếng nói chung giữa 2 bên là cần thiết. Khi mà 2 bên không tự thoả thuận được mới buộc phải nhờ tới bên thứ 3.

den bu tai bien y khoa chua co tien le lung tung giai quyet Hậu vụ 8 bệnh nhân chết ở BV: Vô cảm tới mức nhẫn tâm

Có thể, yêu cầu đền bù của gia đình các nạn nhân là cao so với suy nghĩ của lãnh đạo BV Đa khoa Hòa ...

den bu tai bien y khoa chua co tien le lung tung giai quyet Bất đồng về mức bồi thường 8 bệnh nhân chết do tai biến chạy thận Hòa Bình

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình không đồng ý bồi thường 250 triệu đồng cho mỗi bệnh nhân đã tử vong như các gia ...

/ Lao động