Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, khi xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 49, Tổ soạn thảo của Tổng cục Đường bộ đã không hiểu bản chất sự việc và trong quá trình thực hiện đã có sai sót không đáng có, dẫn tới phản ứng của dư luận.
Chiều 17/5, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp với Tổ soạn thảo Dự thảo sửa đổi Thông tư 49/2016 về trạm thu phí sử dụng đường bộ.
Tại cuộc họp, người đứng đầu ngành GTVT đã phê bình nghiêm khắc tổ soạn thảo, khi đưa vào rồi lại rút ra đề xuất liên quan khoảng cách tối thiểu giữa các trạm thu phí đường bộ khiến dư luận phản ứng.
“Do hạn chế về năng lực nên Tổ soạn thảo không dám cung cấp thông tin cho dư luận đầy đủ, cũng không báo cáo để cung cấp thông tin cho báo chí. Đây là sự yếu kém của nhóm thực hiện, ứng dụng máy móc” – Tiền Phong dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
Cũng tại cuộc họp, ông Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ kiểm điểm Tổ soạn thảo và xác định rõ nguyên nhân việc đưa ra rồi lại rút lại đề xuất khoảng cách trạm thu phí tối thiểu. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm để xử lý cá nhân, đơn vị liên quan.
|
|
Tổng cục Đường bộ bị phê bình vì quy định cự ly trạm thu phí. Ảnh: Thanh niên |
Về đề xuất bỏ quy định khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm thu phí đường bộ trên cùng 1 tuyến đường phải 70km, ông Thể cho rằng, quy định này nay đã không còn phù hợp. Do đó, ngay từ đầu Tổ soạn thảo thông tư sửa đổi không nên đưa vào dự thảo.
Ông Thể lý giải, do việc thu phí chỉ thực hiện trên các dự án BOT, trong khi những dự án này chỉ được thực hiện trên các tuyến đường mới, không phải đường độc đạo (Nghị quyết 437 của Quốc hội). Do đó, người dân có quyền lựa chọn tuyến đường để đi, nên quy định về khoảng cách trạm thu phí không cần thiết nữa.
Theo ông Thể, thông tư 159 của Bộ Tài chính mới là văn bản quy định khoảng cách giữa các trạm là 70 km, trong trường hợp dưới khoảng cách đó thì phải có thỏa thuận của Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu không làm BOT trên đường độc đạo, đường cũ nên quy định khoảng cách không còn ý nghĩa. Bộ GTVT sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo này và chỉ xây dựng dự án BOT trên các tuyến đường mới để cho người dân, doanh nghiệp có sự lựa chọn.
Ông Thể đặt câu hỏi: "Bộ không chỉ đạo quy định nội dung này trong Thông tư, vì lý do gì mà Tổng cục Đường bộ đưa vào dự thảo, tạo nên sự hiểu lầm trong xã hội rằng Bộ quay lại mở rộng và lập trạm trên đường cũ?”.
Lý giải về dự thảo trên, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó tổng cục trưởng Đường bộ nói, Tổng cục thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng về nghiên cứu, ban hành tiêu chí đặt trạm thu giá đường bộ. Việc đưa quy định khoảng cách 70 km vào dự thảo lần một là trên cơ sở nhắc lại Thông tư 159 của Bộ Tài chính.
Không đồng tình với cách trả lời này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi: Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông và Bộ hoàn toàn không yêu cầu Tổng cục về nội dung đó. Bộ không yêu cầu, tại sao Tổng cục lại đưa quy định này vào?
Ngoài ra, theo ông Thể, Bộ đang chuyển từ trạm thu giá thủ công sang thu giá tự động nên nội dung của thông tư này cần tập trung làm rõ các điều kiện quản lý trạm thu giá tự động, trách nhiệm các bên trong việc xử lý sự cố, trong việc bảo trì bảo dưỡng đảm bảo chất lượng đường cũng như trong việc quyết toán các dự án.
Được biết, Dự thảo Thông tư 49 được đưa ra lấy ý kiến từ tháng 2/2018 và việc dự thảo 2 đã rút một số quy định về khoảng cách trạm thu giá cũng như lấy ý kiến của Hiệp hội Vận tải đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Truy trách nhiệm tổ soạn thảo thông tư về trạm thu phí BOT
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ kiểm điểm đơn vị, cá nhân đưa nội dung "trạm thu phí phải cách nhau tối ... |
Bỏ khoảng cách 70km, dân sẽ càng “ngộp thở” với trạm BOT giao thông
Bộ GTVT đang đưa ra lấy ý kiến lần hai cho dự thảo Thông tư 49 qui định về xây dựng trạm BOT giao thông ... |
Vũ Đậu (T/h)