- Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thi công cao tốc Bắc - Nam tại Bình Định
- Thiếu vật liệu, cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ chậm tiến độ
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với 12 dự án thành phần đi qua 12 tỉnh, tổng chiều dài 729km, tổng mức đầu tư gần 146.990 tỷ đồng. Riêng đoạn qua địa phận Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài 126,79km; tổng mức đầu tư trên 24.282 tỷ đồng.
Để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tỉnh Quảng Bình có 3.117 hộ gia đình bị ảnh hưởng; trong đó có 603 hộ dân thuộc diện tái định cư; 3.044 ngôi mộ cùng rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời.
Ngày 4/4, theo Sở Giao thông -Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Bình cho biết, để triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện quyết liệt, đưa ra nhiều giải pháp, biện pháp trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng, đến nay Quảng Bình là một trong những địa phương đi đầu trong việc giải phóng, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Để bảo đảm tiến độ của dự án, bàn giao 100% khối lượng mặt bằng cho các chủ đầu tư trước ngày 30/6/2023, tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục rà soát tình hình tiến độ thực hiện dự án, để có những chỉ đạo kịp thời. Theo đó, đến nay, công tác trích đo hiện trường đã được các huyện, thành phố, thị xã hoàn thành 100%, kiểm đếm tài sản trên đất đạt 99,8%. UBND các huyện cũng đã ban hành 75 quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và đã chi trả hơn 513 tỷ đồng cho các hộ dân, đạt hơn 73%.
Về kết quả bàn giao mặt bằng, tổng chiều dài các đoạn tuyến đã bàn giao cho các Ban Quản lý dự án (QLDA) là 74,86km, đạt 59,04%, do vướng một số tài sản chưa được thu hồi, một số vị trí còn đang tranh chấp. Về phương án khu tái định cư, hiện có 3.117 hộ gia đình bị ảnh hưởng; trong đó, có 603 hộ dân thuộc diện tái định cư. Trên cơ sở này, các huyện đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 23/27 khu, 4/27 khu còn lại đang lập quy hoạch chi tiết; đã lựa chọn nhà thầu xây lắp đối với 2/27 khu, trình thẩm định dự án đầu tư đối với 6/27 khu và đang lập dự án đầu tư với 15/27 khu. Đối với các khu nghĩa trang, UBND cấp huyện đã bố trí 14 khu với diện tích là 57,24ha cho 3.044 ngôi mộ tại 12 xã và đã phê duyệt quy hoạch chi tiết đối với 12/14 khu nghĩa trang.
Về di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, UBND các huyện Quảng Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thuỷ đã hoàn thành công tác chỉ định thầu đơn vị di dời, hoàn trả đối với các tuyến đường dây điện cao thế. UBND cấp huyện đã có các văn bản gửi Bộ GTVT báo cáo phương án di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Đối với việc di dời các công trình hạ tầng xã hội, các công trình tại địa phận huyện Bố Trạch đang được đơn vị tư vấn khảo sát, lập dự án để di dời, hoàn trả; đối với các công trình thuộc địa phận thị xã Ba Đồn, hiện Ban QLDA 6, đơn vị tư vấn thiết kế chưa thống nhất ranh giới đô thị để xác định việc cắm mốc lộ giới, vì vậy, chưa có cơ sở để thực hiện di dời, hoàn trả và tổ chức giải phóng mặt bằng.
Về giải ngân nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), năm 2022, các địa phương đã hoàn thành công tác giải ngân 571,75 tỷ đồng (đạt 100%). Tổng giá trị giải ngân đến ngày 22/3/2023 là 744,97 tỷ đồng (đạt 28,22%), trong đó: Huyện Quảng Trạch giải ngân 163,07 tỷ đồng (đạt 35,45 %); thị xã Ba Đồn giải ngân 58,57 tỷ đồng (đạt 32,54%); huyện Bố Trạch giải ngân 216,1 tỷ đồng (đạt 36,75%); TP Đồng Hới giải ngân 50,16 tỷ đồng (đạt 81,25%); huyện Quảng Ninh giải ngân 121,57 tỷ đồng (đạt 19,58%); huyện Lệ Thủy giải ngân 135,5 tỷ đồng (đạt 18,59%). Qua rà soát cho thấy, tiến độ đối với một số nội dung liên quan đến khu tái định cư, mồ mả và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chuyển đổi đất quốc phòng còn gặp một số vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ. Đây cũng là những nội dung được lãnh đạo các địa phương, sở, ngành liên quan tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ, nhằm đảm bảo tiến độ của dự án đề ra.
Để bảo đảm tiến độ của dự án, bàn giao 100% khối lượng mặt bằng cho các chủ đầu tư trước ngày 30/6/2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, ông Đoàn Ngọc Lâm chỉ đạo các Ban QLDA phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện trong quá trình triển khai công tác GPMB, kịp thời thông tin các điều chỉnh của hồ sơ cắm mốc GPMB đến địa phương và người dân, làm cơ sở để địa phương tổ chức GPMB và tạo đồng thuận của người dân. Chủ động chỉ đạo tư vấn phối hợp với UBND cấp huyện hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng phần khối lượng phát sinh; phối hợp với địa phương, báo cáo Bộ GTVT sớm xem xét, có ý kiến đối với các phương án di dời công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu đã được địa phương trình.
Đối với các sở, ngành và địa phương, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu khẩn trương tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023; rà soát nhu cầu đối với vật liệu, đảm bảo đáp ứng khối lượng thi công các dự án thành phần. Đẩy nhanh công tác thẩm định các dự án đầu tư xây dựng; hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng phần khối lượng phát sinh ngoài phạm vi ranh giới...; công tác thoả thuận phương án di dời đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại, đảm bảo tiến độ dự án tiếp tục triển khai hiệu quả. UBND cấp huyện cần đẩy nhanh công tác GPMB đảm bảo bàn giao 100% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023. Đẩy nhanh công tác phê duyệt dự án đầu tư, lựa chọn nhà thầu xây lắp đối với các khu tái định cư, khu nghĩa trang. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu, ủng hộ dự án; giải quyết nhanh chóng dứt điểm các tranh chấp trên địa bàn.