Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết sẽ đấu thầu lại để thu mua đủ gạo nhưng đề xuất sửa quy định nhằm có chế tài với các doanh nghiệp bỏ thầu vừa qua.
Từ hôm nay (17/4), Tổng cục Dự trữ Nhà nước phát hồ sơ trên hệ thống để ngày 12/5 tổ chức đấu thầu lại 182.300 tấn gạo đưa vào dự trữ quốc gia. Trong số này có hơn 178.000 tấn gạo đã đấu thầu tháng trước với 28 doanh nghiệp trúng thầu nhưng phần lớn đã "xù", không ký hợp đồng để bàn giao gạo.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết mới chỉ ký hợp đồng được 7.700 tấn (đã nhập kho 3.280 tấn). Trong đó, 2 doanh nghiệp ký đủ số lượng gạo đã trúng thầu, 2 doanh nghiệp ký một phần số đã trúng thầu, còn lại 24 doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng.
Nông dân xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ thu hoạch lúa vụ Đông Xuân đầu tháng 3/2020. Ảnh: Thanh Trần |
Theo Tổng cục Hải quan, có 4 đơn vị đã trúng thầu dự trữ quốc gia gạo với Tổng cục Dự trữ Nhà nước nhưng lại từ chối ký hợp đồng để giao gạo. Đến khi Thủ tướng cho nối lại xuất khẩu gạo, hải quan cho mở tờ khai xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn, 4 đơn vị này lại đăng ký xuất khẩu đến hàng nghìn tấn.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước dự kiến hoàn thành nhập kho hơn 180.000 tấn gạo trong tháng 6, chậm hơn kế hoạch ban đầu 15-30 ngày.
Chia sẻ với VnExpress, đại diện Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, những năm trước cũng có một số nhà thầu từ chối ký hợp đồng sau khi trúng nhưng số lượng rất ít, không quá ảnh hưởng. Tuy nhiên, năm nay, vì Covid-19, nhu cầu dự trữ và mua tạm trữ của người dân, doanh nghiệp và cả xuất khẩu lên cao mới có tình trạng hàng loạt doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng.
Đồng thời, những tháng đầu năm nay, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đi các thị trường như Trung Quốc, Philippines, Malaysia... tăng mạnh, nhất là với loại gạo tẻ đủ tiêu chuẩn nhập kho dự trữ quốc gia. So với khi mở thầu hôm 12/3, giá gạo đã liên tục tăng 1.200 - 2.000 đồng một kg. Do vậy, doanh nghiệp trúng không cung cấp gạo và từ chối ký hợp đồng.
Đại diện Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp bỏ thầu lần này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu mua dự trữ gạo quốc gia hiện nay.
Theo Luật Đấu thầu, 24 doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng sẽ bị thu số tiền bảo đảm dự thầu, khoảng 1-3% theo quy mô, giá trị gói thầu, để nộp ngân sách nhà nước. Hiện tại, Luật Đấu thấu và các văn hướng dẫn thi hành không có chế tài nào xử lý khác nên các doanh nghiệp này vẫn có thể tham gia đợt đấu thầu mới vào tháng 5.
Theo các quy định hiện hành, chỉ khi doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhưng không thực hiện mới không được tham gia đấu thầu trong 3 đến 5 năm sau đó và bị thu 2-10% giá trị khoản tiền bảo đảm hợp đồng.
Do vậy, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu thầu để quy định mức đảm bảo dự thầu cao hơn hoặc thêm chế tài xử lý khác. "Mức thu số tiền đảm bảo dự thầu bằng 1-3% giá trị gói thầu chưa đủ ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi thị trường có biến động tăng giá cao", cơ quan này lý giải.
Anh Tú
Lùm xùm xuất khẩu và dự trữ gạo, yêu cầu 2 bộ phải báo cáo
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép ... |
Hải quan chỉ đích danh 4 doanh nghiệp "bùng" gạo dự trữ nhưng lại đăng ký xuất khẩu hàng nghìn tấn
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết có 4 doanh nghiệp "bùng" gạo dự trữ Nhà nước nhưng lại đăng ký xuất khẩu hàng ... |
Việt Nam đang dôi dư 3 triệu tấn gạo, có nên xuất khẩu?
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, gạo dự trữ của Việt Nam đang dôi dư, nên xuất khẩu cho những nước cần trong bối cảnh COVID-19 ... |