Khả năng Lee Nguyễn trở lại Việt Nam chơi bóng chưa rõ ràng, nhưng việc CLB TP HCM sẵn sàng chi đậm khiến V-League càng thêm chông chênh.
Mùa trước, TP HCM từng đua vô địch với Hà Nội một cách quyết liệt, trước khi chấp nhận về nhì với năm điểm ít hơn. Xét về thành tích thi đấu, tập thể dưới trướng HLV Hàn Quốc Chung Hae-seong đã thành công. Với 14 trận thắng, họ là một trong ba đội á quân có thành tích tốt nhất lịch sử V-League, cao hơn cả số trận thắng của Quảng Nam - nhà vô địch năm 2017 (13 trận). Thậm chí, tỷ lệ trận thắng của TP HCM còn vượt Cảng Sài Gòn ở mùa 2001, mùa gần nhất mà bóng đá TP HCM có nhà vô địch quốc gia.
Như vậy, về lý thuyết, việc TP HCM dốc hầu bao để tăng cường sức mạnh là lựa chọn gần như duy nhất nếu họ muốn lật đổ Hà Nội - đội năm lần vô địch V-League.
Lee Nguyễn, ở tuổi 34, khó có khả năng đóng góp lâu dài về chuyên môn. Ảnh: LAFC. |
Mới thăng hạng từ năm 2017, TP HCM không có lực lượng tại chỗ để đạt chất lượng đội hình như các CLB khác, nên họ phải mua sắm liên tục. Đã có hơn 40 người đến và đi trong hơn ba năm qua, bao gồm cả bộ phận quản lý, tính từ vị trí Chủ tịch CLB.
Nhưng cũng chính vì đã có kinh nghiệm mua - đổi cầu thủ liên tục như thế, nên cách làm của TP HCM trong kỳ chuyển nhượng mùa này thực sự khó hiểu. Hai bản hợp đồng với thủ môn Bùi Tiến Dũng và tiền đạo Nguyễn Công Phượng mang yếu tố "giải cứu" hơn là chuyên môn. Đó đều là những ngôi sao truyền thông, và đều gần như không thi đấu suốt một năm qua. Tài năng của họ chưa phải là quá nổi trội, và xét về phong độ hiện tại, cả hai cũng không ở đỉnh cao của bản thân. Và rồi khi TP HCM bắn tiếng hỏi mua Lee Nguyễn, mọi thứ dần sáng tỏ: chiến lược mua sắm của CLB này mang nhiều màu sắc thương mại.
Cả ba cầu thủ nói trên đều có không có giá trị sử dụng dài hạn. TP HCM chỉ mua lại nửa năm hợp đồng cho mượn Công Phượng của HAGL với CLB Bỉ Sint Truident. Bùi Tiến Dũng rất khó cạnh tranh với Thanh Thắng - đàn anh vốn bắt rất ổn định cả mùa trước. Riêng Lee Nguyễn, nếu tiền vệ 34 tuổi này chịu trở lại V-League, thì đó cũng gần giống như một chuyến đi "dưỡng già". Tuy nhiên, điểm chung dễ thấy nhất của cả ba là tiềm năng rất lớn để biến CLB TP HCM trở thành tâm điểm truyền thông ở mùa giải 2020. Dự kiến, sân Thống Nhất sẽ tăng mạnh lượng khán giả, sau khi đã đạt đến con số ấn tượng 6.700 người mỗi trận ở mùa 2019.
Mua ai đương nhiên là chuyện nội bộ của CLB TP HCM, một đội bóng có tiềm lực tài chính hùng hậu. Việc mua các ngôi sao có sức hút bên ngoài sân cỏ cũng là một phần việc quan trọng trong bóng đá chuyên nghiệp. Hút được khán giả đến sân, bán được quảng cáo, chắc chắn là việc nên làm. Nhưng với một đội bóng như TP HCM, họ được kỳ vọng làm tốt hơn thế, có sự kiên nhẫn nhiều hơn, chứ không chỉ biến đội bóng thành bộ sưu tập "sao số" từ ông Chủ tịch, đến HLV và các cầu thủ. Suy cho cùng, nếu động cơ chuyển nhượng xuất phát từ yếu tố thương mại, thì đó chưa hẳn đã là một câu chuyện vui với bóng đá Việt Nam.
Hai mùa liên tiếp vô địch gần đây, Hà Nội bỏ xa các đối thủ bám đuổi. Mùa 2019, họ nhiều hơn á quân TP HCM năm điểm, bỏ xa đội xếp thứ ba là Quảng Ninh tới 14 điểm. Mùa 2018, họ hơn Thanh Hóa và Khánh Hòa lần lượt là 18 điểm và 21 điểm. Đó là giai đoạn Hà Nội hái quả ngọt từ lứa cầu thủ thay nhau vô địch U19, U21 quốc gia các năm trước đó, cũng là quả ngọt của quá trình đầu tư cho bóng đá trẻ trong khoảng bảy năm của bầu Hiển.
Rõ ràng, đó là một công thức thành công cho CLB, cũng đem lại lợi ích cực lớn cho bóng đá Việt Nam. Thành công của Hà Nội tạo ra sự thay đổi có tính cách mạng sau thời các doanh nghiệp đổ tiền vào bóng đá, mua sắm cầu thủ náo loạn, chỉ mong có chữ danh. Thất bại của Thanh Hóa trong bốn năm, từ 2015 đến 2018 lẽ ra là bài học cho nhiều đội bóng. Bản thân CLB TP HCM, mấy năm qua, cũng nếm trái đắng từ những thương vụ Possebon (2017), Gonzalo (2018) ...
Thế nên, việc TP HCM, ở năm 2020, vẫn có ý định mua sắm lực lượng theo kiểu tập hợp các ngôi sao đủ mọi hình thức, chưa biết có đủ sức để ganh đua với Hà Nội hay không mà dường như đang đi ngược lại công thức của Hà Nội, và chẳng khác gì cách làm chung của bóng đá Việt Nam trước đây.
Thành công của Hà Nội với lứa cầu thủ Quang Hải, Đức Huy, Duy Mạnh... được xem là công thức làm bóng đá tốt và căn cơ nhất Việt Nam. Ảnh: Lâm Thỏa. |
Những đội bóng bỏ tiền mua sắm càng nhiều, thì càng dễ bỏ cuộc, nếu không sớm đạt được mục đích. TP HCM hiện tại tập hợp lực lượng cầu thủ tứ xứ, có cả ngôi sao truyền thông, lẫn "hot boy" quảng cáo và có thể, còn thêm một biểu tượng xế chiều như Lee Nguyễn. Giới chuyên môn có quyền nghi ngờ những vụ mua sắm ấy không thông qua ý kiến của HLV Chung Hae-seong. Các HLV chuyên nghiệp chẳng thể nào tìm mua những cầu thủ mà gần cả năm không đá bóng thường xuyên, cùng một ngoại binh đã 34 tuổi với "tiền sử" hai lần không thành công ở đấu trường V-League. Cứ tốn càng nhiều tiền mà vẫn không thể vô địch, liệu các ông chủ của CLB TP HCM có đủ kiên nhẫn để đầu tư cho việc đào tạo trẻ hoặc xây dựng một đội bóng mang đậm tính Sài Gòn hay không?
Tiếc cho V-League khi Hà Nội ngày càng trở nên khác biệt với phần còn lại. Dường như không còn CLB nào khác, ngoài những nơi có truyền thống như SLNA, có thể chung tay với họ trong việc đào tạo cầu thủ trẻ cho bóng đá Việt Nam.
Song Việt
TP.HCM chốt giá 1 triệu USD, chờ Lee Nguyễn và Inter Miami gật đầu |
Văn Hậu được Lee Nguyễn động viên trước ngày gia nhập Heerenveen |