Mảnh tên lửa do Nga sản xuất rơi tại hiện trường hay khung máy bay có nhiều lỗ thủng khiến giới chuyên gia đặt nghi ngờ về tai nạn máy bay ở Iran.
"Liệu một tên lửa tầm nhiệt có thể gây ra thảm kịch cho máy bay của Hãng hàng không Quốc tế Ukraine (UIA) rơi tại Iran hôm 8/1 không? Câu trả lời ngắn gọn là có, dù đây mới chỉ là suy đoán", Les Abend, cựu phi công máy bay Boeing 777 và hiện là chuyên gia phân tích hàng không của CNN, cho biết.
Theo Abend, dù nhà chức trách Iran tuyên bố rằng chiếc Boeing 737-800 của UIA gặp sự cố kỹ thuật với động cơ chứ không phải rơi do một hành động quân sự, sự cố khiến toàn bộ 176 người thiệt mạng này có rất nhiều điểm bất thường
Cựu phi công này cho biết các phi công Boeing được huấn luyện rất tốt để xử lý với sự cố động cơ máy bay bốc cháy. Các hệ thống trên khoang cho phép phi công xả chất dập lửa trực tiếp vào động cơ gặp sự cố, và phi cơ có thể bay tiếp với chỉ một động cơ để hạ cánh khẩn cấp.
Lực lượng cứu hộ làm việc cạnh mảnh vỡ máy bay cháy sém sau tai nạn ở Tehran hôm 8/1. Ảnh: AP.
Abend không loại trừ khả năng động cơ gặp sự cố rất nghiêm trọng, lá cánh động cơ có thể bị vỡ thành các mảnh kim loại văng ra ngoài, trúng vào các hệ thống điều khiển trọng yếu của máy bay, khiến phi cơ mất kiểm soát hoàn toàn.
Tuy nhiên, các chuyên gia, kỹ sư ngành hàng không nói rằng chiếc Boeing 737-800 tương đối mới và được bảo dưỡng chỉ hai ngày trước tai nạn, nên sự cố nghiêm trọng như vậy rất khó xảy ra. Trong ba sự cố kiểu này, hai vụ liên quan đến Boeing và một vụ liên quan đến Airbus, các máy bay đều hạ cánh an toàn nhờ hệ thống an toàn tự động.
Larry Vance, cựu điều tra viên hàng không của Ủy ban An toàn Giao thông Canada, cũng cho rằng lỗi động cơ đơn giản không thể lý giải cho tai nạn. "Điều đó hoàn toàn không phù hợp. Rất khó vô hiệu hóa các thiết bị điện tử trên một chiếc máy bay phức tạp như 737-800", Vance cho hay.
Trong trường hợp chuyến bay của UAI, các video do nhân chứng dưới mặt đất quay được cho thấy đã có một quầng lửa bùng lên gần máy bay trước khi nó mất kiểm soát. Nhiều người nghi ngờ quầng lửa này là do một quả tên lửa phòng không, có thể là tên lửa Tor, gây ra, nhưng không đủ để khiến máy bay phát nổ.
Tên lửa phòng không Tor mang theo đầu đạn nổ mảnh, có thể tạo ra hàng nghìn mảnh kim loại văng về mọi phía và phá hủy các hệ thống điều khiển quan trọng trên máy bay mục tiêu. Tùy vào vị trí tên lửa phát nổ gần máy bay, phi công có thể mất kiểm soát phi cơ ngay lập tức, hoặc vẫn cố lết thêm được vài phút trước khi máy bay bốc cháy.
Giới chuyên gia khi xem xét ảnh chụp hiện trường máy bay rơi cũng phát hiện những lỗ thủng trên thân phi cơ, khiến họ liên tưởng đến chuyến bay MH17 của Malaysia Ailines bị tên lửa phòng không Buk bắn hạ ở Ukraine năm 2014.
Các lỗ thủng trên thân máy bay của Ukraine rơi ở Iran. Ảnh: Sun.
Một số hình ảnh cho thấy các lỗ thủng trên một động cơ máy bay, trong khi một bên buồng lái và nhiều bộ phận khác bị cháy sém. Năm 2000, máy bay Concorde của Air France xuất phát từ sân bay Charles de Gaulle gặp nạn do rò rỉ nhiên liệu và cháy động cơ, song không có dấu hiệu thủng lỗ chỗ như những mảnh vỡ trên chiếc Boeing 737-800 này.
Một bức ảnh chưa được kiểm chứng xuất hiện sáng 9/1 cho thấy một bộ phận của tên lửa đất phòng không Tor-M1 nằm trên bãi đất trống ở hiện trường.
Theo Abend, người có kinh nghiệm 34 năm làm cơ trưởng cho hãng hàng không Mỹ American Airlines, những mảnh vỡ tương đối nhỏ của máy bay Ukraine nằm rải rác trên diện rộng cho thấy máy bay đã lao xuống đất ở tốc độ cao và lực rất mạnh. Nói cách khác, máy bay không trượt trên mặt đất, va phải cây cối, đá như trong các trường hợp hạ cánh khẩn cấp. Nó lao xuống đột ngột và vỡ vụn, dường như vuột khỏi tầm kiểm soát của phi công.
Hình ảnh được cho là mảnh vỡ tên lửa tại hiện trường rơi máy bay ở Iran. Ảnh: Twitter/AshkanMonfared.
Oleksiy Danilov, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, viết trên Facebook rằng các quan chức Ukraine đã họp với giới chức Iran ngày 9/1 để xem xét các nguyên nhân thảm kịch, bao gồm giả thuyết máy bay trúng tên lửa phòng không.
"Thảm kịch cần phải được xử lý như bất kỳ cuộc điều tra tai nạn nào khác. Không nên đưa ra kết luận cho đến khi các sự kiện được làm rõ. Phương pháp có tổ chức và có hệ thống cho các cuộc điều tra như vậy phải được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO)", Abend nói. "Nếu Iran quan tâm đến việc xác định nguyên nhân tai nạn, họ nên chia sẻ với các bên liên quan, chẳng hạn như nhà sản xuất máy bay Boeing, những bằng chứng quý giá nhất, gồm dữ liệu hộp đen".