Đấu giá đất Thủ Thiêm giá 2,4 tỷ đồng/m2, Tân Hoàng Minh chịu ràng buộc gì?

Gây sốc khi mua lô đất giá 24.500 tỷ đồng, tương ứng 2,4 tỷ đồng/m2, Tân Hoàng Minh phải chịu nhiều ràng buộc mang tính pháp lý.

Thông tin Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt - thành viên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất 3-12 (10.060 m2) với giá 24.500 tỷ đồng, tương đương hơn 2,4 tỷ đồng/m2 đã gây xôn xao dư luận trong những ngày qua.

Mức giá này được ví là "không tưởng" vì vượt giá đất trung tâm quận 1, thậm chí vượt giá đất tại nhiều nơi được coi là đắt đỏ nhất trên thế giới.

Tân Hoàng Minh phải nộp đủ tiền trong bao lâu?

Theo quy chế đấu giá tài sản, chậm nhất không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày đấu giá thành công, người trúng đấu giá phải ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Sau thời hạn trên, nếu người trúng đấu giá không thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thì xem như từ chối kết quả đấu giá và mất tiền đặt trước (20% giá khởi điểm lô đất), quyền và nghĩa vụ các bên sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật liên quan.

Đấu giá đất Thủ Thiêm giá 2,4 tỷ đồng/m2, Tân Hoàng Minh chịu ràng buộc gì? - 1
Các lô đất mới đấu giá tại Thủ Thiêm. (Ảnh: Zing).

Tiếp đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải thanh toán (hình thức chuyển khoản) 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách nhà nước theo thông báo của cơ quan thuế. Trong hạn 60 ngày tiếp theo, người trúng đấu giá thanh toán đủ số tiền còn lại.

Trường hợp quá thời hạn thanh toán các đợt 1, đợt 2 mà người trúng đấu giá chậm thanh toán tiền mua tài sản thì phải nộp tiền chậm nộp theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

Quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế mà người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá thì vi phạm hợp đồng mua bán. Khi đó, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM sẽ thông báo về việc không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá để Trung tâm Phát triển quỹ đất báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND TP hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.

Như vậy, Tân Hoàng Minh có khoảng 90 ngày để nộp đủ số tiền mua mảnh đất trên.

Nếu tính theo quy chế đấu giá tài sản thì doanh nghiệp thành viên của Tân Hoàng Minh đã đặt cọc hơn 588 tỷ đồng và theo lộ trình thanh toán, doanh nghiệp phải nộp 12.250 tỷ đồng vào đầu tháng 1/2022 và nộp đủ 24.500 tỷ đồng vào giữa tháng 3 năm sau. Nếu không thu xếp được tài chính đúng hạn theo quy định, phía doanh nghiệp sẽ mất gần 600 tỷ đồng tiền cọc.

Từng nhiều lần đề nghị huỷ kết quả đấu giá

Trong quá khứ, Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng gây xôn xao dư luận khi có đơn đề nghị hủy kết quả đấu giá khu đất vàng diện tích 3.000 m2 tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM.

Cụ thể, Tân Hoàng Minh trúng đấu giá lô đất với mức giá 1.430 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, tập đoàn này gửi đơn đề nghị hủy kết quả đấu giá lên chính quyền TP.HCM với lý do phương án đấu giá có sai phạm về bước giá.

Vụ việc dùng dằng một thời gian thì đến tháng 6/2016, Tân Hoàng Minh lại đổi ý đề nghị được tiếp tục mua lô đất trên. Tuy nhiên, do quá thời gian quy định nên ngoài số tiền trúng đấu giá, tập đoàn này phải nộp thêm hơn 260 tỷ đồng tiền phạt trễ hạn để được mua lô đất.

Theo kế hoạch ban đầu, khu đất vàng này sẽ được xây dựng thành một khu phức hợp đẳng cấp, một công trình kiến trúc mang điểm nhấn cho khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên sau đó khu đất nằm bất động suốt thời gian dài. Đến năm 2019, Tân Hoàng Minh đã chuyển nhượng khu đất lại cho Techcombank để nhà băng này xây trụ sở tại TP.HCM.

Trước đó, vào năm 2016, Chủ tịch Tân Hoàng Minh - ông Đỗ Anh Dũng cũng đấu giá thành công đôi chóe Tứ Linh giá 6 tỷ đồng rồi bất ngờ từ chối mua.

Cụ thể, trong phiên đấu giá ngày 28/5/2016, cặp choé này được đề xuất giá khởi điểm là 900 triệu (sản phẩm giá đấu cao nhất). Sau 29 lần trả giá giữa hai đại gia bất động sản là ông Đỗ Anh Dũng và ông Đỗ Quý Hải, người thắng cuộc cuối cùng là ông chủ Tân Hoàng Minh với mức giá chốt là 6 tỷ 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 6/6, ông Vũ Mạnh Hùng - người đại diện trả giá thay ông Đỗ Anh Dũng - đã phản hồi về việc từ chối mua tài sản nói trên. Đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, ông Dũng chỉ ủy quyền cho ông Hùng đấu giá với giới hạn tối đa 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, có thể trong quá trình đấu giá, ông Hùng do "hưng phấn" nên đã trả giá cao hơn so với mức đã được giao.

Kết quả là ông Dũng bị xử lý theo quy định là không được hoàn trả số tiền đã đặt cọc 50 triệu đồng và cặp chóe Tứ Linh được bán cho người trả giá liền kề.

Những lần Tân Hoàng Minh gây xôn xao vì mua đất

Việc mua đất Thủ Thiêm với mức giá 2,4 tỷ đồng/m2 thực sự gây "choáng" nhưng đây không phải lần đầu tiên đại gia Tân Hoàng Minh "chơi trội".

Trước đó, giới đầu tư địa ốc Hà Nội từng xôn xao khi Tân Hoàng Minh bỏ ra số tiền đền bù lên tới 1 tỷ đồng/m2 cho lô đất vàng 2 mặt tiền tại 22 – 24 Hàng Bài và 25 – 27 Hai Bà Trưng. Dự án chỉ nằm cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 100 mét, có diện tích đất khoảng 4.080m2, trong đó diện tích xây dựng là 2.900m2.

Đây là một trong những khu đất có giá đền bù (theo thỏa thuận) được ghi nhận cao nhất Hà Nội. Theo đó, tại một số vị trí, mức đền bù theo thỏa thuận giữa người dân và chủ đầu tư lên đến gần 1 tỷ đồng/m2, được cho là cao gấp 2,5 lần giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường lúc đó (thời điểm năm 2010).

Đến nay, dự án được Masterise Homes mua lại và phát triển với tên gọi The Grand HaNoi - Masterise D'. San Raffles. Giá bán của dự án này đang được chào bán với giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/m2.

Đấu giá đất Thủ Thiêm giá 2,4 tỷ đồng/m2, Tân Hoàng Minh chịu ràng buộc gì? - 2
Khu đất vàng ở Hà Nội được Tân Hoàng Minh đền bù 1 tỷ đồng/m2.

Hay khu đất số 23 Lê Duẩn (quận 1, TP. HCM), Tân Hoàng Minh cũng trúng đấu giá với 1.430 tỷ đồng (gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm).

Với việc mua đất Thủ Thiêm, theo dự đoán của nhiều chuyên gia, thị trường BĐS hiện nay đã xuất hiện nhiều căn hộ với mức giá 500 - 700 triệu đồng/m2, vì thế, rất có thể Tân Hoàng Minh đã có những tính toán theo xu hướng này, giống như dự án Masterise Homes đang phát triển tại 22 - 24 Hàng Bài và 25 - 27 Hai Bà Trưng hay như dự án One Central Saigon (nằm ở Quận 1, TP.HCM) cũng có mức giá bán dự kiến cao kỷ lục, khoảng 650 - 800 triệu đồng/m2; dự án Spirit Of Saigon (Quận 1) giá khoảng 400 triệu đồng/m2.

Do vậy, việc doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận mức giá hơn 2,4 tỷ đồng/m2 đất để phát triển các dự án căn hộ có mức giá hàng trăm triệu đồng/m2 cũng có thể xảy ra.

THANH HÀ

Những nghi ngại sau vụ đấu giá khủng ở Thủ Thiêm Những nghi ngại sau vụ đấu giá khủng ở Thủ Thiêm
Thủ Thiêm: 4 khu đất giá khởi điểm 5,3 nghìn tỷ, đấu giá thu về 37,35 nghìn tỷ Thủ Thiêm: 4 khu đất giá khởi điểm 5,3 nghìn tỷ, đấu giá thu về 37,35 nghìn tỷ
Một lô "đất vàng" ở Thủ Thiêm đấu giá thành công với 3.820 tỷ đồng Một lô "đất vàng" ở Thủ Thiêm đấu giá thành công với 3.820 tỷ đồng

/ vtc.vn