Dạo một vòng từ chợ đến siêu thị vẫn chưa mua được thịt heo vì quá đắt

Giá thịt heo tăng nhanh, giảm chậm đã gây khó cho người tiêu dùng, nhiều bà nội trợ cho biết với 100.000 đồng, họ không thể mua đủ thịt heo cho hai bữa ăn một ngày.

Sáng 5/8, với 500.000 đồng, bà Nguyễn Thị Quy (64 tuổi, ở Thành Công, quận Đống Đa, Hà Nội) ra khỏi nhà từ 6h để đi chợ. Mỗi tuần, bà đi chợ 2 lần mua thực phẩm để nấu ăn cho cả gia đình 5 người.

Bà Quy tâm sự: Những ngày gần đây, giá hàng hóa ngoài chợ rất cao, đặc biệt là thịt heo liên tục tăng chóng mặt khiến bà cảm thấy bối rối, tính toán đủ kiểu để làm sao mỗi bữa ăn không bị vượt quá "ngân sách". Bà Quy nhẩm tính, với 500.000 đồng, bà dự định mua đồ ăn cho 3 ngày, mỗi ngày khoảng 150.000 đồng.

“Mấy hôm xăng dầu bắt đầu giảm giá mạnh, tôi đinh ninh rằng giá thực phẩm thể nào cũng sẽ giảm theo. Nhưng chờ đã cả tháng rồi mà không thấy động tĩnh gì, thậm chí thịt heo còn đắt lên. Mà đây lại là món ăn chủ đạo trong mâm cơm nhà tôi", bà Quy than thở.

Dạo một vòng từ chợ đến siêu thị vẫn chưa mua được thịt heo vì quá đắt - 1

Thịt heo tăng giá chóng mặt nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua.

Sáng nay khi ra đến chợ, bà Quy dự định mua 1kg thịt ba chỉ về làm bữa. Đi hàng nào cũng như hàng nào, giá thịt ba chỉ đều từ 150.000 đồng/kg đổ lên, loại ngon thì phải 170.000 đồng/kg. Nếu chấp nhận mua mức giá đó thì bà đã tiêu hết số tiền mang đi mà không đủ để mua những món khác như rau xanh, củ quả...Tính toán, lần lữa mãi khiến bà đi 4 quầy hàng thịt mà vẫn chưa thể quyết định. 

Bà Quy cũng vào cả siêu thị để mua thịt heo với hy vọng giá sẽ bình ổn, không tăng giảm vô lý, cảm tính như ngoài chợ. Nhưng sau khi khảo giá, bà Quy phải chấp nhận sự thật: Giá thịt heo đang rất cao, không hề giảm theo giá xăng hay giảm theo giá heo hơi như bà kỳ vọng.

Thịt heo trong siêu thị có vẻ bình ổn hơn khi giá không tăng, cũng không giảm, nhưng dù thế vẫn cao hơn ngoài chợ khá nhiều. Ví dụ như một hộp thịt ba chỉ đặc biệt được bán với giá gần 60.000 đồng nhưng thực ra chỉ được gần 3 lạng. Đơn giá là 211.900 đồng/kg”, bà Quy nói.

Sau khi đắn đo cân nhắc, cuối cùng bà Quy quyết định mua 2kg thịt chân giò loại không có bắp với giá 120.000 đồng/kg, sau đó mua thêm một số loại rau củ, hành và cá rồi trở về nhà.

“2 kg thịt này hết 240.000 đồng, thêm 60.000 tiền rau củ nữa, tổng là 300.000 đồng, nhà tôi 5 người ăn được 3 bữa. Đúng là hàng hóa bây giờ ngày càng đắt đỏ, mỗi lần đi chợ cầm 500.000 đồng vẫn thấy thiếu, tính toán đủ kiểu mới mua đủ”, bà Quy nói.

Trong khi đó, chị Tuyết Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, bây giờ với 100.000 để đi chợ cho một bữa ăn là bài toán cực khó mà bà nội trợ phải đau đầu tìm lời giải.

“Tôi ngày nào cũng đi chợ, nhưng bây giờ mà tiêu 100.000 đồng cho một bữa ăn thì phải chấp nhận ăn uống đạm bạc, chỉ được một chút thịt và thêm ít rau, đậu. Trước đây khi giá cả hàng hóa chưa tăng cao như bây giờ thì 100.000 đi chợ ăn được 2 bữa hoặc là một bữa đủ đầy, bây giờ thì một bữa vẫn còn thấy thiếu, vì không chỉ mỗi thịt heo tăng mà mỗi thứ đều tăng thêm một ít”, chị Nhung cho biết.

Theo chị Nhung, phải cầm ít nhất 200.000 đồng mới cảm thấy tự tin khi đi chợ cho mỗi bữa ăn. "Thừa còn hơn thiếu, chứ cầm 100.000 đồng thì chắc chắn là không đủ, nếu muốn bữa ăn hấp dẫn và đủ dinh dưỡng", chị Nhung nói.

Bộ Công Thương yêu cầu kiểm tra giá bán hàng hoá

Mặc dù giá xăng dầu trong nước đã giảm hơn 7.000 đồng/lít nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao, gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của nhân dân.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022; Xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật với những hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội, cũng như xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.

"Các đơn vị cần phối hợp cơ quan báo chí, thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ về thủ đoạn, nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong chấp hành pháp luật về giá, đặc biệt là đối với những mặt hàng như lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng, chống dịch", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu.

https://vtc.vn/dao-mot-vong-tu-cho-den-sieu-thi-van-chua-mua-duoc-thit-heo-vi-qua-dat-ar692126.html

Hạo Nhiên / VTC News