Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng: Bộ Công Thương nói gì?

Bộ Công Thương và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm xung quanh việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng.

Trong thời gian qua, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng nhận được nhiều quan tâm của dư luận, khi mà mặt hàng quan trọng này liên tục tăng giá. Nguyên nhân do đây là mặt hàng thiết yếu, nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành kinh tế và tác động mạnh đến đời sống người dân.

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng: Bộ Công Thương nói gì? - 1

Bộ Công Thương đề nghị xem xét lại quan điểm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng.

Theo Bộ Công Thương, xăng là mặt hàng chiếm tỷ trọng khoảng 37% - 40% trong tổng số lượng tiêu thụ các mặt hàng xăng dầu trên cả nước nên không phải là mặt hàng có lượng tiêu dùng nhỏ, chỉ sau dầu diesel. Mặt khác, xăng lại là mặt hàng có số lượng đối tượng bị tác động lớn nhất do hầu hết người dân đều sử dụng xăng để đi lại (dùng cho xe máy và ô tô dùng xăng, đây là các loại phương tiện đang sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam).

Do đó, Bộ Công Thương đề nghị cân nhắc xem xét lại quan điểm đánh thuế tiêu thụ đặc biết đối với mặt hàng xăng do xăng là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất của người dân.

Theo Bộ này, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng là 7% - 10% là con số tương đối lớn trong cơ cấu giá xăng dầu (chiếm khoảng 2.000-2.500 đồng/lít trong mức giá xăng hiện nay) nên việc điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có ý nghĩa lớn đối với việc kiềm chế sự tăng cao của giá xăng dầu trong thời gian tới.

Từ những lý do trên, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết và cần sớm thực hiện rà soát, trình Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và nhu cầu của việc giảm giá xăng dầu để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ đời sống người dân đang gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Tương tự, VCCI cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.

Trong khi đó, Bộ Tài chính bảo vệ quan điểm áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Theo Bộ này, thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia,...), cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hoá thạch) hoặc hàng hoá, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền...).

“Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng”, Bộ Tài chính lập luận.

Vẫn theo Bộ Tài chính, tại Việt Nam, mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1995. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế tiêu thụ đặc biệt và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, cam kết của Chính phủ tại Hội nghị Cop26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cùng với các giải pháp khác thì việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng như hiện nay là phù hợp, góp phần giảm phát thải.

Hiện mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các nước. Giá xăng dầu của Việt Nam so với các nước có chung biên giới và một số nước khác thì vẫn thấp hơn từ 2.000 đồng/lít đến khoảng 10.000 đồng/lít. Do vậy, nếu giảm thuế thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm giá xăng sẽ dễ kích thích buôn lậu sang các nước.

Mặt khác, hiện nay chỉ có mặt hàng xăng là chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, do đó nếu thực hiện giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng thì chưa thực sự hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu của việc giảm thuế là hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát vì dầu mới là mặt hàng chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, trường hợp điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng thì phải thực hiện điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt tương ứng đối với xăng E5 và xăng E10 cho phù hợp.

Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay (kỳ họp gần nhất là tháng 10, 11/2022), trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn, nên sẽ có độ trễ nhất định.

Tuy vậy, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới và sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cho phù hợp, dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng, biến động khó lường, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu mà cần tiếp tục giảm thuế đối với mặt hàng xăng để góp phần kiềm chế lạm phát.

Cụ thể, ngày 30/6, Bộ Tài chính cho biết đã trình Thủ tướng để xem xét quyết định phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.

Theo đó, cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 và giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN), Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.

 https://vtc.vn/danh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-xang-bo-cong-thuong-noi-gi-ar690073.html

Hòa Bình / VTC News