- Giá lợn hơi tăng mạnh, giải pháp nào ổn định nguồn cung?
- Vì sao giá hàng hóa chưa thể “hạ nhiệt” theo giá xăng?
Ngày 21-7 vừa qua, giá xăng giảm lần thứ ba liên tiếp và là lần giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế cũng như người dân và là cơ sở để các doanh nghiệp, hộ sản xuất xem xét “hạ nhiệt” giá hàng hóa.
Hiện giá rau củ không giảm mà còn tăng 10-20% tùy loại.
Giá nhiều mặt hàng vẫn neo cao
Trước thông tin giá xăng dầu tiếp tục giảm và giảm mạnh tới 3.600 đồng mỗi lít gần 1 tuần trước, cũng như nhiều người, bà Vũ Thị Hằng (trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên) lại ngóng chờ hàng hóa giảm giá. Tuy nhiên, hôm nay tới chợ mua thực phẩm bà thấy giá rau củ, cá, thịt vẫn neo cao. “Lúc giá xăng dầu tăng thì người bán kiếm cớ tăng giá, nay giá xăng dầu giảm nhưng vẫn chưa thấy giảm giá bán hàng hóa”, bà Hằng nói.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các chợ Bách Khoa, Hôm – Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), Thượng Thanh (quận Long Biên), Phú Gia (quận Tây Hồ)… cho thấy giá nhiều mặt hàng vẫn ở mức cao, trong đó rau xanh và thịt lợn còn tăng so với thời điểm đầu tháng 7. Cụ thể, giá thịt lợn nạc vai từ 120.000 đồng - 150.000 đồng/kg; thịt ba chỉ, sườn thăn 130.000 -160.000 đồng/kg… đều tăng 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg so với tháng trước. Còn giá các loại rau đều cao hơn khoảng 10% đến 20% so với hai tuần trước, như rau muống 10.000 đồng – 15.000 đồng/mớ; rau cải xanh 15.000 đồng/mớ; mướp từ 25.000 đồng – 30.000 đồng/kg… Bên cạnh đó, giá thịt bò, gà vẫn neo cao từ đầu năm như gà ta nguyên con 130.000 đồng đến 150.000 đồng/kg, thịt bò từ 220.000 đồng đến 300.000 đồng/kg tùy loại…
Kinh doanh rau củ tại chợ Thượng Thanh (quận Long Biên), chị Lê Thị Hiền cho biết, giá xăng vừa giảm nhưng lại trúng đợt mưa, nắng thất thường khiến nguồn cung rau giảm làm giá tăng cao. Còn chủ quầy rau củ Quý Kiên, ở chợ Hôm – Đức Viên thì “đau đầu” tính toán giá bán để giữ khách mà vẫn có chút lãi khi giá nhập tăng cao. Chị cho biết, giá cao nhất là hành lá 60.000 đồng/kg, rau mùi trên 100.000 đồng/kg, rau cải 30.000 đồng/kg… Trong khi đó, chủ quầy thịt lợn Liễu Minh cũng tại chợ Hôm – Đức Viên cho hay, mỗi tạ thịt lợn về tới chợ tăng gần 3.000.000 đồng, buộc chị phải giảm lượng hàng, chỉ còn 1/3 so với trước đây.
Tương tự tại các quầy tạp hóa, cửa hàng tiện ích và các siêu thị, hầu hết hàng hóa đều “đứng” giá ngoại trừ một vài nhóm hàng đang được khuyến mãi. Chủ một cửa hàng tạp hóa trên phố Nguyễn Hiền (quận Hai Bà Trưng) cho biết, giá từ gói muối gia vị tới mì tôm, bánh kẹo, dầu ăn… đều chưa giảm. Còn đại diện một chuỗi siêu thị tại Hà Nội cho biết, đơn vị này vẫn theo sát tình hình giá xăng dầu để tiến hành đàm phán với các nhà cung cấp về việc điều chỉnh giá các mặt hàng. Tuy nhiên hiện nay, chưa nhiều nhà cung cấp điều chỉnh giảm giá kịp thời theo giá xăng.
Xem xét giảm giá hàng hóa
Theo lý giải của đại diện một số siêu thị, do việc thay đổi áp dụng giá xăng mỗi tháng 2 kỳ nên giá cả thị trường, biến động chuỗi cung ứng cần có độ trễ nhất định để điều chỉnh, chứ không thể điều chỉnh tăng - giảm ngay được. Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nêu, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cần có thời gian điều chỉnh chi phí sản xuất, chi phí tiền lương. Ngoài ra, tại các chợ truyền thống, nhiều tiểu thương luôn chủ động tăng giá mà lại miễn cưỡng giảm giá bán những mặt hàng thiết yếu.
Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giá dịch vụ vận tải có thể giảm trước hết do tác động trực tiếp từ giá xăng dầu giảm mạnh. Tiếp đó sẽ kéo giá của các mặt hàng khác giảm theo. “Tuy nhiên việc giảm giá sẽ diễn ra dần dần, từng bước. Và cần tính tới một số ngành hàng có đầu vào là vật tư, nguyên liệu được nhập khẩu từ nhiều tháng trước với giá cao thì việc giảm giá sẽ chậm hơn”, ông Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Tuy nhiên, ông Đinh Trọng Thịnh cũng nhấn mạnh, nếu như lần giảm giá xăng dầu đầu tháng 7 mức giảm chưa nhiều nên tác động chưa lớn đến giá cả hàng hóa, thì 2 lần giảm giá gần đây, nhất là lần giảm giá xăng dầu hôm 21-7, mức giảm khá sâu từ 1.099 đồng đến 3.605 đồng/lít, gần mức giá của đầu năm 2022. Do đó, đã đến lúc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, ngành hàng cần nghiêm túc đánh giá lại chi phí sản xuất, yếu tố đầu vào và sớm xem xét giảm giá hàng hóa, tránh tình trạng “tăng nhanh, giảm chậm”.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, các cơ quan chức năng như Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)… cần vào cuộc yêu cầu các doanh nghiệp, hộ sản xuất xem xét, tính toán lại chi phí để hạ giá thành sản phẩm.
Cũng theo các chuyên gia, trong lúc này cần đẩy mạnh sản xuất, kết nối cung - cầu, bảo đảm lưu thông hàng hóa thuận tiện, giảm bớt khâu trung gian, từ đó giảm các chi phí, hạ giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Sở Công Thương Hà Nội cho biết đang triển khai các chương trình kích cầu nội địa vào tháng 7 và tháng 11 tới với khoảng 25.000 chương trình khuyến mại. Thành phố cũng sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp bán lẻ cung cấp đủ lượng các mặt hàng thiết yếu và bảo đảm bình ổn thị trường; đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố khác.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ nay tới cuối năm, ngành Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời. Ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá…
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1037760/gia-xang-giam-da-den-luc-ha-nhiet-gia-hang-hoa