Tiến sĩ Phạm Thị Thúy đưa ra lời khuyên, không gì bằng việc dạy trẻ phòng, chứ không phải tránh. 'Phòng vệ là kỹ năng quan trọng. Bởi vì chúng ta không ở bên trẻ 24/24 giờ!'.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy - Lê Nam
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, chuyên viên tham vấn tâm lý, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia; tác giả loạt sách phòng tránh xâm hại cho trẻ em, bày tỏ sự lo lắng sau khi xem clip về bé gái bị xâm hại thân thể ngay trong thang máy chung cư mà gia đình cô bé sinh sống. Tuy nhiên, phân tích kỹ tình huống, tiến sĩ Thúy cho biết, người lớn nên có trách nhiệm trong sự việc này.
Báo động một mình
Thứ nhất, phải chăng phụ huynh quá chủ quan khi nghĩ rằng thang máy ở chung cư, nơi gia đình mình sống quá quen thuộc. Và tình trạng con trẻ tự nhiên đi lại một mình không phải diễn ra lần đầu.
“Đi một mình như vậy, phụ huynh đã dạy cho bé kỹ năng sử dụng thang máy chưa?”, tiến sĩ Thúy đặt câu hỏi.
UNFPA (Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc) đã chỉ ra 5 báo động dẫn đến nguy cơ xâm hại trẻ em, trong đó báo động một mình là quan trọng nhất. “Chúng ta nhìn thấy một người đàn ông trong thang máy mà chỉ có mình ta với người đó thì chúng ta có nên vào không? Nếu chúng ta dạy trẻ báo động một mình, trẻ sẽ biết đây là tình huống có thể xảy ra nguy hiểm, mình chưa biết người đó tốt hay xấu nhưng mình sẽ không vào. Mình sẽ đợi họ đi rồi mình vào lần sau”, chuyên viên tham vấn tâm lý đặt vấn đề với các bậc phụ huynh.
Dĩ nhiên, nếu đứa trẻ chưa được trang bị kỹ năng sẽ không biết cách phòng vệ và sẽ gặp nguy hiểm, và chúng ta đã thấy hậu quả.
Trách nhiệm thứ hai của người lớn. Mặc dù đã có người đàn ông và đứa trẻ trong thang máy mà người bảo vệ vẫn thoải mái cho họ đi. “Coi như trách nhiệm của họ chỉ là quẹt thẻ và mở thang máy thôi.”, tiến sĩ Thúy chỉ rõ.
Ảnh chụp màn hình |
93% kẻ xâm hại tình dục là người quen
Nếu như người lớn có ý thức trách nhiệm bảo vệ trẻ con và biết được những nguy cơ đối với trẻ, nhất là khi họ biết về 5 báo động, trong đó có báo động một mình thì họ sẽ khuyên đứa bé, hoặc làm cách nào để cho đứa bé đó đi chuyến sau chứ không nên cho bé gái nhỏ vào thang máy với một người đàn ông lạ mặt như vậy, thậm chí kể cả người quen.
“Chúng ta biết 93% kẻ xâm hại tình dục là người quen. Trong đó 47% là người rất thân với trẻ. Cho nên chúng ta chỉ phân biệt người xấu hay người tốt chứ không nên phân biệt người lạ hay người quen với đứa trẻ”, tiến sĩ Thúy chia sẻ,
Bà Thúy cho biết thêm, người xấu là người có 5 hành vi báo động, đó là báo động nói, báo động nhìn, báo động ôm, báo động sờ chạm và báo động một mình. Những báo động này là hành vi liên quan đến nơi riêng tư của cơ thể trẻ, đó là bộ phận sinh dục, vùng ngực, vùng mông, vùng môi của trẻ.
Tất cả ai có dấu hiệu liên quan đến nhìn, nói, sờ chạm, ôm, ở một mình với trẻ đều có nguy cơ cao và trẻ phải biết để tránh xa. Thậm chí đây không phải vấn đề với trẻ gái mà bé trai cũng cần phải biết điều này và người lớn chúng ta cũng cần phải biết điều này.
Ảnh Lê Nam |
Làm sao trẻ có thể phản ứng nhanh?
Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ xâm hại trong thang máy. Nếu như vô tình lâm vào tình huống trên, chúng ta nên làm gì? Tiến sĩ Thúy đưa ra lời khuyên mà cả trẻ em lẫn người lớn đều nên tham khảo: “Nếu như trong trường hợp đã trót vào rồi, đã có người xấu tác động lên mình thì bé có biết la hét không? Bé có biết chống cự không? Nếu kẻ đó quá mạnh bé không chống cự được, bé có biết dùng các kỹ thuật lừa, kỹ thuật né tránh không?”
“Bé có thể chạy vòng quanh thang máy, bé có thể ngồi thụp xuống để kẻ xấu mất thăng bằng và ngã, bé có thể tìm cách với nút bấm báo động trong thang máy để người khác cứu”, tiến sĩ Thúy đưa ra một số biện pháp.
Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng vào thực tế, chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy nhấn mạnh: “Kể cả bé có biết những kiến thức đó thì bản thân bé phải bình tĩnh mởi xử lý được. Bởi đến cả người lớn, sau khi xem xong clip xâm hại trên cũng nói với tôi \'em xem mà em đớ người luôn, em không biết là em sẽ làm gì lúc đó\' thì làm sao một đứa trẻ có thể phản ứng nhanh được”.
Phản ứng nhanh chỉ khi người ta được tập huấn, đã thành kỹ năng. Phản ứng nhanh khi người ta rất bình tĩnh. Cho nên, tiến sĩ Thúy đưa ra lời khuyên, không gì bằng việc dạy trẻ phòng, chứ không phải tránh. “Phòng vệ là kỹ năng quan trọng. Bởi vì chúng ta không ở bên trẻ 24/24 giờ!”
Dâm ô bé gái trong thang máy: Đánh vào các điểm yếu của kẻ xấu
Trước tình trạng dâm ô, xâm hại tình dục ở mức báo động, chúng ta cần trang bị cho mình các kỹ năng ứng phó ... |
Nguyên Phó Viện trưởng VKSND Đà Nẵng dâm ô bé gái trong thang máy: VKSND Tối cao vào cuộc
VKSND Tối cao đã gởi hỏa tốc công văn đến VKS TP.HCM và các cơ quan liên quan trong việc xử lý ông Nguyễn Hữu ... |