Đại học Đông Đô đào tạo "chui" văn bằng 2: Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT ở đâu?

Chuyên gia thắc mắc, Bộ GDĐT thanh tra thực hiện hậu kiểm nhưng tại sao vẫn không phát hiện sai phạm, để ĐH Đông Đô tuyển sinh số lượng lớn khi chưa được phép.

Liên quan đến vụ Đại học Đông Đô chưa được cấp phép nhưng ngang nhiên đào tạo chui văn bằng 2 khiến dư luận bức xúc thời gian vừa qua, trao đổi với VTC News, tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng cần làm rõ quy trình quản lý của Bộ GD&ĐT về việc cấp phép, quản lý phôi bằng.

"Trước đây, khi tôi còn ở Vụ Đại học, có tình trạng các trường phải mua phôi bằng của Bộ. Mỗi lần như vậy, các trường phải giải trình phôi bằng ấy ghi quyết định tốt nghiệp như thế nào, quyết định tuyển sinh ra sao, hỏi rất kỹ và phải trình tất cả các giấy cấp phôi bằng", TS Lê Viết Khuyến nói.

Sau đó, Bộ có chủ trương để các trường tự in bằng. Với các trường không in được bằng, Bộ sẽ bán cho phôi. Tuy nhiên, lúc ấy Bộ chỉ thực hiện chức năng cung cấp phôi, còn việc bán phôi và quản lý việc cấp bằng được giao cho các cơ quan chuyên môn, có chức năng giám sát.

 

Theo ông Khuyến, Bộ GD&ĐT cần giải trình rõ việc quản lý tuyển sinh của trường này, có thanh tra thực hiện hậu kiểm nhưng tại sao vẫn không phát hiện sai phạm, để trường tuyển sinh số lượng lớn khi chưa được phép trong nhiều năm

Bên cạnh đó, ông Khuyến cũng nhấn mạnh vai trò của hội đồng trường, hội đồng quản trị trước sai phạm này.

"Khi trao quyền tự chủ cho các trường trong việc cấp văn bằng, vai trò của hội đồng trường, hội đồng quản trị như thế nào? Tôi có cảm giác như phó mặc cho hiệu trưởng muốn làm gì thì làm. Bộ GD&ĐT cần phải có những giải pháp kịp thời để đưa ra chế tài, hoặc rút không cho trường đó được quyền tự chủ", ông Khuyến nêu quan điểm.

Cần rà soát và thu hồi bằng "rởm"

Theo ông Khuyến, lỗ hổng lớn nhất dẫn đến sai phạm của Đại học Đông Đô nằm ở tính thiếu thống nhất giữa quyền tự chủ của trường và quy trình quản lý của Bộ, cho phép mở cửa nhưng lại không có giải pháp để quản lý hoạt động của cơ sở đại học này.

Liên quan đến giá trị văn bằng 2 được trường này cấp cho học sinh từ trước tới nay, ông Khuyến đưa ra quan điểm: "Nếu người học học theo quy trình rởm, ví dụ thời gian đào tạo mấy năm nhưng chỉ học trong 5-6 tháng hoặc không học, sẽ phải nhanh chóng thu hồi bằng.

Với những trường hợp được đào tạo đúng thực chất nhưng sai sót do quản lý, phải chiếu theo tùy từng trường hợp cụ thể mà xử lý người gây ra sai phạm đó, trên cơ sở chiếu cố đến quyền lợi người học".

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Trước câu hỏi nhiều năm đào tạo như vậy liệu có rà soát hết được các trường hợp hay không, nguyên Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học cho rằng, mỗi khóa tuyển sinh đều phải có hồ sơ lưu, từ hồ sơ sẽ tìm ra trường và việc đào tạo của học sinh đó đúng hay không đúng thực chất. "Tôi nghĩ chỉ sợ ngại làm thôi, còn đã làm thì sẽ ra tất cả", ông Khuyến nói.

Bộ GD&ĐT phải thành lập đoàn thanh tra rà soát lại và xem xét tất cả các chương trình đó; nhà trường phải trình tất cả các tài liệu chứng minh quy trình đúng chất lượng hay không.

Theo ông Khuyến, với khóa tuyển sinh văn bằng 2 năm 2019-2020 thì nên dừng khóa học lại và trường phải bồi hoàn lại tiền thu từ người học.

Ngày 19/7, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Đại học Đông Đô.

Ngày 30/7, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 4 bị can, gồm: Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng trường; Trần Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên; Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương, cán bộ trường Đại học Đông Đô. Cả 4 bị can đều bị khởi tố về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 359 Bộ luật hình sự năm 2015.

Ngày 20/8, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an ra quyết định truy nã ông Trần Khắc Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, Đại học Đông Đô với tội danh "Giả mạo trong công tác

Dù không được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng những năm qua Đại học Đông Đô ngang nhiên thông báo tuyển sinh. 

Trong năm 2017, Đại học Đông Đô công khai tuyển sinh đến 17 ngành đào tạo VB2 gồm: công nghệ kỹ thuật Môi trường; công nghệ Sinh học; công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện tử truyền thông; kỹ thuật xây dựng; Kiến trúc; công nghệ kỹ thuật ô tô; Quản trị kinh doanh; Tài chính Ngân hàng; Quan hệ quốc tế; Luật kinh tế; Việt Nam học; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung; Thông tin học; Kế toán; Quản lý nhà nước. Vào năm 2018, trường này tuyển sinh VB2 thêm ngành Ngôn ngữ Anh.

 

Bộ GD&ĐT từng biết Đại học Đông Đô đào tạo "chui" văn bằng 2?
Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô vừa bị Bộ Công an truy nã là ai?
Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô bị truy nã, hàng trăm học viên kêu cứu
/ vtc.vn