Bộ GD&ĐT từng biết Đại học Đông Đô đào tạo "chui" văn bằng 2?

Đại học Đông Đô đào tạo “chui” văn bằng 2 với 17 ngành, nhưng Bộ GDĐT vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho dư luận.

Từ những quy định Bộ đề ra và thực tế đào tạo tại ĐH Đông Đô, dư luận đặt câu hỏi Bộ GD&ĐT liệu có vô can?

Lỗi tại đâu?

Thông báo tuyển sinh văn bằng 2 (VB2) của ĐH Đông Đô được đăng tải công khai trên website nêu rõ áp dụng theo phương thức tuyển sinh riêng, triển khai theo “Đề án tuyển sinh đại học năm 2017” đối với ngành tuyển sinh năm 2017; triển khai theo “Đề án tuyển sinh đại học năm 2018” đối với ngành tuyển sinh năm 2018”.

Trong khi đó, theo Đề án tuyển sinh đại học năm 2017 của trường này thì nhà trường tự xác định chỉ tiêu đào tạo VB2 hệ đại học chính quy là 150 dành cho 3 khối ngành III,V và VII. Năm 2018, trường tự xác định chỉ tiêu VB2 hệ đại học chính quy là 400, không chính quy là 150 ở các khối ngành III, V và VII. Năm 2019, trường cũng tự xác định chỉ tiêu đào tạo VB2 chính quy là 500; vừa học vừa làm là 150.

Điều đáng nói, Đề án tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường công khai hằng năm đó là hình thức đào tạo đại học chính quy. Thế nhưng, ĐH Đông Đô “lách” bằng cách lồng ghép cả đào tạo thạc sĩ, VB2, liên thông, từ xa vào trong đề án này để công bố lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Chính việc công bố này khiến nhiều thí sinh lầm tưởng trường được cấp phép khi đề án được Bộ GD&ĐT thẩm định.

Theo Quy chế tuyển sinh hệ đại học chính quy của Bộ GD&ĐT, tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia.

Các trường phải chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án.Yêu cầu là thế nhưng không hiểu sao Bộ GD&ĐT lại không phát hiện ra những sai phạm của ĐH Đông Đô để “tuýt còi”. Đề án của ĐH Đông Đô chỉ bị “rút” khi công an vào cuộc.

 Ông Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô trong một lần giảng dạy tiếng Nhật cho sinh viên trường này. (Ảnh: facebook Đại học Đông Đô)

Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT ra sao?

Ngày 12/10/2018, Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ GD&ĐT kiểm tra tại ĐH Đông Đô (địa chỉ: Số 60B, phố Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Biên bản kiểm tra ngành nghề, trình độ và quy mô đào tạo của ĐH Đông Đô nêu rõ: Trường đang đào tạo 1 ngành trình độ tiến sĩ; 7 ngành trình độ thạc sĩ với quy mô 998 học viên; trình độ đại học 23 ngành với quy mô 1.935 sinh viên chính quy. Trong đó đại học chính quy 1.559 sinh viên, đại học liên thông chính quy 53 sinh viên, đại học VB2 chính quy 323 sinh viên.

Không những thế, ngày 14/8/2018, Cục Nhà trường (Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng) có văn bản gửi Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) xin danh sách tổ chức khảo thí và các cơ sở đào tạo của Việt Nam được công nhận đủ điều kiện cấp văn bằng cử nhân đại học (VB2) ngôn ngữ nước ngoài và tổ chức khảo thí được quốc tế, và Việt Nam công nhận Cấp Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 điểm trở lên…

Ngày 21/8/2018, Cục Quản lý chất lượng có văn bản trả lời Cục nhà trường trong đó có nhấn mạnh: “Tại Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư số 24/2017/BGDĐT ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài có mã ngành là 72202. Quý Cục tham khảo danh mục các cơ sở giáo dục ĐH có mã ngành 72202 tại cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT”.

Từ công văn hướng dẫn của Cục Quản lý chất lượng, Cục Nhà trường đưa ra hướng dẫn về quy trình, nội dung xác định trình độ ngoại ngữ đối với người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2018 và những năm tiếp theo.

Hướng dẫn này liệt kê ra danh sách gồm 111 cơ sở đào tạo của Việt Nam được phép đào tạo và cấp văn bằng đại học ngoại ngữ (VB2). Trong danh sách này có nhiều trường đại học ngoài công lập và tất nhiên có cả ĐH Đông Đô.

Vậy nhưng trong thông tin từ Bộ GD&ĐT gửi báo chí ngày 17/8 vừa qua cho biết, Bộ GD&ĐT chưa có văn bản cho phép trường ĐH Đông Đô được đào tạo VB2, vì chưa nhận được văn bản đề nghị của trường về vấn đề này.

Dư luận đặt câu hỏi, liệu Bộ GD&ĐT có vô can trong vụ việc này không, khi chưa cấp phép cho ĐH Đông Đô đào tạo VB2 mà vẫn tư vấn cho Cục Nhà trường (Bộ Tổng tham mưu) tham khảo danh sách có tên ĐH Đông Đô này?

/ vtc.vn