Sau quá trình làm việc nghiêm túc và công tâm, Hội đồng giám khảo cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công thương năm 2020 đã lựa chọn được 12 nhóm cải tiến vào Vòng Chung kết của cuộc thi, dự kiến diễn ra vào ngày 21-12-2020 tại Hà Nội. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có 2 đơn vị vào chung kết cuộc thi là Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công thương năm 2020 do Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và Tạp chí Công Thương tổ chức nhằm ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực, đóng góp của các Nhóm cải tiến với mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp (DN), đồng thời tuyên truyền, thúc đẩy mở rộng việc áp dụng cải tiến năng suất cho các DN trong toàn ngành Công Thương. Sau hơn 2 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hàng chục hồ sơ tham dự đến từ nhiều DN trên toàn quốc.
Trung tâm điều khiển GPP Cà Mau. |
Có nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy nâng cao năng suất cho doanh nghiệp (DN), trong đó áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã được minh chứng là một trong các giải pháp hữu hiệu (chi phí đầu tư không đáng kể nhưng hiệu quả mang lại rất rõ rệt trong việc tiết giảm lãng phí, chi phí, nâng cao năng suất chất lượng, chất lượng sản phẩm hàng hóa…) cho DN, đặc biệt trong bối cảnh DN Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực như hiện nay.
Đại diện của PV GAS tại vòng chung kết của cuộc thi là Nhóm cải tiến của Công ty Khí Cà Mau với Dự án “Giải pháp cung cấp nguồn khí Permeate Gas dư từ Nhà máy Xử lý khí Cà Mau sử dụng cho Nhà máy Đạm Cà Mau”.
Đường nét công trình khí. |
Năm 2018, Nhà máy Xử lý khí Cà Mau (GPP Cà Mau) do Công ty khí Cà Mau (KCM) thuộc PV GAS chính thức đi vào hoạt động, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và và đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp khí Việt Nam. Nhà máy GPP Cà Mau sở hữu nhiều công nghệ hàng đầu hiện nay, có yêu cầu cao về mặt kỹ thuật và công nghệ, tạo ra ưu điểm nổi trội so với các nhà máy khác tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức lớn đối với đội ngũ cán bộ công nhân viên KCM trong tiếp nhận và làm chủ công nghệ chưa từng áp dụng ở Việt Nam. Với nỗ lực và lòng quyết tâm, chỉ trong thời gian ngắn sau khi tiếp nhận, tập thể cán bộ KCM đã hoàn toàn làm chủ công nghệ. Trong quá trình này, đội ngũ cán bộ, kỹ sư công ty còn phát huy sức mạnh trí tuệ, tính chủ động và sáng tạo để giải quyết các vấn đề phát sinh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vận hành an toàn, hiệu quả nhà máy. Tiêu biểu có cải tiến kỹ thuật “Các giải pháp nâng cao độ tin cậy, giảm thiểu tần suất ngưng hoạt động máy nén Landfall Station do lỗi tín hiệu điều khiển”, nhằm đảm bảo nhà máy hoạt động ổn định.
Máy nén K-4201 và hệ thống điều khiển máy nén do hãng Solar Turbine (Hoa Kỳ) phát triển tại Trạm tiếp bờ của Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau đóng vai trò quan trọng trong hoạt động vận hành của toàn nhà máy. Máy nén làm việc trong môi trường khắc nghiệt với áp suất, nhiệt độ cao cùng với đó là từ trường lớn do các động cơ công suất lớn sinh ra. Điều này đã khiến các thiết bị đo đếm của máy bị nhiễu hoặc lỗi nội tại của thiết bị rất cao. Khi xuất hiện các lỗi thì hệ thống điều khiển nhà máy sẽ dừng hoạt động máy nén, dẫn đến dừng hoạt động toàn nhà máy, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất và gây thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng/năm.
Một góc công trình GPP Cà Mau. |
KCM cùng các nhà thầu và đội ngũ chuyên gia đã điều tra nhiều lần nhưng chưa tìm ra nguyên nhân gốc và chưa có biện pháp xử lý tối ưu các lỗi của máy nén. Với quyết tâm giải quyết triệt để vấn đề tồn tại, đảm bảo nhà máy GPP Cà Mau vận hành ổn định, hiệu quả và an toàn, Công ty Khí Cà Mau đã thành lập nhóm cải tiến với 4 thành viên, kỹ sư. Trong giai đoạn từ tháng 5-2017 đến tháng 6-2017, nhóm cải tiến đã nghiên cứu và tiến hành giải quyết các vấn đề xảy ra với máy nén bằng cách tổng hợp các giải pháp cải hoán qua nhiều giai đoạn như cải hoán logic chống nhiễu cho thiết bị điều khiển để loại bỏ các lỗi nhiễu; tối ưu hoá thuật toán điều khiển để không phải thay đổi hiện trạng thiết bị, phần cứng; đưa các giá trị theo dõi quan trọng ra màn hình để vận hành viên giám sát; thống kê lỗi bằng lập trình logic để đưa cảnh báo sớm.
Các giải pháp đã được triển khai thành công và chứng minh hiệu quả rõ rệt khi tần suất ngưng hoạt động của máy nén giảm từ 13 lần xuống chỉ còn 4 lần/năm (thống kê trong năm 2017 so với các năm trước). Đặc biệt, không còn xuất hiện lỗi ngưng hoạt động do lỗi, nhiễu hệ thống điều khiển, góp phần nâng cao tuổi thọ của các thiết bị liên quan. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trên thế giới, hệ thống điều khiển máy nén của hãng Solar Turbine được áp dụng cải hoán Logic điều khiển để loại bỏ các tín hiệu nhiễu thành công. Giải pháp mở ra phương án kỹ thuật nâng cao hiệu quả hoạt động cho trên 40 hệ thống tương tự đang được sử dụng tại các công trình dầu khí của Việt Nam.
Các tính toán cho thấy, việc xử lý thành công lỗi máy nén đã làm lợi cho nhà máy GPP Cà Mau hơn 28 tỷ đồng mỗi năm, góp phần duy trì ổn định cấp khí cho các đơn vị trong cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau và đảm bảo nhà máy GPP Cà Mau hoạt động ổn định. Tính hiệu quả đóng góp của dự án đã thuyết phục Hội đồng cấp Quốc gia của Cuộc thi và xứng đáng có mặt tại vòng chung kết cuộc thi nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020.
Vòng chung kết sẽ được chia thành hai phần thi: Phần trình bày của các nhóm xuất sắc nhất và Phần các chuyên gia, doanh nghiệp, chia sẻ, đánh giá, xếp loại với hình thức truyền tải thông điệp hấp dẫn, ấn tượng. 12 Nhóm cải tiến có điểm số cao nhất sẽ tiếp tục thuyết trình trực tiếp trước Hội đồng giám khảo tại Vòng chung kết – dự kiến diễn ra vào ngày 21-12-2020 tại Hà Nội.
Hội đồng giám khảo và Ban Kỹ thuật Cuộc thi gồm Chủ tịch Hội đồng giám khảo TS Nguyễn Anh Tuấn (Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ); ThS Nguyễn Thu Hiền (Phó viện trưởng, Viện Năng suất Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ); PGS, TS Đỗ Thị Ngọc (Đại học Thương mại); TS Võ Trí Thành (Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh) và ThS Kiều Nguyễn Việt Hà (Phó trưởng Phòng, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương).