Đại biểu Quốc hội muốn kiểm toán việc điều hành giá điện

Báo cáo giải trình của Chính phủ được các đại biểu Quốc hội cho rằng "chưa thuyết phục" nên họ đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc.

Chuyện tăng giá bán lẻ điện thêm 8,36% tiếp tục làm nóng phiên thảo luận ở tổ về kinh tế xã hội của Quốc hội sáng 22/5.

Hôm qua 21/5, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội giải trình cặn kẽ về quyết định tăng giá điện, thời điểm tăng cũng như kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương về tăng giá. Tuy nhiên, giải trình này chưa thuyết phục các đại biểu Quốc hội.

Ông Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng Chính phủ đã có giải trình về cơ chế tính nhưng vẫn cần làm rõ hơn để người dân yên tâm. "Cử tri không biết cách tính giá nhưng biết tăng giá sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và so sánh với giá cả khác thì việc tăng của mặt hàng này chưa phù hợp", ông Cầu nói và đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán lại giá điện và giá xăng dầu xem có đúng như đề xuất của các cơ quan hay không.

"Nếu kiểm toán vào trả lời thì dù tăng hay giảm, người dân cũng thấy minh bạch. Người dân nói tăng giá dù có ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống nhưng quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả. Kiểm toán nên vào cuộc cho cử tri yên tâm", ông Nguyễn Hữu Cầu đề nghị.

dai bieu quoc hoi muon kiem toan viec dieu hanh gia dien

Ông Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An.

Đồng tình, bà Lê Thu Hà - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại cho biết, qua tham khảo ý kiến của nhiều nhà kinh tế thì thực tế giá điện không phải tăng 8,36% như công bố. "Tôi đồng tình với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, có lẽ nên để Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như kinh doanh điện", bà Hà nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) đề nghị, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao Quốc hội giám sát chuyên đề, có Nghị quyết giao Chính phủ điều hành, đảm bảo tính công khai, minh bạch quản lý xây dựng định mức giá điện.

Có mặt tại phiên thảo luận, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tới đây sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ báo cáo tài chính EVN và điều hành giá điện năm 2019. "Sai ở đâu Chính phủ, các bộ ngành nhận khuyết điểm chỗ đó", ông nói.

Đại diện Chính phủ cũng chia sẻ thêm, xăng dầu và điện là mặt hàng bình ổn giá, có điều tiết của Nhà nước và cần từng bước mới tiến tới được thị trường toàn diện. "Chính phủ điều hành công khai minh bạch, đảm bảo hài hòa có thị trường nhưng có điều tiết của nhà nước", ông Huệ nói.

Đồng tình với giải trình về lý do tăng giá điện của Chính phủ, song ông Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng cách chia biểu giá điện thành 6 bậc thang hiện nay chưa hợp lý. "Chưa hợp lý thì phải sửa", ông Ngân nói.

Dẫn báo cáo của Chính phủ, ông nêu, hiện Nhật Bản chỉ có 3 bậc thang giá điện, Thái Lan 7 bậc, Việt Nam 6 bậc nhưng cách chia và định mức mỗi bậc của Việt Nam chưa thật hợp lý với bối cảnh hiện nay. Nhu cầu sử dụng điện của người Việt Nam tăng lên do thu nhập tăng, nhu cầu và điều kiện sử dụng các thiết bị phục vụ sinh hoạt cũng cao hơn. "Do đó bậc thang tính giá điện phải thay đổi để mức tăng giá điện 8,36% không ảnh hưởng nhiều đến người dân", đại biểu TP HCM nói.

Từ đó, ông Ngân đề xuất gộp bậc 1 và bậc 2 thành một bậc từ 0-100 kWh, bậc 3 và bậc 4 thành một bậc từ 101-300 kWh.

dai bieu quoc hoi muon kiem toan viec dieu hanh gia dien
Nhân viên EVN Hà Nội ghi lại các thông số của trạm biến áp. Ảnh: Ngọc Thành.

Bà Lê Thu Hà cũng cho rằng, việc Bộ Công Thương lý giải tính luỹ tiến 6 bậc là căn cứ tham khảo của một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, song ở các nước này họ có nhiều chính sách đi kèm. Như ở Mỹ có nhiều cơ quan cung cấp điện và cạnh tranh, phân biệt mức giá điện kinh doanh và điện sinh hoạt. Bên cạnh đó, những hộ thu nhập thấp được giảm giá đáng kể để không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân.

Tương tự, ở Hàn Quốc, Chính phủ có thời điểm đưa ra chính sách giảm giá điện, giúp các hộ dùng điện vượt qua thời điểm nắng nóng.

Nữ đại biểu cũng đặt vấn đề cử tri nghi ngờ mức tăng vì có vấn đề bù chéo giá điện. Tức là, phần mua của người dân giá cao để bù cho khu vực sản xuất công nghiệp, trong khi khu vực sản xuất chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện cao hơn. "Cần có câu trả lời rõ ràng về chính sách bù lỗ giá điện thực chất là thế nào và vấn đề này có liên quan đến tăng giá điện hay không", Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại nói.

Về lâu dài, bà đề nghị, cần đa dạng hoá thành phần tham gia vào phân phối điện lực.

Trong khi đó ông Phạm Phú Quốc lo lắng, giá điện tăng kéo theo giá sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng... tăng. "Áp lực cho các mặt hàng trong nước tăng khi giá điện điều chỉnh. Kiểm soát lạm phát các tháng cuối năm đáng lo ngại", ông nói.

Anh Minh

dai bieu quoc hoi muon kiem toan viec dieu hanh gia dien Chính phủ báo cáo Quốc hội thế nào về việc tăng giá điện và xăng?

Chính phủ cho rằng việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đã được cân nhắc kỹ càng về thời điểm và mức tăng. Với mặt ...

dai bieu quoc hoi muon kiem toan viec dieu hanh gia dien Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm còn 3 bậc giá điện

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đề xuất Chính phủ xem xét lại cách tính giá điện theo bậc thang, giảm còn 3 bậc ...

/ VnExpress