Góp ý dự thảo Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, đại biểu cho rằng nếu cấu trúc mô hình vẫn bình thường thì không phải đặc biệt
Đặc khu kinh tế
Ngày 4-4, đã diễn ra hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách cho ý kiến dự thảo Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Đặc khu vẫn có HĐND, UBND và bỏ chức danh trưởng đặc khu
Tiếp thu góp ý của ĐBQH, lần này, tên gọi của luật đã được bổ sung tên các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, thành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Đáng chú ý, trong các quy định cụ thể của dự thảo luật, cụm từ "đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" được gọi tắt là "đặc khu".
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật - Ủy ban Pháp luật, cho biết về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại đặc khu được chỉnh lý gồm có HĐND đặc khu và UBND đặc khu. UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu, chỉ bao gồm chủ tịch và 2 phó chủ tịch. Chủ tịch UBND đặc khu có những thẩm quyền vượt trội được phân quyền từ chính quyền trung ương và cấp tỉnh. Tuy nhiên, dự thảo luật cũng quy định: Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trên cơ sở thống nhất với chủ tịch UBND cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Trong đặc khu có các khu hành chính do trưởng khu hành chính đứng đầu. Trưởng khu hành chính là do chủ tịch UBND đặc khu bổ nhiệm.
Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về việc thành lập Ban Tư vấn sẽ thêm ràng buộc với chủ tịch UBND đặc khu Ảnh: NGUYỄN NAM
Góp ý dự luật, ĐBQH Bùi Văn Phương (Quảng Bình) nói: "Chúng ta sợ giao quá nhiều quyền cho trưởng đặc khu thì sợ lạm quyền, sợ không có cơ chế giám sát nên quay lại mô hình HĐND, UBND. Tôi cho là không phù hợp và không sát với tinh thần vì đây là đơn vị hành chính đặc biệt. Đặc biệt chỗ nào, chứ vẫn cấu trúc mô hình bình thường thì không phải đặc biệt".
Theo ông Phương, đặc biệt của đặc khu chính là tính vượt trội ở thẩm quyền được giao, vượt trội ở cơ chế đặc biệt. "Chính sách ưu đãi thì quản lý và điều hành phải thể hiện sự thông thoáng. Tôi đề nghị không tổ chức HĐND ở đặc khu, chỉ tổ chức cơ quan là UBND. Tôi cho rằng, cái gốc vẫn là công khai, minh bạch trong giám sát" - ông Phương kiến nghị.
Thêm Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu!
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về việc thành lập Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu (Ban Tư vấn) do Thủ tướng thành lập nhằm thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của trung ương đặt tại từng đặc khu để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu. Ban Tư vấn chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá hoạt động của UBND, chủ tịch UBND đặc khu, kiến nghị với Thủ tướng về những vấn đề có liên quan đến phát triển đặc khu.
Góp ý về quy định Ban Tư vấn, ĐBQH Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) băn khoăn: "Ban Tư vấn được giao quyền quá lớn khi dự luật quy định một loạt đầu việc mà chủ tịch UBND đặc khu phải xin ý kiến Ban Tư vấn này. Vô hình trung thêm ràng buộc với chủ tịch UBND đặc khu".
Tán đồng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan cũng cho rằng có thêm ban này là chồng chéo chức năng vì UBND đặc khu đã chịu sự giám sát, điều hành của nhiều cấp rồi, lại thêm một cơ chế khác, sẽ thành bó buộc.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Quang Trung, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật thừa nhận cũng phân vân với quy định này. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định giải thích: "Chúng tôi cũng có băn khoăn nên mới đưa nội dung này ra báo cáo để xin ý kiến các ĐBQH. Cá nhân tôi thì thấy bỏ được Ban Tư vấn cũng tốt vì bản thân Thủ tướng hay chủ tịch UBND đặc khu cần thì hoàn toàn có thể lập đội tư vấn cho mình mà không cần ghi vào luật".
Lo ngại quốc phòng, an ninh
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê (TP HCM), đặt vấn đề: "Đột phá là cần nhưng không được dễ dãi. Luật giao đất quá rộng và quyền sử dụng 90 năm cho nhà đầu tư nước ngoài. Sau này con cháu sẽ xử lý như thế nào nếu có liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh? Cử tri TP HCM rất lo lắng. Cần phải quan tâm đến chủ quyền khi thực hiện ưu đãi".
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhìn nhận 3 địa điểm được lựa chọn (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc - PV) là vị trí đặc biệt, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. "Thế giới cảnh báo rằng đang có xu hướng thay đổi từ quyền lực cứng sang quyền lực mềm, đó là mua chuộc, chi phối cán bộ và xâm lấn thông qua sở hữu đất đai, đầu tư kinh tế. Với những ưu đãi như vậy, tôi rất lo lắng" - ông Vân thẳng thắn.
Facebook, Google phải có cơ quan đại diện tại Việt Nam
Cùng ngày, hội nghị ĐBQH chuyên trách cũng cho ý kiến dự thảo Luật An ninh mạng. Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về dự thảo Luật An ninh mạng, ông Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (QPAN), cho biết cơ quan này đề nghị không quy định nội dung yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam. Về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, Ủy ban QPAN đề nghị giữ lại nội dung này trong dự thảo luật, nhưng có giới hạn về chủ thể (doanh nhiệp) và dữ liệu lưu trữ tại Việt Nam như điểm dự thảo luật đã chỉnh lý. Quy định như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử; phù hợp với các điều ước quốc tế... Thực tế hiện Google đã thuê 1.781 máy chủ, Facebook đã thuê 441 máy chủ tại Việt Nam để lưu trữ dữ liệu.
Thế Dũng
Phản đối đưa danh sách Fortune Global 500 của Forbes vào luật đặc khu
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho rằng việc đưa tiêu chí nhà đầu tư chiến lược dựa vào danh sách 500 công ... |
Lo giao đất đặc khu tới 99 năm ảnh hưởng tới chủ quyền quốc gia
Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng quy định giao đất cho các dự án lên tới 99 năm tại các đặc khu ... |
Đặc khu kinh tế có "phố đèn đỏ": Ngại dư luận nên chưa quyết!
Lãnh đạo một số tỉnh, thành đã xem xét việc thí điểm "phố đèn đỏ" tại các đặc khu kinh tế nhưng do thấy nhạy ... |