Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 56)

Linh cúi đầu với vẻ phục thiện và nói: Nếu các anh đã thấy như thế thì ngày mai tôi sẽ điều chỉnh mức ăn cho công nhân, còn lương của mọi người đã giảm thì các anh cũng thông cảm là không thể tăng được nữa.

dac biet nguy hiem ky 56 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 55)

Bình bị giam biệt lập ở trại giam công an một huyện. Tuy huyện ấy chỉ cách thành phố chừng hai mươi cây số nhưng ...

dac biet nguy hiem ky 56 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 54)

Nói xong Quynh cúp máy. Trương ngồi thừ ra hồi lâu, rồi hắn gọi một gã đệ tử vào: Này, thằng Quynh Kova vừa gọi ...

Linh nói:

- Thưa các anh, cờ đến tay ai người nấy phất. Cũng như tôi thôi. Có bao giờ tôi nghĩ mình lại làm Tổng giám đốc điều hành một công ty lớn như thế này đâu. Ngày xưa, khi tôi nói chuyện với ông Bình về tìm việc làm thì ông Bình bảo: Đàn bà con gái ở nhà mà lo cơm nước, nuôi con, đi làm làm gì, gia đình cũng có thiếu thốn gì đâu. Giờ thì anh thấy đấy… Nhưng thôi, nếu như các anh ủng hộ thì có gì các anh bảo ban anh ấy giúp.

Anh Phó giám đốc Sở Công Thương nói luôn:

- Nhưng có việc này chị phải cân nhắc. Tôi thấy việc chị cắt giảm tiền ăn của công nhân là không nên. Tiền công ty vẫn không phải là hết, tại sao chị lại đi cắt suất ăn của công nhân nhiều như thế? Tôi đã xuống xem bữa ăn của họ, nếu như ăn như vậy thì làm sao đảm bảo sức khỏe để tái sản xuất.

Linh nói:

- Dạ, cũng thưa các anh. Tình hình công ty có những khó khăn. Các anh biết rồi đấy. Bây giờ cắt giảm chi tiêu được đồng nào hay đồng đấy. Thật ra bữa ăn đúng là có giảm sút thật nhưng cũng không đến nỗi nào.

Anh cán bộ cảnh sát kinh tế nói:

- Theo tôi, tốt nhất chị cứ nâng tiền ăn lại như cũ để công nhân người ta còn yên ổn làm việc. Chứ bây giờ nếu như họ bỏ đi, thử hỏi cơ nghiệp này sẽ ra sao.

Linh cúi đầu với vẻ phục thiện và nói:

- Nếu các anh đã thấy như thế thì ngày mai tôi sẽ điều chỉnh mức ăn cho công nhân, còn lương của mọi người đã giảm thì các anh cũng thông cảm là không thể tăng được nữa.

Phó giám đốc Sở Công Thương nói:

- Cái này tùy chị. Cơ nghiệp gây dựng nên không phải ngày một ngày hai mà có. Nếu như chỉ vì mấy đồng lương mà các cán bộ chủ chốt bỏ đi, rồi đến lúc gây dựng lại không được đâu.

Cuộc họp tan. Linh ra về. Tổ công tác cũng sắp xếp tài liệu để ra về. Phó giám đốc Sở Công Thương nói:

- Bà cô này mà đưa thằng Quynh về thì chắc là muốn chiếm hết cơ nghiệp của thằng Bình đây.

Anh cảnh sát kinh tế bảo:

- Chiếm làm sao được. Tất cả tài sản này là của thằng Bình, nó đã chết đâu mà chiếm được.

Một nữ cán bộ của phòng thuế nói:

- Tôi cũng đã nghe có người xì xèo nói cái Linh này vẫn bồ bịch với thằng Quynh. Thế nên bây giờ đưa nhau về làm thế này thì chẳng âm mưu để chiếm công ty thì làm cái gì. Còn thằng Bình không tử hình thì cũng chung thân. Ngồi mãn kiếp.

Phó giám đốc Sở Công Thương nói:

- Khiếp thật. Người ta cứ bảo “đàn bà nông nổi giếng khơi” nhưng mà như cô này thì mưu mô hơn mình nghĩ nhiều.

Hai ngày hôm sau, tại trụ sở công ty, việc đề bạt Lê Văn Quynh làm Phó tổng giám đốc diễn ra trong không khí tẻ nhạt. Một cán bộ phòng tổ chức đứng lên đọc quyết định. Sau khi đọc quyết định xong, Linh trao quyết định cho Quynh rồi nói:

- Thay mặt Hội đồng Quản trị và ban lãnh đạo Tổng Công ty, xin chúc mừng anh Quynh đã được chúng tôi tín nhiệm giao cho cương vị mới. Chúng tôi mong rằng anh Quynh sẽ không phụ lòng tin của cán bộ, công nhân viên và người lao động tại Tổng Công ty.

Quynh đứng lên, từ tốn nói:

- Thưa các anh, các chị, tôi cũng xin hứa sẽ cố hết sức để cùng các anh chị vực công ty lên trong lúc khó khăn như thế này. Nhân đây cũng phải nói với các anh các chị, tôi là người cũng làm kinh doanh lâu năm cho nên tính tôi sòng phẳng và quyết liệt. Nếu như việc gì có lợi cho công ty, có lợi cho tập thể tôi sẽ làm hết mình, còn những việc khác, xin lỗi các anh các chị. Nếu như tôi có ý kiến trái chiều thì cũng mong các anh, các chị thể tất.

dac biet nguy hiem ky 56

Mọi người nhìn nhau chẳng ai nói năng gì. Linh nói luôn:

- Sau khi Quynh đã được bổ nhiệm, tôi giao cho anh Quynh là Phó tổng giám đốc phụ trách nhân sự và tài chính của Tổng Công ty. Tất nhiên anh Quynh biết đấy, hiện nay công ty đang trong giai đoạn điều hành tất cả mọi việc ở đây là do tổ công tác quyết định. Cho nên, anh Quynh làm bất cứ việc gì cũng đều phải có ý kiến tập thể và được tổ công tác đồng ý.

Quynh nói:

- Điều này tôi hiểu.

Cuộc họp tan. Quynh được sắp xếp vào phòng làm việc mới. Đó là phòng làm việc của Trần Vũ. Quynh vào phòng, nhìn rồi cười khẩy nói với Linh:

- Cái thằng này, ai lại chọn chỗ ngồi quay lưng ra cửa. Chết là phải.

Rồi Quynh quay ra gọi một nhân viên đứng ngoài:

- Cô gọi mấy người vào đây, kê lại bàn ghế cho tôi. Mà thôi cái bàn này ám lắm, thay cho tôi cái bàn khác.

Linh nói:

- Cứ từ từ, làm gì mà sốt ruột thế. Anh cứ ngồi tạm cái bàn này mấy hôm không được sao.

Quynh nói:

- Không. Anh ngồi làm việc dưới đất còn hơn ngồi bàn của thằng Vũ. Ai lại mình là phó tổng giám đốc mới lại đi ngồi bàn của thằng đang bị bắt giam. Thế còn ra cái gì nữa.

Các nhân viên phục vụ chạy đến. Quynh nói như ra lệnh:

- Các anh chị bê hết bàn, ghế, salon để ra ngoài và đưa xuống kho. Còn để phòng làm việc của tôi trống cũng được. Mua cho tôi một cái chiếu về đây. Buổi trưa tôi ngủ luôn tại đây, thế là xong.

Linh vội vàng dàn hòa:

- Thôi, thôi. Làm gì mà anh vội vàng thế. Thôi được rồi, để đấy.

Linh gọi Trưởng phòng Tài chính và nói:

- Chị làm đề xuất mua bàn ghế và các vật dụng cần thiết cho anh Quynh. Chị làm xong đưa tôi ký rồi mang lên trình tổ công tác.

Chiều hôm đấy, một loạt các tờ báo điện tử đưa tin “Công ty Hưng Thịnh đã có thêm một Phó tổng giám đốc” và họ đưa ảnh Linh trao quyết định cho Quynh.

Túc, người yêu của Ngân đọc trên báo điện tử rồi vội vàng gọi cho Ngân. Ngân đang thái độ buồn rầu, nhìn thấy số máy của Túc, cô vội vàng vồ lấy máy và nói:

- Anh gọi em à?

Túc nói:

- Em đọc trên báo mạng mà xem, bà Linh đưa thằng Quynh về làm phó tổng giám đốc rồi.

Ngân nói:

- Trời ạ, tại sao tổ công tác lại để cho bà ấy đề bạt?

Túc nói:

- Việc này thì có giời biết. Nhưng mà thế này lại sinh chuyện đây. Nó đưa thằng Quynh về, chắc chắn là nó sẽ âm mưu lấy hết tài sản, cơ nghiệp của anh Bình đấy.

Ngân nói:

- Vậy thì anh phải có cách gì giúp anh Bình chứ?

Tiếng của Túc buồn rầu:

- Em ơi, làm sao anh bây giờ có thể giúp được. Mà tiện đây, anh nói cho em thêm một thông tin nữa. Hôm nay anh vừa được nghe bên Phòng Cảnh sát hình sự họ nói, bà Linh đã mang chuyện anh Bình tức tối nói đe giết thằng Hoàng nộp cho công an.

Ngân nói:

- Cái gì? Bà Linh tố cáo anh Bình em à?

Túc nói:

- Không biết trong lúc anh Bình say rượu, nói năng như thế nào, bà Linh đem kể câu chuyện cho thằng Quynh. Thằng Quynh ghi âm lại và nó mang nộp cho công an chứ không phải bà Linh tố cáo.

Ngân ngồi sững sờ rồi cô thốt lên:

- Đúng là đồ rắn độc.

Túc vội vàng can:

- Lúc này phải bình tĩnh.

Ngân nói như hét lên:

- Anh bảo phải bình tĩnh, bình tĩnh cái gì? Vì chuyện anh tôi bị bắt mà người yêu tôi rũ bỏ, rồi bây giờ lại chuyện chị dâu tôi mang chứng cứ để giết chồng như thế này thì anh bảo tôi bình tĩnh cái gì?

Túc nói:

- Em cứ yên tâm. Bình tĩnh đi. Không phải rằng cứ có cái băng ghi âm này có thể cột tội được anh Bình đâu.

Ngân tắt máy rồi khóc nức nở.

Bà Ất thấy con gái khóc vội vàng hỏi:

- Có chuyện gì thế con?

Ngân nói:

- Mẹ ơi, con Linh nó giết anh Bình rồi.

Bà Ất hỏi:

- Sao? Có chuyện gì vậy?

Ngân bảo:

- Một lần anh Bình đi uống rượu say về, không biết tức tối thằng Hoàng cái gì, anh ấy nói như thế nào đó. Chắc là trong câu nói cũng sẽ có câu “tao sẽ giết thằng Hoàng”. Thế là con Linh mang kể với người tình cũ là thằng Quynh. Thằng Quynh ghi âm lại, bây giờ mang nộp cho công an.

Bà Ất ngồi phịch xuống và nói:

- Trời ơi, sao số kiếp tôi lại như thế này? Sao đời tôi lại có đứa con dâu khốn nạn như thế này?

***

Tại phòng làm việc của Giám đốc Công an tỉnh Trần Thiều.

Giám đốc Trần Thiều đọc báo cáo do Đại tá Hường gửi lên. Ông thừ người ra. Bản báo cáo nói rõ về những hành vi phạm tội của Bình và những chứng cứ đã thu thập được. Báo cáo kết luận: Mặc dù Phạm Bình vẫn ngoan cố không nhận tội, tuy nhiên trước những cứ đã thu thập được như sự chứng kiến và lời khai của nhân chứng là Tuấn - lái xe taxi, lời của Linh kể với Quynh Kova thì có thể thấy rằng việc Phạm Bình giết Hoàng là âm mưu có chủ đích từ trước. Với tất cả những chứng cứ trên, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đề nghị Viện Kiểm sát cho khởi tố và đưa Phạm Bình ra xét xử càng sớm càng tốt.

Đại tá Thiều ngần ngừ một lát rồi ông cầm bút phê vào góc bản báo cáo:

Đề nghị các đồng chí phải xác minh làm rõ những vấn đề sau: Liệu có ai đồng phạm với Bình không? Tại sao Bình có thể dễ dàng đánh chết được Hoàng như vậy? Việc Phạm Bình giết Hoàng có phải do say rượu hay không?

Viết xong ông ký tên rồi gọi thư ký vào.

Anh thư ký đeo cấp hàm trung úy vào:

- Báo cáo giám đốc, giám đốc gọi em ạ?

Giám đốc Thiều:

- Đồng chí copy lại văn bản này. Lưu cho tôi một bản, còn lại gửi cho anh Hường.

***

Tại tòa soạn Báo Pháp luật Ngày nay.

Buổi họp giao ban sáng thứ Hai hằng tuần diễn ra rất đúng giờ. Tham dự cuộc họp sáng thứ Hai thường chỉ có các phóng viên, một số trưởng ban nghiệp vụ và tổng biên tập. Chưa đến tám giờ, các phóng viên đã vào ngồi trong phòng họp. Tờ báo cũng có cách làm việc rất Tây. Ở góc nhà có để một bình cà phê pha sẵn, đường, trà lipton, có cả chanh và có cả những chiếc bánh ngọt nho nhỏ. Các phóng viên, người lấy bánh ra ăn, người lấy cà phê uống và trò chuyện nho nhỏ. Hoan ngồi một góc. Thúy mang một ly cà phê đến ngồi bên cạnh Hoan, nét mặt đầy vẻ thách thức. Cô cũng không nói câu nào chỉ thỉnh thoảng liếc nhìn Hoan bằng ánh mắt khinh bỉ. Hoan hiểu ánh mắt đó, anh ta lấy cớ đi ra lấy trà uống rồi nhìn sang một góc khác. Thái độ của Hoan khiến một số anh chị em phóng viên ngạc nhiên. Tuy nhiên, không ai biết rằng vợ chồng Hoan đã chia tay. Một nữ phóng viên nói với đồng nghiệp bên cạnh:

- Này, trông thái độ bà Thúy với ông Hoan lạ chưa? Hình như là vợ chồng nhà này có chuyện.

Một nữ phóng viên nói:

- Lấy chồng mà lấy phải thằng như lão Hoan này thì chặt khúc chuối về ôm còn hơn.

Nữ phóng viên nói:

- Làm gì mà cậu nghiệt ngã thế?

Nữ phóng viên cười khẩy và bảo:

- Tay Hoan về đây từ cái hồi còn tập tọe viết tin bao diêm. Tớ biết trình độ hắn thế nào rồi. Chẳng qua từ cái hồi hắn là loại lưỡi dài hơn chân, khéo nịnh bợ cho nên đời tổng biên tập nào cũng có vẻ trọng dụng. Thằng cha này tuy viết không ra gì nhưng có một biệt tài…

Nữ phóng viên khác hỏi:

- Cậu bảo biệt tài gì?

- À, hắn có biệt tài đón ý của tổng biên tập. Lát nữa rồi cậu xem. Tớ thấy cuộc họp nào hắn cũng nói được, làm cho tổng biên tập vui lòng.

Câu chuyện của hai người khiến những người xung quanh để ý. Một phóng viên nam góp vào:

- Các bà đúng là hay tóc mách. Chuyện người ta thì kệ người ta. Để ý làm gì.

Một nữ phóng viên lừ mắt bảo anh ta:

- Ông cứ lo thân ông ấy. Tôi thấy ông cứ suốt ngày rượu chè, rồi không khéo lại chết vì sơ gan cho mà xem.

Anh chàng phóng viên kia cười hì hì và nói:

- Ôi, thà chết bên mâm rượu còn hơn ra dựa cột chết như tay Bình.

Nhắc đến Bình, tự dưng mọi người chú ý hẳn.

Một người hỏi Thúy:

- Này Thúy, chị viết về pháp luật, về nội chính nhiều năm. Theo chị thì tay Bình này sẽ chịu mức án như thế nào?

Thúy nói:

- Làm sao mà biết được. Ở nước mình pháp luật được hiểu theo ý thích từng người.

Một người hỏi:

- Chị bảo theo ý thích từng người là như thế nào?

Thúy nói với giọng bất cần:

- Nếu như nó có người chạy án tốt thì người ta sẽ lại bảo rằng hắn nhỡ tay đánh chết hoặc trong lúc nóng giận không ghìm được. Và do giỏi võ nên lỡ tay đánh chết. Nếu như mà chạy án không tốt, không có người che đỡ cho thì lại thành ra chuyện một kẻ côn đồ. Ngày xưa, từng có tiền án về tội đánh chết người và bây giờ lại tái phạm. Loại người này cần loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. Thế thôi. Cậu thấy đấy, mấy vụ tham nhũng ở tỉnh mình, nghe thì rõ ghê nhưng rồi cuối cùng ra tòa toàn án treo, rồi cảnh cáo trước tòa. Cho nên, vấn đề không phải là tòa công tâm hay không công tâm, xét xử giỏi hay không giỏi mà vấn đề là chạy án kiểu gì.

Trưởng phòng Hoan nghe vợ nói như thế, thấy khó chịu lên tiếng:

- Em cứ nói toàn giọng tiêu cực. Thế nào là pháp luật hiểu theo ý muốn từng người.

Thúy cười nhạt và nói:

- Anh lại định tố cáo tôi đấy à? Tôi nói thế đấy. Tí nữa thưa bẩm với tổng biên tập ấy.

Hoan ngồi im, không nói gì nữa.

Vừa lúc ấy tổng biên tập vào. Cuộc họp giao ban bắt đầu. Tổng biên tập Tuân nói:

- Hôm nay tôi có việc phải đi họp trên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho nên lát nữa việc giao ban, nhận xét, phê bình tuần vừa rồi thì phó tổng biên tập Lâm sẽ phụ trách. Tuy nhiên, cũng phải nói mấy việc như thế này để lát nữa các anh chị thảo luận. Tôi thấy vụ án của tay Phạm Bình báo ta viết rất hời hợt, hầu như không có bài nào sâu. Tôi đã giao cho cô Thúy đảm nhiệm vụ này nhưng tôi không hiểu tại sao chỉ được một số tin thông tấn. Mà những tin đó báo nào cũng có. Tôi cũng không hiểu tại sao các báo lắm thông tin như thế mà báo ta thì lại… Viết cứ khô không khốc ấy. Tôi đề nghị các anh các chị lát nữa giải đáp cho tôi tại sao lại có tình trạng như vậy. Nói về trình độ chuyên môn viết về nội chính thì ở đây không ai qua mặt được chị Thúy. Vậy mà trong vụ này, bài vở của chị Thúy viết thế nào? Mọi người thấy đấy.

Thúy đứng phắt dậy và nói luôn:

- Báo cáo anh Tuân, anh nói thế chắc là ám chỉ tôi ăn gì, uống gì của tay Bình nên tôi không viết chứ gì?

Tuân nói:

- Không. Cô hiểu sai ý tôi rồi. Tôi chưa nói như thế.

Thúy gay gắt:

- Anh không nói như thế nhưng cách nói của anh làm người ta hiểu rằng anh nghĩ như thế. Vậy anh đã nghĩ như thế thì tôi cũng nói luôn. Tôi không đồng tình với cách làm của Cơ quan Công an trong vụ án này.

Tổng biên tập Tuân nói:

- Chị không đồng tình là như thế nào?

Thúy nói:

- Tôi không đồng tình với cách. Bắt tội phạm kinh tế như thế. Như cô Chung, cô ấy là kế toán, việc gì phải bịt mắt người ta. Rồi Trần Vũ, rồi anh phụ trách bảo vệ nữa. Trời ạ, cứ làm như đó là tội phạm mafia nguy hiểm bậc nhất thế giới ấy. Tôi cũng không hiểu tại sao bây giờ Phạm Bình bị giam ở đâu gia đình cũng không biết. Không được thăm nuôi, tiếp tế. Lên hỏi thì cứ người này bảo tại người kia và nói đang trong thời gian giam cứu. Thế là thế nào? Thế rồi lại còn một loạt những việc khác nữa. Trong khi cơ quan Interpol Việt Nam đã trả lời rằng không có bằng chứng nào nói rằng Phạm Bình đã bị bọn mafia nước ngoài sử dụng để tẩy rửa tiền. Thế nhưng không có báo nào nêu điều này mà tất cả đều nói “theo nguồn tin riêng” và khép cho anh ta đủ mọi thứ tội trên đời.

Tổng biên tập Tuân nóng mắt:

- Này, cô Thúy. Thế chẳng lẽ chuyện thằng Bình giết người còn là oan hay sao?

Thúy nói luôn:

- Tôi cũng chưa tin.

Mọi người cười ồ lên.

Phó tổng biên tập Lâm nói:

- Chị Thúy ạ, hình như là chị đang có điều gì bực mình. Việc thằng Bình giết thằng Hoàng là chuyện ba năm rõ mười, nhân chứng, vật chứng đầy đủ và có lời khai của ba người. Thậm chí chuyện thằng Bình định giết thằng Hoàng là có âm mưu từ trước, mà do vợ nó nói. Thế bây giờ chị bảo không tin thì tin cái gì?

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân