Tại công ty của Bình, nhóm cảnh sát kinh tế đang ngồi. Trên mặt bàn hàng đống hồ sơ, văn bản và kế hoạch kinh doanh của Bình, rồi hồ sơ đất cát, hồ sơ công ty chất đống ngồn ngộn.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 36)
Một cô nhân viên lễ tân ra đưa Hoan lên tầng hai. Hoan lên thì đã thấy có Trương, Hoàng và hai cô gái nữa ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 35)
Thúy và Hoan là hai vợ chồng cùng làm việc ở một tòa soạn. Chồng Thúy là Trưởng phòng Bạn đọc - vốn cũng xuất ... |
Hoàng nói:
- Trời, em ơi, sắc đẹp là một loại hàng hóa đấy!
Trương phá lên cười và nói:
- Thằng Hoàng dạo này mày cũng hay triết lý thật. Mà thôi, bây giờ từ từ chuyện vợ con đã, anh Hoan giao nhiệm vụ cho chú Thắng đi.
Hoan nói với Thắng:
- Chú xin số máy anh Hoàng. Rồi từ mai xuống dưới Công ty Bảo An. Anh Hoàng sẽ giới thiệu cho chú một số người mà trước đây đã từng ở tù với thằng Bình. Họ sẽ cung cấp tài liệu cho chú.
Thắng khoái trí và nói:
- Ôi, nếu được thế thì tốt quá.
Rồi Hoàng lại mở túi lấy ra một phong bì nhỏ hơn, mỏng hơn, đưa cho Thắng và nói:
- Lần đầu tiên gặp chú, nhân 21/6 có món quà gửi chú.
Mọi người uống rượu được thêm mấy tăng thì Trương liếc mắt ra hiệu. Ả đang ngồi cạnh Hoan nũng nịu nói:
- Mình ơi, mình ra đây với em, em bảo.
Nói xong ả xốc nách Hoan lúc này đã ngà ngà say đứng dậy và đi thẳng lên tầng trên. Mọi người hiểu ý về cái sự ra đi của hai người. Hoàng tiếp tục nháy mắt ra hiệu cho đứa con gái ngồi bên cạnh và ả lại sán đến Thắng và õng ẹo:
- Em muốn anh đi với em một lúc.
Thế rồi cũng chả cần Thắng phải nói gì thêm, ả ôm lấy Thắng xốc đứng dậy. Hoan và Thắng đã lên phòng… Ở dưới còn lại Hoàng và Trương cùng một cô gái nữa.
Trương cười và bảo:
- Thấy chưa, trước sắc đẹp, trước đàn bà, chả có thằng đàn ông nào mà lại từ chối được. Gớm, cứ nghe mấy ông này các ông ấy viết về gái mại dâm với lại tệ nạn nọ, tệ nạn kia, thì có mà tưởng các ông ấy như là thánh cả. Nhưng mà đấy, hôm nay mới thấy.
Ả mà được gọi là “vợ” Trương bĩu môi nói:
- Em lạ gì các cái mặt này. Mà cỡ trưởng phòng đã là cái đinh gì. Nhiều loại chức to vật vã cũng chỉ đến thế thôi.
Rồi ả ngân nga đọc câu thơ:
- Dù cho trăm khéo ngàn khôn/ Đến cửa nhà (ả dừng lại nói ấp úng) …. lờ… bẩy vía còn ba.
Trương vỗ đùi đánh đét khoái trí:
- Ối giời ơi, thơ quá hay. Em moi đâu ra cái câu ấy nhỉ?
***
Sư thầy Thích Trí Thiện sau khi mãn hạn tù, trở về ngôi chùa cũ và lại tiếp tục được bổ nhiệm làm sư trụ trì ở ngôi chùa đấy. Đó là một ngôi chùa nhỏ nằm khuất nẻo ở một vùng quê nghèo. Có lẽ những năm tháng ở tù đã giúp cho sư thầy được nhiều trong việc tu thiền cho nên khi ông trở về chùa, ông sống rất lặng lẽ và chỉ chăm chú vào việc tụng kinh gõ mõ.
Một hôm, có một người cũng ở tù đến chùa. Trông thấy người tù đó, sư thầy nói:
- Ôi, chào anh Quyền! Sao hôm nay lại đến chùa chơi như thế này?
Quyền cũng là một tù nhân, thợ sửa chữa ôtô ở trong phòng hậu cần ở trại giam.
Quyền vào. Sư thầy mời Quyền ngồi uống nước rồi hỏi:
- Sao, thế tình hình bây giờ anh như thế nào?
Quyền bảo:
- Thưa thầy, từ ngày con về con cũng mở được một cửa hàng chữa xe máy nho nhỏ. Cũng đủ ăn thầy ạ.
Sư thầy Thích Trí Thiện nói:
- Bây giờ đủ ăn được là tốt.
Quyền hỏi:
- Thầy có biết tin gì về anh Bình không?
Sư thầy lắc đầu:
- Không. Tôi chỉ nghe nói cũng có nhiều người ngày xưa cũng ở tù ra đây nói chú ấy bây giờ làm ăn khá lắm, đã trở thành đại gia. Mà chú ấy cũng thu nạp nhiều người cùng cảnh ngộ về làm. Thế là tốt lắm, cứu một người phúc đẳng hà sa.
Quyền nói:
- Con cũng định xin vào chỗ anh ấy làm. Mà con biết là xin thì thế nào anh ấy cũng nhận. Nhưng mấy hôm nay, dư luận ồn ào quá, con nghĩ mà lo lắm.
Sư thầy hỏi:
- Sao? Có chuyện gì?
Quyền nói:
- Không hiểu sau khi ra tù, được ông Can cho cơ nghiệp, đất cát rồi mở xưởng làm ăn. Nhưng gần đây lại thấy báo chí nói rằng anh ấy chơi bời, giao du với bọn xã hội đen ở bên Đài Loan, Singapore. Chúng nó dùng anh ấy để tẩy rửa tiền. Bây giờ công an đang kiểm tra, phong tỏa hết các tài sản. Đây, thầy xem, như thế này thì chết đến nơi rồi.
Rồi Quyền mở cái cặp sách đeo bên mình ra, lấy ra một xấp các bài báo viết về Bình mà anh ta phôtô lại.
Quyền đưa cho sư thầy và bảo:
- Đây, thầy xem.
Sư thầy Thích Trí Thiện xem lướt lướt qua vài bài báo rồi đặt phịch xuống bàn và nói:
- Không thể có những chuyện này được. Không thể có được.
Quyền bảo:
- Tại sao thầy lại nói là không thể có những chuyện này?
Sư thầy nói:
- Tôi thì tôi không biết cái chuyện bọn xã hội đen Đài Loan với Singapore như thế nào, nhưng tôi biết Bình là người có thiên lương. Tôi biết con người đấy. Đó là người không thể làm bậy và cũng không có gan làm bậy. Trước đây, anh ta nghiện hút, rồi cờ bạc, rồi anh ta nhỡ tay đánh chết người, tất cả những cái đấy do tuổi trẻ không gìm giữ được và rồi do cuộc sống xô đẩy, do người khác xúi giục, chứ bản thân Bình không phải người như vậy.
Rồi thầy Thiện hỏi Quyền:
- Quyền, thế bây giờ Bình ra sao?
Quyền lắc đầu và nói:
- Con cũng không biết nhiều. Chỉ nghe bọn giang hồ đồn đại rằng chắc là mấy hôm nữa công an sẽ bắt.
Thầy Thiện bảo:
- Bắt thì cũng phải có chứng cớ gì chứ?
Quyền cười nhạt và bảo:
- Cần gì chứng cứ hả thầy? Biết bao nhiêu người bắt oan bắt sai, ở trong trại giam mình thầy còn lạ gì!
Thầy Thiện ngồi thừ ra một lát rồi hỏi:
- Vậy hôm nay anh đến đây tìm tôi chắc không phải chỉ để nói với tôi chuyện này?
Quyền bảo:
- Dạ vâng. Con định đến nhà thầy, thầy thử đến xem giúp cho anh Bình có làm sao không. Chứ nếu như có bề gì thì tội anh ấy lắm. Con nhớ ngày xưa lúc ở trong trại, những lúc con ốm đau, dặt dẹo, anh ấy lo cho con từng li từng tí, như thằng anh lo em. Sau này con ra tù, nhiều lần con cũng định tìm tới anh ấy để nương tựa, sinh sống nhưng mà hoàn cảnh nhà con bố mẹ già không đi xa được, cho nên con mở cửa hàng chữa xe. Năm ngoái, có một lần anh ấy có nhắn người bảo con là cần gì thì qua anh ấy giúp đỡ. Rồi anh ấy giúp mở rộng cửa hàng cho. Nhưng con thấy mình làm ăn vẫn còn kém cho nên chưa dám nhờ.
Thầy Thiện bảo:
- Được rồi. Thế thì tôi sẽ đến chỗ Bình xem sự thể ra sao.
Quyền tươi hẳn nét mặt và nói:
- Thầy ạ, con có xe máy đây. Thầy đi xe máy luôn với con đến đấy xem sao.
Thầy Thiện gật đầu rồi vội vàng đi đóng cửa chùa lại. Ông lại còn cẩn thận lấy mấy phẩm oản trên bàn thờ Phật, cho vào túi rồi mang đi.
***
Tại công ty của Bình, nhóm cảnh sát kinh tế đang ngồi. Trên mặt bàn hàng đống hồ sơ, văn bản và kế hoạch kinh doanh của Bình, rồi hồ sơ đất cát, hồ sơ công ty chất đống ngồn ngộn.
Một anh cảnh sát đọc, áng chừng có vẻ mệt mỏi, nói:
- Đọc những cái này ù hết cả tai, mờ cả mắt.
Anh sĩ quan mang cấp hàm thiếu tá bảo:
- Bây giờ các cậu đọc xong rồi xem phát hiện có gì không ổn, nghi vấn thì các cậu để riêng ra rồi chúng ta sẽ cùng bàn.
Một anh sĩ quan mang cấp hàm đại úy ngáp dài:
- Đọc suốt từ hôm qua đến hôm nay chẳng thấy có cái gì nghi vấn cả.
Rồi anh đại úy càu nhàu:
- Tôi cũng chả hiểu tại sao các ông làm án mà lại làm cái kiểu này. Làm án kinh tế mà lại làm kiểu truy xét thì làm thế nào? Đủ thời gian để cho người ta hợp thức hóa chứng từ, người ta tẩy rửa tiền xong rồi. Đã làm án kinh tế thì phải án truy sát. Phải ập đến, bắt ngay, khám ngay thì may ra mới vớ được chứng cứ chứ còn như thế này thì bắt cái gì?
Một anh nói:
- Ờ, cái vụ này cũng giống như cái vụ PMU gì đó. Làm công an bây giờ, thời buổi này mà cứ có một cái niềm tin nội tâm là thằng ấy nó xây được nhà thì nó phải tham nhũng, nó phải ăn cắp, tay giám đốc ấy mua được ôtô thì phải là bằng tiền của Nhà nước. Cứ nghĩ như thế rồi thì tạo cớ bắt con nhà người ta. Bắt xong rồi đến lúc chả tìm ra được chứng cứ, đấy mới là cái nhục. Tôi sợ vụ này cũng thế.
Anh thiếu tá nói:
- Thôi, thôi, các cậu ít mồm thôi. Các cậu không biết được cái phức tạp trong vụ này đâu. Mà tôi nói cho các cậu biết nhé, làm mà không ra được tội của thằng Bình này thì có khi anh em mình đi nơi khác khẩn cấp đấy.
Anh đại úy nói:
- Thế thì chết. Mà tại sao nó phức tạp như thế thì tại sao anh đi nhận làm cái gì?
Anh thiếu tá bảo:
- Không nhận việc cũng không xong. Trên các ông đã nói thế rồi, mà thôi, lúc nào rỗi tôi sẽ nói cho các cậu biết rích rắc trong cái vụ án này. Bây giờ thì anh em mình phải cố tìm cho ra tội của thằng này.
***
Một cô nhân viên phục vụ đẩy một xe nhỏ vào. Trên đấy có cà phê, bánh ngọt và hoa quả. Cô để những đồ này sang một cái bàn nhỏ bên cạnh và nói:
- Mời các anh, em để các thứ ở đây. Các anh mệt thì cứ dùng ạ.
Anh thiếu tá ngẩng đầu lên nói:
- Cám ơn cô.
***
Bình đang ngồi ở phòng làm việc. Mặt mũi anh đờ đẫn, mệt mỏi.
Chung từ công ty nhỏ của Bình đi xe con đến. Vào phòng, trông thấy Bình mà cô suýt khóc.
Thấy Chung vào, Bình chợt tỉnh táo hẳn lên. Bình hỏi Chung:
- Tình hình ở dưới công ty thế nào hả em?
Chung thở dài:
- Từ hôm có chuyện đến giờ, dưới công ty cũng chẳng ai muốn làm việc cả. Bọn em cứ phải cố đốc thúc, cố làm, nhưng không khí buồn chán lắm.
Bình bảo:
- Bây giờ việc dưới công ty, anh trông cậy mấy anh chị em ở dưới đấy. Làm gì thì làm, phải cố lên, đừng để cho công nhân người ta khổ. Người ta làm việc ở đây, tháng kiếm vài ba triệu bạc, suốt ngày phơi nắng, phơi gió, hít bụi, kiếm mấy đồng. Bây giờ, nhỡ xảy ra chuyện gì, họ biết sống bằng cái gì.
Chung rơm rớm nước mắt và hỏi:
- Anh ơi, thế tình hình công ty liệu thế nào?
Bình thở dài bảo:
- Bây giờ cũng chẳng biết sao. Suốt ngày cảnh sát kinh tế kiểm tra hồ sơ, chứng từ. Có mấy cái máy tính thì họ niêm phong, chở về chỗ họ hết rồi để kiểm tra.
Chung ngạc nhiên nói:
- Họ kiểm tra cái gì?
Rồi Chung “à” lên một tiếng rồi nói:
- Họ giữ máy tính chắc là họ muốn tìm xem công ty mình làm ăn có khuất tất gì không.
- Mấy cái máy tính đấy em dọn dẹp hết rồi. Không có một cái gì liên quan đến tiền nong, tài chính ở trong đấy cả, ngoài bản dự thảo các hợp đồng kinh tế, kế hoạch của công ty.
Bình hỏi:
- Này, anh hỏi em, thế ngày xưa những dịp Tết nhất mà em cứ lập danh sách đi biếu quà mọi người thì bây giờ cái danh sách ấy, có bao giờ em lưu vào trong máy không?
Chung nói:
- Hồi ấy là em toàn làm trên máy tính xách tay của em, không hề lưu vào máy tính công ty. Mà em cũng xóa hết rồi.
Bình thở phào nhẹ nhõm:
- Anh nhớ cái bài học ở trên Lai Châu ngày xưa, có cái chuyện thằng giám đốc công ty gì đấy. Nó mang biếu ai cái gì, từ chai rượu, hộp mứt nó cũng ghi sổ. Đến lúc công an bắt được, khui ra cái danh sách nó đi hối lộ, biếu xén đến một trăm mấy chục vị ở tỉnh.
Chung bảo:
- Em cũng biết cái vụ ấy cho nên em cẩn thận lắm.
Chung nhìn Bình bằng con mắt thương cảm và nói:
- Sao số anh vất vả thế? Việc cũ chưa xong bây giờ lại việc mới. Mà bây giờ em có thông tin này, không biết anh có đủ dũng cảm để nghe không?
Bình nói:
- Em cứ nói đi. Sao lại phải đắn đo thế?
Chung bảo:
- Anh phải rất cảnh giác với cô vợ anh đấy. Và cả đứa em vợ anh làm kế toán nữa. Em nghe nói rằng chị ấy vẫn đi lại, thậm thụt với thằng Quynh làm sơn Kova.
Bình thở dài bảo:
- Anh cũng có nghe người ta nói, thậm chí người ta còn nói nhiều hơn thế nữa, rằng ngày xưa, cô ấy được cái danh người đẹp cũng là từ thằng Quynh bỏ tiền ra để chạy chọt Ban tổ chức. Nó làm sẵn câu hỏi “gà” cho cô ấy để cô ấy trả lời. Và nghe nói, ngày xưa hai người cũng có một thời kỳ quan hệ với nhau, nhưng ở mức độ nào thì anh không biết.
Chung bảo:
- Tất cả các công trình của mình, khi cần đến sơn, anh có nhớ là chị ấy đều ép anh là phải dùng sơn của thằng Quynh không? Mà sơn của nó, mười thùng thì bốn thùng là sơn đểu, nó cứ trộn vào. Bây giờ, nhiều chỗ xuống cấp thê thảm lắm.
Bình thở dài bảo:
- Thôi, em đừng nói nữa. Để cho anh yên cái đầu. Hơn nữa, cô ấy cũng sắp đẻ.
Chung đứng phắt dậy và bảo:
- Tại sao người ta bảo những người đã từng vào tù ra tội như anh thì phải khôn ngoan lắm. Nhìn cái gì cũng phải nhìn thấy không gian ba chiều, bốn chiều. Thế mà anh làm sao lại cứ u u mê mê như thế này? Ai cũng tin, ai cũng lừa anh được. Anh làm ăn kinh tế kiểu gì thế?
Bình im bặt. Chung lại nói:
- Anh ạ. Hay anh xem có đền nào, chùa nào thiêng thì anh đến lễ, cầu cúng cho tai qua nạn khỏi đi.
Bình lắc đầu:
- Thôi, lễ bái mà làm gì. Anh chẳng tin cái chuyện lễ bái.
Chung bảo:
- Em thấy trong vụ này có cái điều gì đó không ổn, rất không bình thường. Hôm nọ, em nói chuyện với anh Vũ. Anh ấy bảo em rằng nguyên cớ là do chuyện anh không chịu bán cái lô đất hai chục hecta đất cho thằng Trương - con ông Sâm, cho nên nó mới gây sự. Hay thôi, nếu như mà chỉ vì như vậy thì theo em, anh cưa đôi, bán đi cho nó xong. Thật ra nếu bán đi thì em nghĩ anh cũng không lỗ.
Bình nói:
- Em không biết đấy thôi, để có được lô đất này, ông bố nuôi anh, ông Can ấy, đã phải lao tâm khổ tứ như thế nào. Cụ đã phải chạy vạy đủ nơi, đủ chốn mới có được lô đất ấy. Mà ngày xưa, ai dòm ngó đến cái đất ấy đâu. Trồng lúa chả được, cây cũng không lớn, quanh năm ngập úng, toàn đỉa với cá rô ta. Thế rồi, đến khi mua được lô đất ấy, mấy năm trời anh đã phải đổ tiền đổ của vào để san lấp, tôn nền rồi trông cây để bây giờ mới được như thế này. Nhưng mà anh nghĩ tại sao lại phải quỵ lụy chúng nó như thế. Anh đã giúp thằng Trương, mua cho nó cả một lô xe máy hơn trăm chiếc, mang về bán lỗ gần năm mươi nghìn đô la. Nó biết hết chứ, nhưng mà tại sao chúng nó lại tham đến mức độ như vậy thì anh không chịu. Cho nên, anh nghĩ rồi, nó muốn làm gì thì nó làm, cũng chẳng bắt tù được anh đâu.
Chung nói:
- Anh ạ, đời người ta nó có vận, có lúc lên, lúc xuống. Em thấy rằng lúc này, vận của anh đang xuống. Thì thôi, mình cứ gìn giữ một tí, một điều nhịn là chín điều lành. Cũng có người bảo em rằng ông Sâm năm nay mới năm mươi ba tuổi. Thế thì như vậy ít nhất ông ấy còn làm một khóa Chủ tịch nữa rồi mới nghỉ. Mà bây giờ ông ấy mới được nửa khóa, tính ra là ông ấy còn sáu năm nữa. Anh bảo, làm ăn ở một tỉnh mà mất sáu năm trời bị một ông Chủ tịch tỉnh cứ thù hằn như thế thì sống làm sao được?
Bình hơi nổi nóng:
- Em lạ thật. Ông ấy là Chủ tịch thì có liên quan gì đến mình. Chẳng lẽ ông ấy lại hèn đến mức vì con ông ấy không mua được lô đất của mình mà đâm ra thù mình à?
(Xem tiếp kỳ sau)