Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 11)

Nghe nói đến “quân khu Nam Đồng” thì ông Biểu cũng giật mình, bởi từ lâu, đám lưu manh ở khu tập thể Nam Đồng vốn rất nổi tiếng. Đám này cậy thế là con cán bộ quân đội cho nên coi thường coi chính quyền và cũng không coi ai ra gì.

dac biet nguy hiem ky 11 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 10)

Từ sau hôm đấy, Bình trở thành một trợ thủ đắc lực của bà Tuyến. Ngày thì quần quật chữa xe, tối thì ngồi chia ...

dac biet nguy hiem ky 11 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 9)

Từ ngày có Bình về, cửa hàng ông Biểu đông khách hơn hẳn. Tiếng tăm về một cậu bé mới ở quê ra, chữa xe ...

Tiền kiếm được Bình giấu ông Biểu, anh nhét vào một hộp để trong cửa hàng.

Một buổi tối, mọi nhà đã lên đèn Bình đóng cửa hàng lại và lấy số tiền đã cất giấu được đem ra đếm.

Thấy được nhiều tiền, Bình vừa đếm vừa mủm mỉm cười khoái chí.

Đúng lúc đó, Thủy Tiên đi đâu về. Thủy Tiên ngó qua khe cửa, thấy Bình đang đếm tiền. Thủy Tiên gật gù mỉm cười gõ cửa:

- Anh Bình ơi, mở cửa cho em.

Bình vội vàng nhét tiền vào hộp, giấu vào chỗ cũ.

Thủy Tiên đứng ngoài giục:

- Sao lâu thế, làm cái gì vậy?

Bình lúng túng:

- Chờ anh thay quần áo.

Thủy Tiên buột miệng nói luôn:

- Anh học được lối nói điêu từ bao giờ đấy?

Bình mở cửa, Thủy Tiên vào nhà. Cô nhìn quanh quất và nói:

- Trông mặt anh gian lắm, chắc đang làm cái gì mờ ám phải không?

dac biet nguy hiem ky 11

Bình chống chế:

- Anh có làm gì đâu. Đang cởi trần. Em gọi cửa anh phải mặc cái áo chứ.

Thủy Tiên nhìn Bình từ đầu đến chân rồi cười khẩy:

- Từ trước đến nay em vẫn nghĩ anh là người thật thà như đếm. Thế mà hôm nay lại biết nói dối.

Bình gân cổ lên:

- Anh nói dối em cái gì?

Thủy Tiên không trả lời và lảng sang chuyện khác:

- Em đang có việc làm ăn cần vốn. Anh có tiền cho em vay vài trăm.

Bình trợn mắt:

- Em nói đùa đấy à? Anh thì làm gì có tiền.

Thủy Tiên cười nhạt:

- Anh giấu ai chứ làm sao giấu được em. Em hỏi anh, tiền anh đi ngồi xới, hầu như không tối nào anh thua. Vậy tiền để đâu? Rồi còn tiền ở cửa hàng nữa.

Bình cười trừ:

- Đúng là ngồi xới vừa rồi được ít tiền nhưng anh gửi về cho mẹ anh hết rồi. Còn tiền làm ở cửa hàng được bao nhiêu em biết đấy còn gì.

Thủy Tiên thở dài:

- Chán ông anh của tôi quá!

Rồi cô đứng dậy, đi loanh quanh và moi luôn gói tiền anh giấu ở góc nhà ra.

- Ông anh có gói gì lạ nhỉ? Em xem là gói gì vậy.

Rồi chẳng chờ Bình nói thêm, Thủy Tiên mở ra và phì cười:

- Thế chả lẽ tiền này bố em bỏ quên à?

Bình ngượng chín cả mặt, không biết nói thế nào nữa.

Thủy Tiên lại nhét gói tiền vào chỗ cũ và bảo:

- Anh giấu tiền thì phải giấu cẩn thận chứ để đây có ngày ông bô em biết thì lại sinh chuyện đấy.

Bình ngồi lặng yên, Thủy Tiên thủng thẳng:

- Em biết nhà anh nghèo. Tất cả chỉ trông mong vào đồng tiền của anh gửi về, cho nên anh chắt bóp cũng là phải. Em đang nghĩ rằng, đã đến lúc anh phải tích góp được món tiền kha khá để mở một cửa hàng làm ăn riêng. Em thấy anh có tư cách của một ông chủ. Cứ làm thuê cho bố em mãi thế này, bao giờ mới khá được.

Rồi Thủy Tiên cười rinh rích và nói:

- Phải có cửa hàng cửa hiệu, phải có tiền và cũng phải lấy vợ, sinh con đẻ cái chứ.

Bình xua tay:

- Chuyện đó còn lâu. Em không phải nghĩ.

Thủy Tiên bỗng nhìn chòng chọc vào mặt Bình và bảo:

- Ông anh của em đẹp trai, lại có tài. Vài ba năm nữa có mà gái theo chẳng hết. Nhưng mà em nói trước, muốn yêu đứa nào phải để em duyệt đã. Em mà không đồng ý thì chớ có mà léng phéng đấy.

Bình cũng thấy vui vui và hỏi:

- Thế theo em thì anh phải chọn người yêu thế nào?

Thủy Tiên mím môi suy nghĩ một lát rồi nói:

- Anh cứ chọn một người như em. Thế là được.

***

Một hôm, Bình đang ngồi cân vành cho một chiếc xe đạp thì ông già có chiếc xe Peugeot City 102 sửa lần trước đến.

Ông mở ở trong chiếc túi buộc sau xe lấy ra mấy quyển sách rồi bước vào cửa hàng, đưa cho Bình và nói:

- Bác thấy cháu có chí làm nghề. Đây, có mấy quyển sách này, bác cho cháu. Cháu đọc cũng có thể giúp được nhiều cho cháu đấy!

Bình cầm mấy quyển sách lên xem. Hóa ra đấy là sách dạy sửa chữa ôtô, sách về lý thuyết động cơ đốt trong.

Ông già bảo:

- Bác thấy cháu trẻ tuổi nhưng mà chịu khó, chí thú làm ăn, bác rất thích. Cháu làm ở đây thì ông chú trả cháu bao nhiêu tiền một tháng?

Bình nhận mấy quyển sách:

- Dạ, cháu cảm ơn bác. Cháu làm ở đây, mỗi một tháng chú cháu nuôi ăn và cho hơn 30 đồng.

Ông già trố mắt:

- Trời ạ, sao lại trả ít thế?

Bình cười bẽn lẽn bảo:

- Dạ, với nhà cháu, thế cũng là nhiều rồi ạ.

Ông già lắc đầu bảo:

- Không được. Ai lại làm ăn như thế! Bây giờ thế này, cháu nghĩ kỹ đi nhé. Bác có một người em cũng mở cửa hàng chữa xe máy, xe đạp trên phố Huế, cháu lên đấy làm, bác trả lương mỗi tháng 100 đồng.

Bình giật mình nói:

- Một trăm đồng kia hả bác!

Ông già bảo:

- Ừ. Một trăm đồng. Còn chỗ ở thì cháu không phải lo, về ở với bác.

Bình suy nghĩ một lúc rồi bảo:

- Thôi bác ạ. Chú cháu đưa cháu ra đây mà bây giờ bỏ đi làm chỗ khác thì không được. Mang tiếng lắm.

Ông già ngồi nghĩ một lát rồi bảo:

- Làm thế nào nhỉ? Bác rất thích tay nghề của mày.

Chợt Bình hỏi:

- Bác chắc cũng là kỹ sư xe máy.

Ông già cười:

- Bác chỉ học đến trung cấp sửa chữa điện ôtô thôi. Nhà bác ở trong ngõ Cống Trắng gần đây. Cháu gặp khó cái gì, cứ vào hỏi ông Toán sửa xe, là người ta khắc chỉ.

Bình sáng mắt lên:

- Vâng ạ. Có gì bác dạy cháu với.

Vừa lúc đấy, ông Biểu đi đâu về, ghé qua cửa hàng xem công việc của Bình thế nào. Thấy ông già, ông Biểu vui vẻ:

- Anh chữa xe à? Hỏng gì đấy.

Ông Toán lắc đầu:

- Không hỏng gì cả.

Ông chỉ vào chiếc xe City 102 nói:

- Anh có thằng cháu nó làm thợ tốt quá. Thằng này không những giỏi nghề mà còn có đạo đức. Hôm nọ tôi hỏng chiếc xe City, đi chữa bao nhiêu nơi không ai phát hiện ra bệnh. Thế mà đến đây, nó chỉ cần đi thử mấy vòng là tìm ra được bệnh ngay.

Ông Biểu tự hào nói:

- Thằng này ra đây em phải đào tạo nó ghê lắm đấy.

Ông già cười bảo:

- Anh đào tạo nó hay nó đào tạo anh? Tôi biết cái cửa hàng nhà anh từ lâu rồi. Trước đây anh có chữa được chiếc xe máy nào nên hồn đâu. Từ ngày có nó, người ta cũng mới biết đến cửa hàng của anh.

Ông Biểu chẳng nói gì, lảng sang chuyện khác:

- Hôm nay bác có cần bảo dưỡng gì không?

Ông già bảo:

- Không. Hôm nay tôi chẳng chữa cái gì cả. Lần trước nó sửa xe cho tôi nó không lấy tiền.

Ông Biểu quay lại Bình hỏi:

- Xe hỏng cái gì mà chữa không lấy tiền?

Bình nói:

- Dạ, có đứa nào nó xỏ bác ấy. Nó xé giấy xi măng với nilon ném vào bình xăng cho nên đến lúc xe chạy, xăng nó hút xuống thì nó bịt đường dẫn xăng, thế là không nổ máy được. Cháu phát hiện ra thôi chứ nó có hỏng hóc gì đâu mà lấy tiền của bác ấy.

Ông già đỡ lời:

- Tôi thấy cháu nó có chí mà làm việc lại có trách nhiệm nên tôi mang cho nó quyển sách về động cơ đốt trong, tôi đưa cho nó để nó đọc tham khảo. Biết đâu chẳng giúp ích được nó chút gì.

Rồi ông già nói với ông Biểu:

- Tôi có việc này muốn nói chuyện với anh.

Ông Biểu hỏi:

- Việc gì hả bác?

Ông già nói:

- Tôi có chú em mở cửa hàng sửa xe trên phố Huế nhưng thợ thuyền chẳng đâu vào đâu. Mà bây giờ, xe Honda ở miền Nam ra nhiều, hầu hết là xe cũ, cho nên hỏng nhiều quá. Tôi muốn, nếu được, anh cho thằng bé này lên làm với tôi. Còn tiền, thì cứ gọi là tiền công anh đào tạo nó, hết bao nhiêu thì tôi trả anh.

Ông Biểu gạt phắt:

- Không được. Nó là thợ chính của em ở đây. Bác bảo, bây giờ nó đi thì em lấy ai làm. Không. Cái đấy bác tìm người khác đi, đừng nghĩ đến chuyện thằng cu này.

Ông già nói luôn:

- Nhưng mà chú phải nghĩ thế nào chứ thằng này nó giỏi như thế mà chú trả lương cho nó bèo bọt quá.

Ông Biểu cáu tiết:

- Ông này hay nhỉ. Chuyện lương bổng của nó, chú cháu tôi với nhau, thì đó là chuyện của nhà tôi, việc gì nhà ông. Người ta bảo “sảy cha thì còn chú”, tôi là chú nó, tôi không lo cho nó thì tôi lo cho người thiên hạ à?

Ông già thấy mình nói hớ. Ông nói:

- Tôi nói thế để chú dùng người cho tốt thôi. Mà này, chú cũng phải cẩn thận đấy nhé. Tôi có nghe mấy thằng ở đây nói, từ ngày có thằng cu này về đây, thành ra chúng nó bị mất khách. Mà anh lạ gì cái khu xóm chợ này nữa. Giang hồ tứ chiếng thì sẵn, toàn bọn tiền án, tiền sự nhiều hơn tiền mặt, cho nên, chú phải cẩn thận đấy.

Ông Biểu vỗ ngực:

- Em nói thật với bác, em ở đây hai đời rồi, cả cái ngõ chợ Khâm Thiên này, em cho đứa nào sống thì được sống, em bảo thằng nào chết thì thằng ấy phải chết. Chỗ nào tử tế thì em còn giúp, còn không tử tế với em thì chúng nó chỉ có thiệt thôi.

Ông già cười khì khì và nói chất chưởng:

- Đấy là tôi nói cho chú biết trước như vậy, để chú đề phòng. Chứ còn tôi cũng biết là nhà chú cũng là nhà có tiếng. Thím cả rồi thím hai cũng đều là người không vừa cả.

Nghe giọng ông già nói dửng dưng nhưng cách nói đấy thì rõ ràng là ông rất hiểu nhà ông Biểu.

Ông Biểu hỏi:

- Thế bác ở xóm nào?

Ông già bảo:

- Không. Tôi nói thế thôi chứ nhà tôi ở cách đây cũng xa. Nhà tôi ở ngõ Cống Trắng cơ.

Ông già nói nghe có vẻ bình thường nhưng cách nói của ông rõ ràng khiến ông Biểu thấy nghi ngại.

Ông già lại nói tiếp:

- Thôi, tôi về nhé. Thế còn thằng cháu, chịu khó mà đọc sách. Hôm nào bác qua đây, bác cháu mình nói chuyện thêm.

Ông già đi rồi, ông Biểu quay lại nhìn xoáy vào Bình và nói:

- Tao nói cho mày biết, mày làm ở đây thì đúng là tay nghề mày cũng khá, nhưng mà đừng có vội lên mặt. Sao lại đã đi kể lể chuyện tiền lương thế nọ, thế kia?

Bình bảo:

- Thì bác ấy hỏi cháu rằng lương tháng cháu được bao nhiêu thì cháu bảo được từng ấy. Thế thôi, chứ cháu biết gì đâu.

Ông Biểu nói:

- Mày có biết hôm nọ tao về tao đưa cho mẹ mày bao nhiêu không? Tao không muốn nói với mày nhưng số tiền tao đưa cho mẹ mày gấp hai lần tiền lương của mày đấy. Không tin mày cứ hỏi mẹ mà xem.

Bình nói:

- Dạ, cháu có biết ạ, em cháu có viết thư ra.

Ông Biểu hỏi:

- Thế ông ấy nói với mày, nếu mày về làm ở đấy thì lương ông ấy trả mày bao nhiêu?

Bình thật thà:

- Bác ấy bảo rằng nếu cháu về làm ở đấy thì bác ấy trả cháu 100 đồng.

Ông Biểu ngạc nhiên:

- Ông ấy nói thế mà mày cũng tin à?

Bình bảo:

- Cháu có biết đâu. Bác ấy nói thế mà.

Ông Biểu gật gù:

- Lão này ghê thật. Lão muốn phá cửa hàng mình đấy. Lão ấy muốn mày đi về đấy làm, có thể một, hai tháng đầu lão ấy trả lương như thế nhưng mà rồi sẽ giở mặt ngay. Gớm, tao lạ gì cái thứ dân ngõ Cống Trắng ấy. Ở cái khu Đống Đa này, dân Khâm Thiên và dân Cống Trắng là ngang ngửa nhau. Mà mày đừng nghĩ 100 đồng là to. Mày ở đây với chú thím, nói gì thì nói, “giọt máu đào hơn ao nước lã”. Chứ mày đi ra đấy làm, biết thế nào được. Xã hội ngày càng phức tạp, khổ lắm đấy cháu ạ. Người xưa có câu: “Một mặt người bằng mười mặt của”, nhưng mà giờ thì “một mặt người bằng mười mặt ngợm”. Người xưa bảo: “Trông thấy nhau là quý”, nhưng ngày nay thì “Trông thấy nhau là quý mà trông thấy ví nhau thì mừng”. Mày thấy đấy, mày ra Hà Nội mới được mấy tháng, mày thấy cuộc sống ngoài này nó xô bồ thế nào, còn lạ gì. Cho nên, thôi, cứ ở đây chí thú làm ăn. “Gái có công, chồng chẳng phụ”, tao cũng chẳng để mày thiệt đâu. Hơn nữa, nếu mày xảy ra chuyện gì, thì tao còn có mặt mũi nào mà về làng nữa.

***

Chuyện ông già nói, mặc dù ông Biểu vỗ ngực tỏ ra không sợ ai, nhưng xem ra cái sự lo lắng cũng hiện ra mặt.

Quả nhiên, chiều hôm ấy, có 2 gã thanh niên trông mặt mũi rất cô hồn, mặc quần loe rộng lùng thùng, đi dép sampo, phóng một chiếc Honda 67 đến. Một gã tóc cắt cua, một gã có cái răng cửa bị sứt, nom như hề xiếc.

Chúng dựng xe đến “uỵch” một cái rồi hất hàm hỏi ông Biểu:

- Có chữa xe không hả ông?

Ông Biểu nói:

- Xe các anh bị hỏng cái gì đấy?

Một gã thanh niên nói:

- Chả biết làm sao. Đạp xuống mà nó lại cứ đánh ngược trở lại.

Ông Biểu hất hàm bảo Bình:

- Mày ra xem xe các anh ấy bị làm sao?

Bình ra và nói:

- Anh bật khóa điện lên, em đạp thử xem thế nào.

Một gã bật khóa điện lên. Bình đạp thử thì đúng là chân đạp bị đánh ngược lại. Bình nói:

- Dạ, cái này bị đánh ngược lại thế này có thể là lửa đặt hơi sớm.

Gã cằn nhằn:

- Sớm là thế nào? Tao vừa mới chữa trên phố Huế, họ bảo đặt lửa chính xác lắm.

Bình khẳng định:

- Không, chắc là lệch một hai răng cam đấy, cho nên lửa nó mới sớm thế này. Khi pit-tong chưa lên đến điểm chết trên thì lửa đã đánh cho nên là nó dội ngược lại. Mà chạy như thế thì nó hại đỉnh pit-tong, hại sup-pap lắm. Các anh để em kiểm tra, em đặt lại cho.

Hai gã nhìn nhau. Một gã bảo:

- Ừ, mày xem như thế nào.

Bình mở ra rồi kiểm tra má vít bạch kim, má vít đánh lửa rồi chỉ cho 2 người:

- Anh thấy chưa. Đây, lẽ ra là khi cái dấu chữ O này nó vào đúng cái vạch này thì má vít mới được mở. Đây nó còn lệch đến 2 răng nữa mà má vít đã mở rồi thì thảo nào nó chẳng đánh sớm. Thôi để em đặt lại cho các anh.

Bình đặt lại lửa cho chiếc Honda 67 rồi bảo họ:

- Anh nổ máy thử xem.

Họ nổ máy rồi trầm trồ:

- Ồ thằng này giỏi. Khá lắm!

Thế rồi tự nhiên như không, hai gã chẳng nói gì chuyện trả tiền mà lại quay sang hỏi ông Biểu.

Gã đầu cua:

- Thế nào ông bác, cửa hàng làm ăn ngon không?

Ông Biểu ngạc nhiên:

- Các anh ở đâu mà lại hỏi tôi chuyện làm ăn?

Gã đầu cua bảo:

- Ông bác thì chẳng biết bọn em nhưng con gái bác thì biết đấy. Bọn em ở dưới quân khu Nam Đồng.

Nghe nói đến “quân khu Nam Đồng” thì ông Biểu cũng giật mình, bởi từ lâu, đám lưu manh ở khu tập thể Nam Đồng vốn rất nổi tiếng. Đám này cậy thế là con cán bộ quân đội cho nên coi thường coi chính quyền và cũng không coi ai ra gì.

Ông Biểu nhũn nhặn:

- Thì cửa hàng làm ăn cũng được.

Rồi ông lại hỏi:

- Nhưng mà sao các anh lại biết con gái tôi.

Gã răng sứt cười khẩy:

- Ôi, con gái bác, em Thủy Tiên, khét tiếng ăn chơi ở cái khu Đống Đa này, ai lạ gì nó. Nhưng mà thôi, hôm nay bọn em đến đây trước hết là chữa xe và cũng để kiểm tra thử tài thằng thợ cả của ông bác. Thằng này giỏi. Được. Đây, anh cho.

(Xem tiếp kỳ sau)

dac biet nguy hiem ky 11 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 13)

Sau cái lần ấy, Bình và Thủy Tiên xoắn lấy nhau và tình cảm của hai không lọt qua được cặp mắt của bà Tuyến.

dac biet nguy hiem ky 11 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 12)

Chiều tối hôm ấy, trong bữa cơm, cả nhà chỉ bàn tán về chuyện Bình đánh hai thằng lưu manh đó như thế nào.

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân