Đã sẵn sàng cho chặng về đích

Sau 4 ngày làm việc, Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa đã khép lại hôm 19/7 tại TP Milwakee (bang Wisconsin) với việc chính thức bầu ứng cử viên tổng thống của đảng, công bố ứng cử viên liên danh phó tổng thống và thông qua cương lĩnh hành động. Dư luận và báo giới Mỹ đánh giá đây là một trong những đại hội toàn quốc ấn tượng nhất của đảng Cộng hòa trong nhiều năm qua.

Tại Đại hội, cựu Tổng thống Donald Trump và phó tướng của ông - Thượng nghị sĩ James David Vance chính thức được đề cử làm ứng viên tổng thống và phó tổng thống đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.

21_7_2024_quocte_baucumy.jpg -0
Cựu Tổng thống Donald Trump tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa. Ảnh: Reuters

Một điểm nhấn khác của sự kiện này là việc thông qua bản Cương lĩnh hành động dài 16 trang, gồm 20 điểm. Bản Cương lĩnh "ngắn gọn nhưng rõ ràng" này phác thảo những nét chính về đường lối, chiến lược đối nội và đối ngoại của đảng Cộng hòa trong vòng 4 năm tới, thể hiện những thay đổi mang tính căn bản so với đường lối chính sách của chính quyền đương nhiệm. Bản Cương lĩnh phản ánh lập trường cứng rắn của ông Donald Trump trong vấn đề nhập cư, với cam kết đóng cửa biên giới và tiến hành trục xuất quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Về kinh tế, bản cương lĩnh cam kết người lao động Mỹ sẽ được thụ hưởng thành quả lao động công bằng hơn, giảm thuế, kéo lạm phát về mức an toàn và đưa Mỹ trở thành nhà sản xuất năng lượng thống trị thế giới.

Về đối ngoại, đảng Cộng hòa cam kết sẽ ngăn chặn nguy cơ xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ ba, khôi phục nền hòa bình ở châu Âu và Trung Đông, chủ trương yêu cầu các đồng minh phải đáp ứng nghĩa vụ đóng góp nhiều hơn vào việc phòng thủ chung. Cương lĩnh cũng khẳng định, Mỹ sẽ sát cánh cùng các đồng minh chủ chốt, trong đó có Israel.

Một điểm nhấn nổi bật khác là sự kiện ông Donald Trump phát biểu bế mạc. Đây là lần đầu tiên vị tỉ phú này phát biểu công khai sau sự việc ông bị ám sát hụt trong khi vận động tranh cử ở TP Butler (bang Pennsylvania) hồi cuối tuần qua. Trong bài phát biểu, ông tuyên bố chấp nhận đề cử từ đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng, ông đang tranh cử chức tổng thống "cho toàn thể nước Mỹ, không phải một nửa nước Mỹ vì không có chiến thắng nào cho một nửa nước Mỹ".

"Bốn tháng nữa, chúng ta sẽ có một chiến thắng đáng kinh ngạc, và chúng ta sẽ bắt đầu bốn năm vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước. Cùng nhau, chúng ta sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về sự an toàn, thịnh vượng và tự do cho công dân của mọi chủng tộc, tôn giáo, màu da và tín ngưỡng", ông nêu rõ. Ông cảm ơn người dân Mỹ vì đã ủng hộ ông sau vụ việc cũng như cảm ơn mật vụ Mỹ đã bảo vệ ông, và những người tham dự sự kiện hôm đó đã không bỏ chạy mà ở lại để chỉ điểm vị trí kẻ ám sát. Ông cũng kêu gọi đảng Dân chủ "ngừng sử dụng hệ thống tư pháp làm vũ khí và coi các đối thủ chính trị là kẻ thù của nền dân chủ".

Theo giới chuyên gia, Đại hội toàn quốc tại Milwakee đã trở thành diễn đàn để cựu Tổng thống Donald Trump thống nhất sự ủng hộ, bao gồm cả những tiếng nói từng phản đối ông dữ dội. Ở một khía cạnh nào đó, vụ ám sát hụt ở Pennsylvania đã trở thành chất xúc tác giúp ông có được sức hút mạnh mẽ hơn bao giờ hết và tập hợp được sự ủng hộ to lớn. Hàng loạt đối thủ trước đây như cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley hay Thống đốc bang Floria Ron DeSantis đã lên tiếng ủng hộ ông và kêu gọi người ủng hộ bỏ phiếu cho ứng cử viên này.

Bên cạnh đó, các thông điệp từ đại hội hết sức ấn tượng và hướng thẳng tới cử tri, đó là "Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại", "Làm cho nước Mỹ giàu có trở lại", "Làm cho nước Mỹ an toàn trở lại" và cuối cùng là thông điệp bao trùm "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Đây không phải là các khẩu hiệu mới, song lại có sức hấp dẫn nhất định trong bối cảnh cử tri Mỹ đang mong chờ làn gió đổi thay sau 4 năm chứng kiến kinh tế tăng trưởng không như mong đợi và một nền chính trị phân cực, đối đầu sâu sắc.

Trong khi đảng Cộng hòa đã toàn tâm toàn ý hậu thuẫn ứng cử viên Donald Trump, thì bên phía đảng Dân chủ vẫn cho thấy những bất ổn nhất định, vẫn tiềm ẩn những ngã rẽ bất ngờ. Trung tuần tháng 8 tới, đảng Dân chủ cũng sẽ tổ chức Đại hội toàn quốc tại thành phố Chicago. Đương kim Tổng thống Joe Biden hiện là ứng cử viên duy nhất và là người giành chiến thắng tuyệt đối trong chiến dịch bầu cử sơ bộ. Dù vậy, sau màn thể hiện không như mong đợi trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên hồi tháng 7 trước ông Trump, tâm lý lo lắng đang bao trùm đảng Dân chủ. Thậm chí, đang ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến của chính giới đảng Dân chủ cho rằng, ông Joe Biden nên cân nhắc rút khỏi cuộc chạy đua năm nay.

Tính đến tối 19/7 (giờ địa phương), đã có thêm 13 nghị sĩ đảng Dân chủ, bao gồm 2 thượng nghị sĩ và 11 hạ nghị sĩ, đề nghị ông Joe Biden ngừng tranh cử. Trong số này có 2 hạ nghị sĩ Jared Huffman và Zoe Lofgren, các đồng minh thân cận của cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Như vậy, cho tới nay, tổng cộng đã có 35 nghị sĩ Dân chủ muốn đương kim Tổng thống Mỹ rút khỏi cuộc đua. Một bài xã luận trên tờ The Washington Post cho rằng điều đảng Dân chủ cần làm ngay lúc này là vượt qua tâm lý hoảng loạn và nhanh chóng quyết định bước đi tiếp theo: tiếp tục trao tấm vé đại diện cho ông Joe Biden hay là "thay ngựa giữa dòng".

Còn khoảng 110 ngày nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng những diễn biến đầy sóng gió này báo hiệu các khó khăn và thách thức to lớn mà đảng Dân chủ đang phải đối diện trong chiến dịch bầu cử năm nay. Các số liệu thăm dò dư luận mới nhất đều cho thấy ông Donald Trump đang "bứt tốc" và nới rộng khoảng cách dẫn điểm ứng cử viên Joe Biden trên phạm vi toàn quốc, cũng như tại 6 bang chiến địa có ý nghĩa quyết định. Với những bước tiến chính trị mạnh mẽ tại Đại hội toàn quốc, ông Donald Trump tiếp tục củng cố ưu thế của mình và hiện đã sẵn sàng cho "chặng về đích". Tuy nhiên, lịch sử chính trường Mỹ đã nhiều lần chứng minh bầu cử tổng thống luôn tiềm ẩn bất ngờ, do đó, bất kỳ kịch bản nào cũng có thể xảy ra vào ngày 5/11 tới.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/da-san-sang-cho-chang-ve-dich-i738087/

Khổng Hà / cand.com.vn