Nên hay không phát triển nhà cao tầng ở đô thị ven biển? Đó là nội dung được bàn thảo tại buổi tọa đàm “Không gian kiến trúc đô thị ven biển - Tầm nhìn và giải pháp” tổ chức sáng nay 4.7 tại TP Đà Nẵng với sự tham gia của nhiều kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng trong cả nước.
Chấp nhận cao ốc là tất yếu
KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam lạc quan: "Đà Nẵng vẫn còn là đô thị với nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển mạnh. Gần đân nhiều người ngán ngẩm trước sự phát triển nóng, bùng phát du lịch và quá tải hạ tầng nên thán rằng Đà Nẵng đã "nát hết" về quy hoạch, xây dựng rồi! Cảnh báo này cần thiết, nhưng hơi thái quá".
Tuy vậy, cũng như nhiều chuyên gia kinh tế đã phân tích trước đó, KTS Nguyễn Tấn Vạn cũng cho rằng những năm gần đây, Đà Nẵng được coi là một hiện tượng, một hình mẫu về phát triển đô thị ở Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh những thành quả nhất định, TP này cũng bộc lộ những hạn chế bởi đô thị phát triển nhanh, trong khi chưa thực sự khai thác hết lợi thế từ điều kiện cảnh quan tự nhiên. Xu hướng xây dựng dàn trải với kiến trúc thấp tầng khiến hiệu quả sử dụng đất còn thấp, dẫn đến tình trạng cạn kiệt quỹ đất dự trữ. Trong khi một số vị trí ven biển phát triển cao ốc dày đặc, chưa phù hợp.
Tọa đàm bàn về việc có nên phát triển nhà cao tầng ở đô thị ven biển? |
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng cho rằng, đối với những đô thị như Đà Nẵng, việc xây dựng nhà cao tầng là tất yếu. Tuy nhiên, khi chấp nhận xây dựng nhà cao tầng thì yêu cầu về hạ tầng là rất lớn. Theo KTS Loan, cần phải quy hoạch tổng thể, thiết kế đô thị chi tiết, khi quy hoạch nên xây dựng nhà cao tầng theo cụm, có sự chuyển tiếp từ cao tầng đến thấp tầng và đảm bảo hài hòa với môi trường và các điều kiện tự nhiên như nắng, gió cho đến hạ tầng giao thông, điện nước, dịch vụ xã hội... Muốn vậy, Đà Nẵng nên tuần tự quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung... và quy hoạch nhà cao tầng.
Hãy dành không gian sông, biển cho cộng đồng
KTS Hồ Khuê (ALPES Green Design & Build) cho biết đã là tác giả trên 100 công trình cao ốc ở Việt Nam, nhưng ông rất đau xót vì lâu nay mình chỉ lao theo những giá trị kinh tế, tự hào đã có được những hợp đồng lớn mà quê đi cộng đồng. Ông nói: "Trở về quê hương Đà Nẵng 4 năm nay, chứng kiến sự phát triển đến bùng nổ, quá tải về hạ tầng, quản lý nhà nước gần như không theo kịp thực tiễn, khiến ông ân hận". Tuy vậy, theo KTS Hồ Khê, với đô thị như Đà Nẵng thì nhất thiết phải chấp nhận cao ốc. Nhưng xây cao ốc ở đâu? Kiến trúc như thế nào thì phải tính toán cẩn trọng. Tuyệt đối không tiếp tục cấp đất xây cao ốc ven biển theo kiểu dựng "vạn lý trường thành", chắn hết mặt tiền biển, sông như thời gian qua. Hãy để không gian đó cho cộng đồng.
KTS Ngô Viết Nam Sơn |
KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu kinh nghiệm của New York, một đô thị có điều kiện địa lý giống Đà Nẵng nhưng TP này đã dành toàn bộ mặt tiền biển và ven sông để quy hoạch các khu dân cư, công viên cây xanh và tiện ích công cộng. Nhiều khu bảo tồn thiên nhiên không được phép đụng đến, không cho xây dựng. Đối với những khu vực nguy cơ ảnh hưởng của bão thì không xây dựng nhà cao tầng. Khi nhà đầu tư có nhu cầu thì phải có được sự đồng thuận của dân cư, không tùy tiện theo đổi quy hoạch.
Trong khi đó, Đà Nẵng cho phép nhà đầu tư làm resot và xây dựng nhà cao tầng mặt tiền biển. Điều này khiến hiệu quả sử dụng đất thấp, chỉ mang lợi ích trước mắt. Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, Đà Nẵng nên xây dựng đô thị đa bản sắc như đô thị sân bay, khu sinh thái, logictics... Theo đó, tùy theo bản sắc của mỗi khu đô thị mà có quy hoạch phù hợp. Những khu đô thị sân bay, khu sinh thái Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, khu trung tâm mới thì không được quy hoạch nhà cao tầng.
Theo ông Sơn,Đà Nẵng chỉ nên xây dựng nhà cao tầng ở mặt tiền sông Hàn, trục Đông Tây, từ đường bao ra biển, tạo thành những đại lộ cao tầng, ven vịnh Đà Nẵng, sông Cu Đê…dễ giải quyết giao thông công cộng, giảm kẹt xe, hợp lý hóa quỹ đất xây dựng.