- Bộ Công an đề xuất mẫu căn cước sẽ cấp từ 1/7/2024
- Những thắc mắc về CCCD sau khi Luật Căn cước có hiệu lực
Liên quan đến việc cấp thẻ Căn cước, nhiều người đặt câu hỏi, người 60 tuổi đã đổi thẻ Căn cước công dân ở mốc tuổi này có phải đổi sang thẻ Căn cước? Khi địa giới hành chính thay đổi do sáp nhập có bắt buộc đổi thẻ?
Về độ tuổi cấp đổi thẻ Căn cước, Điều 21 Luật Căn cước có hiệu lực từ 1-7 nêu rõ, người đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Trường hợp thẻ căn cước được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước độ tuổi phải đổi thẻ căn cước theo quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Như vậy, công dân sở hữu thẻ Căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước ở 4 mốc tuổi là 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Công dân từ đủ 60 tuổi trở lên thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip trước thời điểm Luật Căn cước có hiệu lực sẽ không phải thực hiện cấp đổi thẻ Căn cước.
Ngoài ra, nếu công dân thực hiện cấp đổi lại thẻ CCCD gắn chíp trước thời hạn đủ 60 tuổi 2 năm (lúc 58 tuổi) vẫn có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip đó đến khi mất. Song nếu họ có nhu đổi sang thẻ Căn cước thì vẫn thực hiện thủ tục cấp đổi như bình thường.
Người đủ 60 tuổi trở lên đã được cấp CCCD gắn chíp không phải đổi sang Thẻ Căn cước |
Về việc sáp nhập, thay đổi địa giới hành chính, theo Bộ Công an, khi sắp xếp lại thì địa giới hành chính sẽ có thay đổi về tên gọi.
Khi đó, một số trường thông tin của công dân sẽ thay đổi nên cơ quan chức năng sẽ chạy lại toàn bộ hệ thống dữ liệu dân cư, đồng thời phối hợp với người dân để điều chỉnh cụ thể từng trường hợp.
Theo quy định hiện hành, mặc dù không yêu cầu công dân phải đổi Căn cước công dân khi sáp nhập cấp huyện, xã. Tuy nhiên, để thuận tiện cho giao dịch, người dân nên đi đổi căn cước theo địa danh mới và sẽ được miễn lệ phí khi thực hiện thủ tục này.
Đối với một số trường thông tin ở giấy khai sinh như nơi sinh, quê quán, Bộ Công an cũng sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để chạy trên toàn hệ thống, đồng thời phối hợp với người dân để điều chỉnh cụ thể từng trường hợp.
Theo Bộ Nội vụ, Bộ này nhận được phương án tổng thể từ 56/56 tỉnh, thành phố có huyện, xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025. Dự kiến thời gian tới, tổng số huyện thực hiện sắp xếp là 50, sau sắp xếp dự kiến giảm 14 đơn vị. Tổng số xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị, sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị. Số lượng đơn vị hành chính cấp này có tăng so với đề án báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.