- Có bắt buộc phải đổi Thẻ căn cước công dân thành Thẻ căn cước từ 1-7-2024?
- Từ 1/7/2024: Đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước, thu thập mống mắt để xác thực
Luật Căn cước bổ sung quy định mới đó là thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi công dân.
Thẻ căn cước mới có gì khác?
Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua sáng 27/11 gồm 7 chương, 46 điều. Qua đó, Quốc hội quyết định gọi tên luật là Luật Căn cước (có hiệu lực từ 1/7/2024) và thẻ căn cước công dân (CCCD) sẽ được đổi tên thẻ căn cước từ 1/7/2024.
Một trong những nội dung được dư luận quan tâm, đó là sau khi CCCD được đổi tên, thì những thông tin trên thẻ căn cước sẽ thay đổi ra sao?
Theo Bộ Công an, so với thẻ CCCD đang lưu hành, nhiều thông tin trên thẻ căn cước sẽ có sự thay đổi. Cụ thể, dòng chữ "căn cước công dân" được chuyển thành "căn cước", "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" sẽ thay bằng "nơi cư trú".
Ngoài ra, mẫu vân tay cũng được lược bỏ trên thẻ căn cước. Còn cơ sở dữ liệu căn cước của công dân sẽ gồm các trường thông tin: Nhân dạng, sinh trắc học (ảnh chân dung, ADN, giọng nói), nghề nghiệp (trừ lực lượng quân đội, công an...).
Khi nào cần bổ sung mống mắt?
Đáng chú ý, Luật Căn cước bổ sung quy định mới đó là thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi công dân. Tuy nhiên, việc thu thập mống mắt hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của cá nhân đó.
Đối với thông tin ADN và giọng nói, cơ quan chức năng sẽ thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp, hoặc thông qua chia sẻ dữ liệu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Bên cạnh những thông tin trên, thẻ căn cước còn thay đổi chữ ký của người cấp thẻ, từ "Nơi cấp: Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an" thành "Nơi cấp: Bộ Công an".
Mức độ bảo mật của thẻ căn cước ra sao?
Thẻ căn cước mới sẽ có khả năng bảo mật cao, bảo đảm việc chống làm giả thẻ hoặc sao chép. Chip điện tử trên thẻ căn cước được trang bị công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ sở hữu.
Để khai thác thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua hình thức xác thực vân tay, khuôn mặt thì mới có quyền truy cập.
Tuy nhiên, chỉ ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu mới truy cập được thẻ, không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước.
Luật Căn cước còn quy định nếu muốn khai thác những thông tin trong chip điện tử cần sử dụng thiết bị chuyên dụng do Bộ Công an cung cấp mã bảo mật để xác thực.
Các cơ quan nhà nước khác khi cung cấp thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin trong thẻ căn cước, các thiết bị này phải được cơ quan chuyên môn của Bộ Công an kiểm tra và cung cấp mã bảo mật.
Những ai được cấp thẻ căn cước?
Theo Luật Căn cước công dân 2014, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi đều được cấp thẻ CCCD, còn số thẻ CCCD là số định danh cá nhân.
Trong khi đó, Luật Căn cước quy định mọi công dân Việt Nam đều được cấp thẻ căn cước. Tuy nhiên, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi thực hiện theo nhu cầu và không bắt buộc.
Đối với công dân từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi, khi làm thẻ căn cước cần có mặt người đại diện hợp pháp để thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học.
Còn đối với trẻ dưới 6 tuổi, người đại diện hợp pháp có thể kê khai thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng VNeID. Khi đó, cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học.