Trung Quốc đang đòi hỏi những điều mình muốn bằng cách đe dọa các nước khác, nhưng điều đó không được chấp nhận.
"Cách tiếp cận của Trung Quốc là điều bạn có thể gọi là luật rừng, khi kẻ mạnh nhất có thể có được điều mình muốn. Đó là dấu hiệu rất đáng lo ngại khi Bắc Kinh đang gia tăng sức mạnh quốc gia, trong đó có sức mạnh quân sự", Daniel Russel, từng là trợ lý về Đông Á và Thái Bình Dương của cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nói về cách hành xử của Trung Quốc ở khu vực.
Ông Russel có cuộc phỏng vấn riêng với VnExpress nhân dịp đến làm việc tại Việt Nam cuối tháng 10/2019.
Theo Russel, khi Trung Quốc tuyên bố điều gì là "lợi ích cốt lõi", các quy tắc của quốc tế được "áp dụng cho tất cả, trừ Bắc Kinh". Trong một số trường hợp, chính phủ Trung Quốc hành xử như thể mình được "miễn" tuân theo quy tắc và luật pháp quốc tế. Một ví dụ điển hình là Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của Toà trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines năm 2016. Trung Quốc nỗ lực thực thi các quyền lãnh thổ không đủ tiêu chuẩn pháp lý, không có căn cứ theo luật.
Cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ nhắc đến phán quyết của Toà trọng tài quốc tế, trong đó bác bỏ yêu sách "ường lưỡi bò" phi lý mà Bắc Kinh tự vẽ ra, để đòi yêu sách với gần toàn bộ Biển Đông.
Dựa trên các nguyên tắc của Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), Toà trọng tài quốc tế đã bác bỏ yêu sách "ường lưỡi bò" phi lý mà Bắc Kinh tự vẽ ra, để đòi yêu sách với gần toàn bộ Biển Đông. Phán quyết khẳng định không có thực thể nào mà Trung Quốc đòi sở hữu ở Biển Đông tạo ra lãnh hải hơn 12 hải lý, không tạo nên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Hầu hết các thực thể ở Biển Đông đều không được coi là đảo. Phán quyết này mang tính ràng buộc với Trung Quốc.
Russel khẳng định mối quan tâm ở Biển Đông là vấn đề áp dụng và thực thi luật pháp quốc tế, Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) và việc tôn trọng quyền của các quốc gia.
"Các vấn đề ở Biển Đông không phải là của khu vực, mà là của quốc tế", Russel nói.
Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Nam Biển Đông từ đầu tháng 7/2019 đến gần cuối tháng 10/2019. Ảnh: SCMP. |
Về phía Mỹ, từ khi kết thúc Thế chiến II, Washington ủng hộ nguyên tắc cơ bản là tất cả các nước đều có quyền, trong đó có quyền được các nước tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chia sẻ không gian quốc tế ở trên biển và trên không. Mỹ cũng cho rằng các quyền mà Hiến chương Liên Hợp Quốc đưa ra, được áp dụng đồng đều với mỗi nước. Washington đánh giá đe doạ và ép buộc để giải quyết tranh chấp là không thể chấp nhận được.
Sự khác biệt quan điểm này là một khía cạnh lớn trong cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, theo Russel.
"Tôi cho rằng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc rất nghiêm trọng. Đó là cuộc đấu về vấn đề: liệu luật pháp có thắng thế ở châu Á và ở các nơi khác không, liệu Trung Quốc có thể thực hiện quyền bá chủ với các nước láng giềng hay không", Russel nói.
Cụ thể, cuộc đấu giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á là về nguyên tắc cơ bản, liên quan đến việc luật quốc tế và quyền phổ quát có được áp dụng công bằng với Trung Quốc như với Việt Nam, với Philippines hay với bất cứ nước nào khác hay không. Nhắc đến Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà Trung Quốc đang đàm phán với ASEAN, Russel cho rằng Bắc Kinh đang thúc đẩy với mục tiêu nhắm đến sự hạn chế tiếp cận Biển Đông của các nước khác, trong đó có Mỹ.
Với chiến tranh thương mại, khi Mỹ và Trung Quốc áp thuế lên các mặt hàng của nhau, người dân hai nước đã bắt đầu "cảm nhận được cái giá phải trả". Thiệt hại do chiến tranh thương mại đang tạo áp lực cho Trung Quốc và cho cả Mỹ trong việc tìm ra một phương thức "ngừng bắn" hoặc tạm ngưng để giảm thiểu phí tổn. Tuy nhiên, khi Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Bình có cơ hội gặp mặt, họ sẽ chỉ đi đến một thoả thuận nhỏ. Thoả thuận này có thể gồm dỡ thuế với Trung Quốc và Bắc Kinh khôi phục mua nông sản cùng một số mặt hàng khác từ Washington.
Russel cho rằng các vấn đề thuộc cấu trúc giữa Mỹ và Trung Quốc chưa được giải quyết. Các vấn đề căn bản về công nghệ cũng chưa được xử lý. Mối quan tâm của cả Washington và Bắc Kinh trên một loạt vấn đề chiến lược cũng chưa được giải quyết.
"Do đó, căng thẳng Mỹ - Trung sẽ còn tiếp diễn ở mức độ cao", Russel nói.
Về diễn biến sắp tới trong cạnh tranh Mỹ - Trung, Cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ cho rằng câu hỏi chính là liệu Washington và Bắc Kinh có thể tìm thấy sự hiểu biết chung về những quy tắc, giúp chi phối cách hành xử của các nước trong thế kỷ 21 hay không.
Hiện nay, Trung Quốc nổi lên là một cường quốc thế giới. Việc Bắc Kinh muốn có quy tắc quốc tế mới, để phản ánh thực tế thay đổi về địa chiến lược, là điều dễ hiểu. Vấn đề là quá trình điều chỉnh này có đem lại một luật lệ chung mà tất cả các nước đều tham gia và chấp nhận, hay sẽ là luật lệ có từ sự áp chế của Trung Quốc, khiến các nước còn lại không chấp thuận hoặc không hài lòng. Russel nêu thực tế ở châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đã dùng sức mạnh và sự giàu có của mình để hăm doạ hoặc ép buộc các nước láng giềng.
"Nếu đó là định hướng mà Trung Quốc muốn thực hiện để kiểm soát thế giới, Mỹ không thể chấp nhận", Russel nói.
Đề cập đến vai trò của Việt Nam ở khu vực, Cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ cho rằng Hà Nội không thể thay đổi vị trí địa lý của mình ở châu Á, nhưng có thể thay đổi quan hệ với các nước. Hợp tác mạnh mẽ của Hà Nội với các đối tác lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia có thể giúp tạo nên tiếng nói đồng nhất, phản đối cách hành xử ép buộc của Trung Quốc. Tiếng nói chung này cũng có thể khiến Bắc Kinh thực hiện các nghĩa vụ theo luật quốc tế.
Trong năm 2020, khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, một trong các thách thức Hà Nội phải đối diện là củng cố sự đoàn kết của Hiệp hội, bởi nó mang tính quyết định đối với diễn biến ở Biển Đông.
Russel cho biết kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở châu Á của ông cho thấy nếu một nước có khác biệt với Trung Quốc chọn cách "lùi bước" thì Bắc Kinh sẽ "tiến lên".
Nhắc đến việc Trung Quốc điều tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 7/2019, ông Russel đánh giá Bắc Kinh muốn thử phản ứng của Hà Nội và cộng đồng quốc tế, xem cách hành xử này có được chấp nhận hay không. Nếu có, Trung Quốc sẽ có thêm nhiều hành động tương tự trong tương lai.
"Việc Việt Nam không chấp nhận cách hành xử của Trung Quốc và kiên quyết phản đối đã cho cho thấy kết quả của phép thử: Hà Nội quyết tâm đẩy lùi ý định của Bắc Kinh lặp lại hành động đó ở bất cứ đâu", Russel nói.